Người "chịu chơi" với... bầu trời!

10/12/2005 16:17 GMT+7

Cao, đen, đầu trọc lóc với một gương mặt đầy góc cạnh, thoạt nhìn khó ai có cảm tình với chàng trai này nhưng khi tiếp xúc, nhất là nói đến chuyện chinh phục bầu trời thì chắc chắn người nghe sẽ bị cuốn hút. Phạm Duy Long có thể nói hàng giờ về những kỹ năng mà một phi công cần có. Anh là người Việt Nam đầu tiên dám bỏ tiền sang Canada học lái máy bay và hiện là huấn luyện viên môn dù lượn (paragliding) của Câu lạc bộ Vietwings.

Du học lái máy bay

Ý tưởng lạ đời tìm kiếm cơ hội ra nước ngoài học lái máy bay đã có từ khi cậu bé Long biết thả những cánh diều. Gia đình không có ai "bay bổng"; cha mẹ làm ngành y, chị cả là kỹ sư kinh tế. Long đã thi vào trường Y để làm vui lòng bố mẹ, nhưng anh chưa bao giờ theo nghề bác sĩ! Ra trường, Long thích những nghề đòi hỏi tính sáng tạo và có chút phiêu lưu. Anh không mấy khó khăn để được các công ty quảng cáo nước ngoài nhận vào làm việc. Năm 1996, Long đã là Product Manager cho Công ty quảng cáo O&M rồi sau đó làm Trưởng phòng thiết kế (Creative Service Manager) tại Công ty quảng cáo Bates. Ba năm sau, Long thành lập công ty quảng cáo riêng lấy tên Loco. "Bạn bè đặt cho tôi biệt danh loco từ đó. Long loco là Long "điên". Tiếng Tây Ban Nha "loco" có nghĩa là điên" - Long cho biết.

Làm việc, dành dụm tiền, sau đó xin thêm tài trợ, năm 2003, Long khăn gói sang Canada học lái máy bay hạng nhẹ tại trung tâm đào tạo phi công Airflow Aviation ở Vancouver. Những ngày du học, Long đã phải làm thêm để có tiền chi trả học phí, ăn ở, đi lại. Công việc anh làm lúc đó là... rửa máy bay. "Tôi dậy từ 5 giờ sáng, chuẩn bị máy móc. Trời lạnh buốt mà phải ra sân bay lúc 6 giờ và bắt đầu công việc. Rửa máy bay hạng nhẹ cũng phải học một số kỹ năng nhưng quan trọng nhất là không được để nước rơi vào máy, gây trục trặc khi bay. Rửa một chiếc Cessna mất khoảng 2 giờ và có thể nhận 50-60 đô la Canada". Long kể. Nhờ vậy mà Long đủ chi phí để hoàn tất khóa học và có được bằng lái máy bay hạng nhẹ cấp quốc tế. Sau đó Long còn lấy thêm chứng chỉ nhảy dù lượn vì anh muốn truyền đạt lại kinh nghiệm này cho các bạn trẻ trong nước.

Long nói thêm hiện nay Việt Nam chưa cho phép sử dụng những chiếc phi cơ hạng nhẹ nhưng chắc chắn trong tương lai những người thích bay sẽ được thỏa chí. Tại Canada, anh không chỉ học kỹ năng lái máy bay mà còn nghiên cứu thêm cả việc lắp ráp cũng như công nghệ sản xuất máy bay hạng nhẹ. Long cho biết chi phí chế tạo máy bay thể thao một động cơ chỉ khoảng 30 đến 40 nghìn đô la Mỹ, rẻ hơn cả xe hơi, Việt Nam hoàn toàn có thể lắp ráp được loại máy bay này. Long là người theo đuổi dự án VAM (lắp ráp máy bay nhỏ) tại Việt Nam. Ngồi nói chuyện với anh, thỉnh thoảng điện thoại reng và câu chuyện anh bàn bạc với mọi người cũng là kỹ thuật lắp ráp, bay thử máy bay... tại Đồng Nai hay những chuyến nhảy dù biểu diễn sắp tới ở Vũng Tàu, Phan Thiết, Tây Ninh, Đà Lạt...

Trở thành huấn luyện viên môn dù lượn

Về nước với tấm bằng phi công nhưng Long không được phép lái. Để thỏa chí, Long đành vác dù đi bay. Chi phí cho một bộ đồ nghề "đi nhảy" gồm dù, đai, giày, nón, mắt kính, găng tay, máy đo độ cao, bộ đàm khoảng 2.000 đô la. Tùy theo kiểu bay đơn (một người) hay bay đôi (hai người) mà diện tích dù sẽ chiếm từ 19 đến 45m2 và đương nhiên


Long loco (trái) và một học trò
tại Tây Ninh

giá thành sẽ cao hơn.

Điều cần thiết để một người trở thành "phi công" dù lượn là có sức khỏe tốt, dám mạo hiểm và yêu thích độ cao. Chỉ cần ngọn đồi cao 50-60 mét hay đỉnh núi độ 1.000 mét với vận tốc gió 4-6 mét/giây tương đương 16-22 km/giờ là có thể cất cánh. Khác với môn dù kéo (parasailing) cần canô kéo lấy đà và người chơi không phải điều khiển gì cả hay loại dù của quân đội (skydiving) với yêu cầu tiếp đất an toàn, chính xác, dù lượn đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn. Ở nước ngoài, những người chơi dù lượn được cấp chứng chỉ phi công nhảy dù chứ không phải vận động viên. Tùy theo trình độ, đẳng cấp nghiệp dư hay chuyên nghiệp mà một phi công có thể điều khiển dù bay đến độ cao 3.000 mét, xa một vài km đến 20-30 km và thời gian bay từ 10 phút đến 3-4 giờ liên tục. Một cây dù có tuổi thọ tối đa 300 giờ bay vì quá số giờ này, vải dù sẽ bị lão hóa, rất dễ rách. Dù được làm bằng loại vải nhẹ hơn cả giấy. Một mét vuông vải dù chỉ nặng vỏn vẹn 39-45 gam và rất mẫn cảm với tia cực tím.

