Kết thúc Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

22/11/2008 15:16 GMT+7

Phát biểu kết thúc Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 22.11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết: Ngay sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tập trung vào 4 nhóm công việc.

Cụ thể, khẩn trương hoàn tất các công việc kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII vừa qua bằng việc hoàn chỉnh các văn bản, báo cáo, nghị quyết, các luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Đôn đốc ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành luật và tiếp tục hoàn chỉnh các biên bản, các kết luận chất vấn để gửi tới các địa chỉ cần thiết; Đề nghị Hội đồng dân tộc, các ủy ban, văn phòng của Quốc hội tiến hành tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII để chuẩn bị kỳ họp thứ 5 có chất lượng, hiệu quả hơn.

Loại việc thứ hai là phải triển khai, thực hiện các nghị quyết, nghị định của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sớm triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009, chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chương trình chất vấn giữa hai kỳ họp của Quốc hội.

Công việc thứ ba là khẩn chương hoàn chỉnh nội dung kỳ họp thứ 5 tới, bảo đảm yêu cầu về chất lượng và tiến độ.

Công việc thứ tư là triển khai một loạt các dự án, đề án của Ủy ban Thường vụ Quốc hội...

Sáng 22.11, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, các đại biểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Biểu khung thuế xuất khẩu và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 6 Pháp lệnh thuế tài nguyên.

Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Biểu khung thuế xuất khẩu quy định 3 nhóm hàng sẽ phải chịu khung thuế suất mới. Nhóm thứ nhất gồm những mặt hàng đang chịu thuế xuất khẩu, cần tăng mức thuế suất. Nhóm thứ hai là những mặt hàng hiện có khung thuế suất là 0% nay đưa vào diện chịu thuế với mức thuế suất tương ứng đối với từng mặt hàng cụ thể (mặt hàng là tài nguyên khoáng sản như than từ 1-20% tăng lên 5% đến 45%, dầu mỏ thu được từ bitum từ 0-2% tăng lên 0-5%...). Nhóm thứ 3 được coi là nhóm “dự phòng” bao gồm tất cả các loại khoáng sản còn lại hiện có mức thuế suất 0%, nay chịu mức khung từ 0-40%, 0-30%... Dự thảo Nghị quyết quy định theo hướng là đưa tất cả các loại kim loại còn lại vào một đối tượng áp dụng thuế suất từ 0% đến 30% (nhóm 15), tất cả các loại xăng dầu (nhóm 19), khí dầu mỏ (nhóm 20) vào áp dụng mức khung từ 0-40%...

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tán thành với Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Biểu khung thuế xuất khẩu hiện hành. Tuy nhiên, việc tăng thuế suất trần đối với một số mặt hàng, Ủy ban Tài chính đề nghị Chính phủ nên rà soát lại mức thuế suất trần đối với từng mặt hàng cụ thể để quy định ở mức hợp lý, nhằm đảm bảo linh hoạt trong áp dụng nhưng không dẫn đến áp dụng thuế suất ở mức quá cao, gây tác động tiêu cực đến tâm lý doanh nghiệp kinh doanh hàng xuất khẩu và người nông dân có hàng hóa xuất khẩu.

Đối với biên độ khung thuế suất, Ủy ban Tài chính cũng đề nghị cùng với việc tăng mức thuế suất trần, cần điều chỉnh tăng cả mức thuế suất sàn, nhằm thu hẹp biên độ khung thuế suất; đồng thời xem xét phân loại từng mặt hàng trong cùng một nhóm hàng để quy định cụ thể khung thuế suất riêng biệt, bảo đảm không mở quá rộng khung thuế suất nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu điều tiết xuất khẩu trong từng thời kỳ.

Cho ý kiến về vấn đề này, đa số ý kiến đều cho rằng, việc áp dụng khung thuế suất đối với một số nhóm hàng nông sản, khoáng sản kim loại cần đảm bảo các nguyên tắc: đối với nhóm hàng tái tạo được, cần phải khuyến khích xuất khẩu nên có biên độ khung thuế suất phù hợp, không quy định cứng nhắc như trong dự thảo; đối với nhóm hàng không tái tạo được như tài nguyên khoáng sản cần áp dụng mức thuế suất trần cao, hạn chế việc khai thác tài nguyên bừa bãi.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn không tán thành với quy định như trong dự thảo Nghị quyết là đưa tất cả các kim loại còn lại vào một đối tượng áp dụng thuế suất, vì quy định như vậy sẽ không bảo đảm tính cụ thể, minh bạch của pháp luật.

