Tranh luận về thị trường vàng

08/05/2013 03:30 GMT+7

Hôm qua (7.5), tại buổi làm việc Khảo sát thị trường vàng của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, nhiều quan điểm khác nhau về quản lý thị trường vàng dẫn đến sự tranh luận sôi nổi giữa các chuyên gia tài chính.

Hôm qua (7.5), tại buổi làm việc Khảo sát thị trường vàng của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, nhiều quan điểm khác nhau về quản lý thị trường vàng dẫn đến sự tranh luận sôi nổi giữa các chuyên gia tài chính.

Vàng miếng SJC 
Vàng không phải hàng hóa thiết yếu bình ổn giá - Ảnh: Đ.N.Thạch

Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí đặt vấn đề, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát biểu rằng việc dùng vàng từ nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia, theo ông, NHNN nên thận trọng trong vấn đề này và đề xuất NHNN cần sớm có thêm giải pháp trong 3 tháng tới; nên “trả lại tiếng nói cho thị trường vàng”. Ông Trần Du Lịch - Phó đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM - nêu ý kiến về việc cần cân nhắc kỹ khi đưa ngoại tệ ra để nhập vàng. Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cũng đồng tình với các ý kiến trên khi cho rằng không vì giá vàng trong nước cao mà phải hy sinh nguồn ngoại tệ nhập vàng chỉ để cân đối cung cầu trong nước.

Một vấn đề khác được các chuyên gia tham dự đặt ra là, có nên huy động vàng trong dân hay không. Theo ý kiến của các ông Đặng Đức Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tri Thức doanh nghiệp quốc tế và  ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam thì việc tìm cách huy động vàng trong dân là cần làm vì qua đó có thể mang vàng ra nước ngoài cầm cố để đem ngoại tệ giá thấp về phục vụ cho nền kinh tế. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM - giải thích: “Chúng tôi đã có phân tích đánh thức tiềm lực vàng trong dân như cách trên sẽ có một số bất lợi. Trước tiên đó là chi phí. Ví dụ, NH huy động 30 tấn vàng lãi suất 0,8%/năm thì mỗi năm nhà nước phải trả phần lãi là 300 tỉ đồng. NH mang vàng này ra nước ngoài thì tốn kém thêm chi phí chuyển đổi sang vàng quốc tế. Hơn nữa tỷ lệ sinh lời của vàng ở nước ngoài thấp, có thể thấp hơn 0,8%. Bất lợi kế tiếp đó là thanh khoản, khi dân rút vàng thì phải có đảm bảo NH tồn quỹ, có vàng trả cho dân. Bất lợi nữa là nếu sử dụng vàng huy động bán can thiệp thị trường là không nên bởi vàng không phải hàng hóa thiết yếu bình ổn giá. Hơn nữa cũng chưa có NH trung ương nước nào huy động vàng trong dân như vậy”.

Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải - Tổng giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh và đầu tư vàng Việt Nam (VGB) - có ý kiến phản biện rằng, trường hợp hoán đổi vàng lấy ngoại tệ thì dư sức thu hút nguồn ngoại tệ bên ngoài bởi tài sản thế chấp là vàng. Vấn đề chi phí hay chuyển đổi vàng sang vàng quốc tế cũng không đáng quan ngại, người mua chỉ cần đảm bảo vàng đúng chất lượng 4 số 9. NH trung ương các nước không huy động vàng vì người dân của họ không giữ vàng nhiều như người dân nước ta...

Giá vàng giảm mạnh

Ngày 7.5, giá vàng miếng SJC giảm mạnh 500.000 đồng/lượng so với ngày 6.5, giá mua bán còn 41,33 - 41,45 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới giảm 25 USD/ounce, còn 1.450 USD/ounce. So với giá thị trường, giá mua vàng miếng SJC tại các ngân hàng như Techcombank, DongABank, TienphongBank... ở mức cao, lên 41,35 - 41,37 triệu đồng/lượng.

Cùng ngày, NHNN đã đấu thầu thành công 25.900 lượng vàng trong tổng số 26.000 lượng vàng. 8 thành viên trúng thầu với mức giá thấp nhất 41,57 triệu đồng/lượng, cao nhất 41,63 triệu đồng/lượng. Qua 14 phiên đấu thầu, NHNN đã bán ra 392.900 lượng vàng trong tổng số 432.000 lượng vàng đem ra đấu thầu.

Thanh Xuân

>> Vàng đứng giá 42,9 triệu đồng/lượng
>> Nhà nước hưởng lợi từ chênh lệch giá vàng
>> Ngân hàng Nhà nước “trần tình” về chênh lệch giá vàng
>> Ngân hàng Nhà nước: Quản lý thị trường vàng đúng quy định của pháp luật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.