Long loco đã có kinh nghiệm 10 năm nhảy dù. Năm 1995, hai phi công Pháp sang Việt Nam hướng dẫn 10 người chơi môn thể thao này. Sau cùng chỉ mình Long bay được vì chín người còn lại gặp trở ngại lớn về giao tiếp do không biết tiếng Anh, không hiểu hết được những gì các huấn luyện viên truyền đạt nên đành chấp nhận chia tay với thú chơi đầy mạo hiểm. Sau đó Công ty du lịch Đà Lạt nhận thấy đây là môn thể thao có tiềm năng gắn liền với du lịch nên đã tạo mọi điều kiện để nhóm của Long phát triển môn này. Anh cho biết lần đầu tiên bay với Stephane (huấn luyện viên người Pháp) anh cũng lo và hơi run nhưng rồi cảm giác đó qua mau vì ước mơ bay của anh từ bé đã trở thành hiện thực.

Ngày 8/12/2005, tại sân bay Nước Trong (tỉnh Đồng Nai), Phạm Duy Long đã thực hiện thành công ba đợt bay trên chiếc VAM-1 (loại máy bay siêu nhẹ, hai chỗ ngồi, gắn một động cơ 60 mã lực, tốc độ tối đa 140 km/giờ trên quãng đường bay 400 km). Đây là mẫu máy bay hạng nhẹ đầu tiên của Hội Cơ học Việt Nam nghiên cứu, thiết kế và lắp ráp đã được Hội đồng Khoa học công nghệ cấp nhà nước kiểm định. Phạm Duy Long cho biết sau chiếc VAM-1, nhóm của anh sẽ tiếp tục cho ra đời mẫu VAM-2 với nhiều tính năng kỹ thuật vượt trội hơn.
Câu lạc bộ Vietwings của Long có 20 thành viên vừa Tây vừa ta. Với tiêu chí là môn thể thao không phân biệt tuổi tác, địa vị xã hội, giới tính, dù lượn đang ngày càng hấp dẫn các bạn trẻ có máu phiêu lưu và thích bay lượn giữa bầu trời. Người bắt đầu học môn dù lượn phải qua khóa huấn luyện từ hai tuần đến cả tháng mới có thể tự bay một mình. "Nhóm chúng tôi hoạt động phi lợi nhuận. Chúng tôi tập hợp những người đam mê bay lại và huấn luyện họ những kỹ năng cơ bản. Tôi không có ý định làm giàu từ nghề này. Đây chỉ là niềm đam mê của tôi thôi" - Long nhìn nhận. Hiện nay Long vẫn đang làm nghề tự do (free-lance) cộng tác với các công ty quảng cáo khi có những chương trình lớn. Tiền kiếm được, Long đều mua trang thiết bị và trang trải những chi phí để thỏa mãn ước mơ bay.

"Tôi chỉ có một lời khuyên cho các bạn trẻ say mê môn thể thao này là nếu đam mê thì phải chơi thật giỏi. Đây là môn thể thao không chấp nhận sai sót vì sẽ phải trả giá bằng sinh mạng của mình. Đã bay là phải nắm thật vững những kỹ năng cần thiết".

10 năm gắn bó với bầu trời, Long cũng nhiều lần gặp hiểm nguy. Gần đây nhất anh đã phải điều khiển dù bay sát với dù của vận động viên Michael (người Ý) để gỡ dây dù của anh này bị vướng. Cách đây 3 năm, Long bị thương nhẹ khi lần đầu điều khiển một chiếc dù mới, chưa quen với tính năng kỹ thuật. Nhiều người hỏi anh suy nghĩ gì trước khi bay, Long đều đáp: chẳng nghĩ gì cả vì phải tập trung tinh thần vào việc bay, không còn lo sợ hay vui buồn bất cứ chuyện gì để có thể làm ảnh hưởng đến kỹ năng bay.

Long loco bận rộn nhiều việc: làm quảng cáo, huấn luyện nhảy dù, tham gia dự án lắp ráp máy bay hạng nhẹ... nhưng vẫn dành thời gian để "mua vui" cho bạn bè bằng việc làm mẫu chụp ảnh thời trang. Gương mặt ấn tượng của Long rất hợp với phong cách thời trang bụi, phong trần. Nhiều nhà thiết kế đã tìm đến và nhờ anh làm mẫu ảnh.

Trên chiếc xe mô tô "cào cào" 250 phân khối để đi xuyên rừng, Long khoác chiếc ba lô lên vai và hẹn một ngày gần đây sẽ đưa tôi bay với anh trên cao độ 3.000 mét để ngắm vẻ đẹp hùng vĩ của cao nguyên Liang Biang (Đà Lạt).

Những bạn trẻ yêu thích môn dù lượn có thể liên lạc với Vietwings qua địa chỉ e-mail: info@vietwings-hpg.com hay vào website: vietnamparagliding.com; vietwings-hpg.com để tìm hiểu thêm thông tin.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.