Đại biểu Trần Đình Đàn cho rằng: Có một số mặt hàng nên gộp lại thành một nhóm hàng nhưng có mặt hàng cần phải tách riêng không nên đưa chung vào khung thuế xuất. Ví dụ như ngô và lúa phải tách riêng để xác định khung thuế suất tương ứng, phù hợp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, việc điều chỉnh khung thuế suất đối với mặt hàng ngô, lúa gạo từ 3 - 5% là phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, đồng thời tạo điều kiện cho Chính phủ điều hành linh hoạt cơ chế xuất nhập khẩu đối với mặt hàng chiến lược trong từng thời kỳ.

Riêng nhóm hàng khoáng sản kim loại không nên thu gọn vào một nhóm, bởi mặt hàng kim loại có nhiều loại quý hiếm cần phải có khung thuế suất cao, không nên áp dụng chung mức khung thuế suất như quy định trong dự thảo.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Văn Thuận cũng tán thành với Chính phủ mở biên độ rộng khung thuế suất nhưng phải có đội ngũ cán bộ thực sự giỏi, có phẩm chất mới giúp Chính phủ điều hành linh hoạt. Đồng thời, việc áp dụng mức sàn và mức trần của khung thuế suất đối với từng mặt hàng phải khác nhau, cái nào cần khuyến khích phát triển nên quy định mức sàn thấp.

Liên quan vấn đề này, theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, việc điều chỉnh mức trần và mức sàn thuế suất phải đảm bảo bốn yêu cầu: là công cụ để điều tiết phát triển sản xuất trong nước, đảm bảo cân đối một số mặt hàng tiêu dùng trong nước; hạn chế tối đa xuất khẩu tài nguyên khoáng sản không tái tạo được như quặng, đá quý; tăng thu ngân sách, điều tiết thu nhập đời sống xã hội; đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng và phù hợp với cam kết của Việt Nam với các nước. Các mặt hàng như cà phê, ngô, lúa là những mặt hàng chủ lực nên phải khuyến khích xuất khẩu, không nên tăng thuế suất đối với nhóm hàng này. Đối với quặng, các loại đá quý, vàng phải tăng thuế suất vì đây là nhóm hàng quý hiếm, không tái tạo được; nhóm hàng gỗ, nếu là rừng trồng khuyến khích xuất khẩu thì nên hạ mức thuế suất, còn gỗ tự nhiên phải hạn chế tối đa xuất khẩu vì liên quan đến chiến lược môi trường, đảm bảo môi trường sinh thái thì cần thiết phải tăng thuế suất.

Một số ý kiến khác cho rằng, mặt hàng ngô phải nhập khẩu lớn để chế biến thức ăn gia súc nên không đưa vào khung thuế suất. Các loại tài nguyên như than không tái tạo được thì phải điều chỉnh cả khung và hạn mức xuất khẩu. Than đá áp dụng thuế suất tăng cao và có hạn mức, còn dầu thô không khuyến khích xuất khẩu nên phải tăng cả trần và sàn, nên có hạn mức.

Do còn những ý kiến khác nhau giữa mức sàn và mức trần của khung thuế suất, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị hai cơ quan là Bộ Tài chính và Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội tổ chức họp bàn lại để điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tế, sau đó tập hợp lại gửi cho Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, chậm nhất vào ngày 25.11 tới để Chủ tịch Quốc hội xem xét, ký quyết định vấn đề này. Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Biểu khung thuế xuất khẩu sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2009.

Cũng trong sáng nay, các đại biểu cho ý kiến về việc điều chỉnh một số điểm xoay quanh Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 6 Pháp lệnh thuế tài nguyên. Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc áp dụng mức thuế suất trần và mức thuế suất sàn; về biên độ khung thuế suất; việc mở rộng khung thuế suất đối với từng nhóm tài nguyên... vì vậy, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị các đơn vị liên quan cần trực tiếp phối hợp, rà soát lại để có sự thống nhất ở mức cao nhất gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết ngày 25.11, để Chủ tịch Quốc hội xem xét, quyết định. Các đại biểu cũng nhất trí Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 6 Pháp lệnh thuế tài nguyên có hiệu lực từ ngày 1.1.2009.

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.