Bức ảnh của năm

28/12/2010 19:49 GMT+7

Điều gì đã làm cho bức ảnh chụp bé Ly vượt qua 1.263 bức ảnh từ 33 nước gửi đến Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF đoạt giải “Bức ảnh của năm 2010”?

Câu chuyện thương cảm

Lần theo bức ảnh được Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF công bố “Bức ảnh của năm 2010”, do nhiếp ảnh gia người Mỹ Ed Kashi thực hiện, chúng tôi tìm đến gia đình của nhân vật trong bức ảnh- cô bé Nguyễn Thị Ly (tổ 16, thôn Khái Tây 2, P.Hòa Quý, Q.Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng)…

Sau khi nghe giải thích rằng bức ảnh ông bà Ed Kashi chụp bé Ly được Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF chọn làm bức ảnh của năm 2010, nghĩa là bé Ly sẽ được cả thế giới biết đến, ba mẹ của Ly mới à lên sung sướng…

Câu chuyện đầy thương cảm về cô bé Ly được cha mẹ bé thuật lại. Anh Dương gần 40 tuổi mới gặp chị Lê Thị Thu - mẹ bé Ly. Tình cảm tràn đầy của anh đã xóa bỏ được trong chị mặc cảm của một nạn nhân chất độc da cam. Trước, cha chị Thu tham gia bộ đội ở chiến trường Quảng Trị, bị thương nặng và nhiễm chất độc da cam. “Khi sinh ra, tôi và một người anh khác của tôi bị dị dạng do nhiễm chất độc da cam. Anh tôi không sống được bao lâu nên tôi thấm thía được nỗi đau của mình, và cảm nhận được nỗi đau của cha mẹ, vì thế lúc nào tôi cũng sống trong e ngại…”.

Chị mang thai bé Ly trong nỗi ám ảnh và phập phồng lo sợ. Chỉ mới 6 tháng rưỡi, chị đã phải sinh bé Ly ra do không đủ sức khỏe. bé Ly chỉ nặng 1,7kg, “to” bằng cái cổ tay và sống trong lồng kính. Anh chị nhìn con mà thương rớt nước mắt. Những tháng ngày Ly nằm lồng kính thoi thóp, anh khóc sợ bé Ly không sống nổi. Chị lại liều tiếp tục mang thai đứa con thứ 2. Đứa trẻ thứ 2 là con trai, hoàn toàn lành lặn, bụ bẫm, anh chị vui sướng đặt tên con là Nguyễn Quang Mừng.

5 tuổi, Ly cũng không biết đi, nói cũng chỉ bập bẹ… Còn cu Mừng càng lớn càng xinh xắn, trở thành “thần hộ mệnh” của chị Ly. Có cu Mừng, anh chị mạnh dạn cho Ly đi học, vì vậy mà 2 chị em đều hiện học lớp 3. Ba năm học ở trường Tiểu học Phạm Hồng Thái, 2 chị em Ly năm nào cũng đạt học sinh tiên tiến, hoàn toàn là do tự học.

Đằng sau bức ảnh nổi tiếng

Khi hỏi về ông bà Ed Kashi và bức ảnh, cả gia đình Ly vô cùng hào hứng. Họ kể: vào tháng 7.2010, ông bà và rất nhiều người đến nhà, đề nghị anh chị cho ở nhà trong vòng 1 tuần và sinh hoạt mọi thứ như bình thường. Mỗi ngày, 7 giờ sáng đoàn đã có mặt, làm việc say sưa đến 12 giờ trưa, 13 giờ lại có mặt và tiếp tục công việc chụp ảnh, ghi hình đến tối mịt. Mọi góc cạnh, mọi sinh họat của gia đình đều không hề bị xáo trộn, không hề bị can thiệp bởi bàn tay sắp đặt nào, tất cả đều hoàn toàn tự nhiên.

Chính vì vậy nên khi bữa cơm chỉ có rau dưa thường nhật của gia đình được dọn lên, bà Catherine (vợ ông Ed Kashi) đã trào nước mắt, bảo làm thế thì sao cháu có thể đủ sức khỏe được. Ông bà thường ôm lấy Ly, ngôn ngữ bất đồng nhưng cháu Ly rất có thiện cảm với đôi vợ chồng, cháu rất quấn quýt, yêu mến. Lúc ông bà chào gia đình về lại Mỹ, Ly cũng rấm rứt buồn mấy hôm. Ông bà Ed Kashi tặng cho gia đình Ly nguyên một album ảnh mà ông bà đã chụp trong suốt 1 tuần ở lại, và 4 tấm ảnh được lồng vào tấm kính trang trọng. Đồng thời, ông bà cũng xin phép gia đình cho lấy đi tập ảnh đã chụp để sử dụng đúng mục đích. Và “Bức ảnh của năm 2010” chính là mục đích đầu tiên mà ông bà Ed Kashi giữ lời hứa với gia đình.

 
Ly và mẹ, 2 thế hệ phải gánh chịu tác hại chất độc da cam - Ảnh: Ed Kashi

Bức ảnh đặc tả gương mặt của một cô bé 9 tuổi, nạn nhân của chất độc da cam, đứng giữa hai mảng sáng tối, nhưng vẫn giữ được nét cười hồn nhiên, thơ trẻ… Đó chính là những gì mà nhà nhiếp ảnh Ed Kashi đã lột tả được. Cả thế giới một lần nữa sẽ biết đến mức độ tàn khốc của chiến tranh và những gì mà chất độc da cam đã gây ra cho người dân VN, cũng như nghị lực phi thường của con người VN trước mọi nỗi đau…

Không lâu sau ngày rời khỏi gia đình Ly, bà Catherine đích thân viết một tấm thiệp gửi lời thăm hỏi đến gia đình Ly. “Toàn tiếng Anh nên gia đình cất kỹ, đâu biết dịch” - anh Dương cười hiền lành. Trong thư, bà Catherine gửi lời thăm hỏi đến gia đình Ly, hy vọng mọi người thích những bức ảnh mà ông bà đã chụp, gửi đến Ly cái ôm thắm thiết, chúc em học tốt và hẹn ngày gặp lại. Nghe dịch xong, chị Thu xúc động, ông bà ấy thật tốt… Còn bé Ly thì sà vào lòng ba, hồn nhiên hỏi: Khi nào ông bà sẽ lại đến thăm con, sẽ lại ôm con như ông bà đã nói trong thư, hả ba mẹ?”. 

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.