Những người thầy bên ngoài bục giảng

09/11/2005 22:05 GMT+7

Trong đời mỗi người có rất nhiều bàn tay nâng niu, dìu dắt của thầy cô. Có bàn tay dịu dàng, nắn nót cho ta từng con chữ, có bàn tay mạnh mẽ, nghiêm khắc quất những ngọn roi rát buốt vì tội trốn học đi chơi... Cũng có những bàn tay chưa bao giờ cầm đến viên phấn trắng, chưa một lần đứng trên bục giảng nhưng mỗi khi nghĩ về họ, lòng ta vẫn rung lên tiếng gọi "Thầy ơi!".

Người thầy ngoài cửa lớp

Đến Trường Phổ thông năng khiếu  - ĐHQG TP.HCM hỏi thầy Bé, bạn sẽ được tận tình dẫn đến một chiếc bàn giấy khiêm tốn nằm trong căn phòng nhỏ dưới tầng trệt, "giang sơn" của thầy. Bạn đừng nôn nóng nếu không thấy thầy tại "địa chỉ" đó, vì thầy chả bao giờ "thường trú" một nơi mà luôn luôn "chuyển động", hay nói như dân chuyên Văn trong trường thì "khi thầy ở chỉ là nơi... thầy ở, khi thầy đi đất bỗng hóa tâm hồn!" Nghe hơi... rối rắm một chút, nhưng nếu bạn có dịp "mục kích" cảnh các bạn học sinh ríu rít tìm thầy với đủ mọi lý do - từ chuyện "Thầy ơi con lỡ mặc... nhầm đồng phục rồi, thầy đừng... nhìn thấy nhé!" đến chuyện "Hôm nay trông thầy kém "phong độ" lắm, có chuyện gì rứa thầy?" - bạn sẽ hiểu vì sao cứ mỗi lúc thầy bước ngang cửa lớp là mấy chục cái miệng cùng nhao nhao gọi thầy với đủ loại danh xưng trìu mến nhất, từ "Thầy ơi" đến "Bố ơi" và thậm chí là cả... "Má ơi". Đến đây, hẳn bạn sẽ thắc mắc thầy Bé dạy môn gì mà được học trò yêu quý vậy? Xin thưa, đó là thầy giám thị được "tôn vinh" là "Mr. Fair play" của các bạn học sinh phổ thông năng khiếu, người "luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu" mọi tâm tư, nguyện vọng dù là đơn giản và... nhảm nhí nhất của học trò. Cũng chính vì thế mà các thế hệ học sinh đã tốt nghiệp, thỉnh thoảng về thăm trường cũ đều tạt ngang phòng thầy chỉ để nhìn thấy cái dáng lom khom quen thuộc ngồi bên bàn giấy, xem lại sổ điểm danh hay lui cui với những "bảng phong thần" tổng kết các "lỗi lầm bé bỏng" của đám học trò quen thuộc. Mà nếu không gặp thầy ở đó, ai cũng tự hiểu, hẳn là "Mr. Fair play" đang bị "bắt cóc" trong một góc nào rồi...

Người thầy mà H. Yến (Tiền Giang) nhớ nhất suốt thời phổ thông lại là một thầy trợ lý thanh niên phụ trách phong trào Đoàn trong ngôi trường cấp ba của bạn. Trường huyện bé xíu, học trò nghèo nên phong trào không được "hoành tráng" lắm, mỗi lần có hội diễn văn nghệ hay hội thao giữa các trường là thầy lại lặn lội đến từng nhà để động viên, "lôi kéo" các bạn tham gia. Có "diễn viên" rồi, thầy lại tất bật đi tìm... trang phục biểu diễn. Nhìn thầy ngồi cặm cụi kết lại từng cái nút áo, khâu lại từng đường chỉ sứt mà thương. Có lần trường diễn vở Thạch Sanh - Lý Thông, đến sát giờ diễn, anh chàng Thạch Sanh loay hoay thế nào mà làm mất chiếc áo bà ba vá chằng vá đụp thầy đã cất công chuẩn bị từ đêm hôm trước, thế là thầy bèn cởi phăng chiếc sơ mi trắng đang mặc, xé te tua tay, cổ rồi vội vã đắp lên ngực áo hai miếng vải đen nham nhở lấy từ hai mảnh túi quần tây cũng... của thầy! Thạch Sanh được làm phò mã, cưới công chúa, rạng rỡ trong bộ lễ phục tinh tươm mà nước mắt chảy ròng ròng làm công chúa... hết hồn. Hỏi ra mới biết, "nhìn vô cánh gà, thấy thầy mặc cái áo te tua mà ân hận quá!".


Liên hoan văn nghệ giữa thầy trò ở ký túc xá (ảnh: Đ.N.T)

"Sư phụ" ký túc xá

Những ai từng xa nhà đi trọ học hẳn đều biết hàng tá những khó khăn, rắc rối của cảnh "lạ nước lạ cái", bơ vơ không một người thân bên cạnh. Từ chuyện tiền nong, cơm gạo, áo quần đến nỗi nhớ nhà quay quắt mỗi lúc cả phòng về quê, chỉ còn "ta với ta"... Những lúc đó, "ta" thấy mình lạc lõng và bơ vơ như cô Tấm đáng thương không còn bố mẹ bên cạnh, nên "quyền trợ giúp" nào xuất hiện cũng tương đương như một phép màu. Những thành viên Ban quản lý sinh viên tại ký túc xá (KTX) 135 Trần Hưng Đạo thường xuyên đóng vai "ông bụt" trong những lần như thế. Những lúc "kẹt đạn tập thể", cả phòng đói "vêu mỏ", nghĩ nát nước vẫn không tìm được chỗ xoay, thế là cả bọn đành cử một chàng mỏ ít... vêu nhất xuống lầu 1 xin mì gói của "bụt" Nhã, chú quản lý sinh viên "đóng đô" 24/24 tại đây. Còn mấy cô bé lầu dưới mỗi khi nhớ nhà lại mang đôi mắt đỏ hoe xuống tìm "sư phụ" Nhã, và thế là chú sẵn sàng ngồi bên cạnh nghe cô nhỏ tỉ tê chuyện "con nhớ con mèo cụt đuôi nhà con quá chú à". Nội quy KTX quy định không được nấu ăn trong phòng nhưng vì giờ học dày đặc, túi tiền lại eo hẹp nên nhiều bạn phải dấm dúi bếp núc ngay trong phòng. Những lần nghe mùi thức ăn nóng hổi bốc ra từ cửa sổ phòng nào đó, các "sư phụ" lại... làm ngơ cho các bạn, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ làm cho bữa ăn vội vã, đơn sơ trở nên đậm đà hơn, ấm áp hơn.   

Có một câu chuyện vẫn được "bà con" KTX Tân Phú (Thủ Đức) kể lại mỗi lần có tân binh "nhập ngũ" để làm "bài học đầu tiên". Chuyện là KTX có khuôn viên hơi bị lãng mạn với bồn hoa rực rỡ và những chiếc ghế đá cực kỳ "tiện nghi", mỗi tối các cặp lại hớn hở dắt nhau ra đấy ngồi tâm sự. Có một đôi khá đình đám trong "làng tâm sự" này bởi hai anh chị thường xuyên bày tỏ tình cảm một cách... ầm ĩ qua đủ loại âm thanh và động tác! "Sư phụ" quản lý KTX rất tế nhị, ít khi "dòm ngó" vườn hồng nhưng không hiểu bằng cách nào vẫn nắm rõ "tình hình" đôi bạn "nổi bật giữa đám đông" này. Thế là trong một lần nói chuyện "chơi chơi" giữa hai chú cháu, "sư phụ" đem cái chuyện "ngồ ngộ" ấy ra kể với đương sự nam và nói bâng quơ: "Không biết cái thằng đó là thằng nào, nhưng bộc lộ tình cảm "phô" như vậy là không biết giữ cho bạn gái mình, người ta coi thường cả hai đứa nó luôn!". Chỉ vậy thôi, "sư phụ" không đả động gì đến chuyện đó nữa, nhưng từ tối hôm sau đã không còn những "pha" gay cấn như thường lệ. "An ninh trật tự" trong KTX được thầy quản lý một cách nhẹ nhàng mà hiệu quả như thế, nên khi nhắc về bác quản lý "cực kỳ tâm lý" ấy, các cậu sinh viên vẫn tếu táo gọi ông là "Sư phụ tình yêu"!

Có một nghiên cứu sinh đang theo học chương trình tiến sĩ tại Singapore đã kể với tôi kỷ niệm ngọt ngào nhất của anh trong một khu KTX tẹp nhẹp, cũ kỹ. Ở đó, trước khi bước vào phòng thi giành học bổng du học, anh được bác quản lý dúi vào tay hai tờ năm ngàn để "kiếm cái gì ngon ngon, ăn cho no mà thi, nghen con!". Bác quản lý ấy đã về hưu từ lâu, nhưng mỗi đợt nghỉ hè về Việt Nam, anh sinh viên nghèo ngày nào vẫn tìm đến để gặp bác, người mà anh thành kính gọi là thầy - vì ở quê anh, tiếng "thầy" thân thương còn được dùng để gọi cha.

Đặng Hạnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.