Bài học từ cộng đồng

17/08/2012 09:50 GMT+7

Chương trình Axon 2012 là nỗ lực của nhóm bạn trẻ du học sinh Việt Nam tại Trường ĐH Trinity (Mỹ) mang mô hình học tập từ hoạt động cộng đồng (service learning) về VN.

Trải qua một tháng thực hiện, sáu dự án của 50 học sinh các trường THPT trên địa bàn TP.HCM ra đời từ Axon 2012 đã ít nhiều mang đến những thay đổi cho cộng đồng.

 Nguyễn Khánh (bìa trái, hàng đầu) cùng nhóm bạn thực hiện dự án Hành động đẹp, ý nghĩa hay
Nguyễn Khánh (bìa trái, hàng đầu) cùng nhóm bạn thực hiện dự án Hành động đẹp,
ý nghĩa hay - Ảnh: Hoàng Dung

Hành động đẹp, ý nghĩa hay

Đã từ lâu cậu học trò lớp 11 Trường THPT Đinh Thiện Lý (Q.7, TP.HCM) Nguyễn Khánh ấp ủ ý tưởng làm thay đổi nhận thức của những người xung quanh về bảo vệ môi trường. Câu chuyện của Khánh bắt đầu từ một lần cùng người bạn viếng thăm một di tích lịch sử. Một người đàn ông sau khi hút thuốc xong đã vô tư vứt đầu lọc thuốc trước mặt các du khách. Không chút ngần ngại và do dự, người bạn của Khánh đã nhanh tay nhặt mẩu thuốc lá ấy bỏ vào thùng rác. Hành động của bạn đã gây ấn tượng mạnh với Khánh. Rồi cậu tự vấn: “Nếu chúng ta không có ý thức giữ gìn môi trường sống của chính mình thì ai sẽ làm việc đó?”.

 

Trong khoa học về thần kinh, axon là phần kéo dài của nơron (tế bào thần kinh), thực hiện các tín hiệu điện tế bào và truyền xung điện bằng cách liên kết với những nơron khác. Axon 2012 đã ra đời trên tinh thần đó, với mong muốn truyền lửa cho thế hệ trẻ Việt Nam thực hiện những hoạt động vì cộng đồng, đồng thời kết nối giữa trường học và cộng đồng để góp phần đưa mô hình học tập hữu ích này vào thực tiễn

Ngô Thúy Anh
(cử nhân ngành tâm lý học và toán học, Trường ĐH Trinity, Mỹ)

Và Axon 2012 là cơ hội để Khánh thuyết phục các bạn trong nhóm cùng mình thực hiện dự án “Hành động đẹp, ý nghĩa hay”. Sau những lần đi thực tế, lân la trò chuyện cùng các cô chú lao công ở công viên Lê Văn Tám (Q.1), Khánh và các bạn mới thật sự hiểu được nỗi lòng của những người “ngày đêm đi dọn rác của người khác vứt ra”. Nhóm thực hiện video clip ghi lại những đoạn trò chuyện ấy và đăng tải lên website của dự án tại địa chỉ www.talonaxon2012.wix.com/hanhdongdepynghiahay.

Những tâm tư, nguyện vọng của các cô chú lao công được các thành viên trong nhóm mang đi kể lại cho những ai có mặt ở công viên, xin chữ ký “cam kết hành động vì môi trường” (bỏ rác đúng nơi quy định và tự giác nhặt khi thấy rác), chụp hình lưu niệm và cùng hẹn gặp lại nhau trên website của dự án.

Khánh giải thích về cách làm của dự án: “Khi truy cập vào trang web, cá nhân đó sẽ thấy hình ảnh và chữ ký của mình, như “chứng nhân” của lời cam kết. Không dừng lại ở đó, mỗi cá nhân còn giúp lan truyền về dự án khi chia sẻ với người thân và bạn bè của họ”. Cứ như thế, trong một tháng rong ruổi khắp công viên Lê Văn Tám, nhóm đã có được 130 chữ ký (vượt con số dự kiến ban đầu là 100).

Và giải thưởng dự án xuất sắc nhất Axon 2012 dành cho “Hành động đẹp, ý nghĩa hay” càng tiếp thêm động lực để nhóm triển khai dự án của mình ở nhiều công viên khác, rồi mở rộng ra nhiều quận, huyện và tiến tới thực hiện trên toàn thành phố khi nhận được sự “chung tay góp sức” của nhiều người trong xã hội.

Mô hình “2 trong 1”

Mỗi mùa hè, cô sinh viên ngành tâm lý học và toán học Trường ĐH Trinity Ngô Thúy Anh đều trở về Việt Nam dạy học cho một số học sinh. Ở vai trò cô giáo, Thúy Anh cảm nhận khả năng tiềm ẩn của các em là rất lớn mà “đâu phải cứ nhìn vào bảng điểm để đánh giá khả năng của các em”. Suy nghĩ đó thôi thúc cô bạn du học sinh nảy ra ý tưởng xây dựng một sân chơi xã hội nơi các học sinh sẽ chơi “cuộc chơi” của chính mình.

Được sự tư vấn của cô giáo giảng dạy bộ môn sư phạm tại Trường ĐH Trinity, Thúy Anh cùng các bạn trong nhóm quyết định mang mô hình học tập từ hoạt động cộng đồng về triển khai tại Việt Nam. Mô hình đã được ứng dụng ở nhiều trường đại học và bắt đầu phát triển ra các cấp phổ thông, tiểu học tại Mỹ.

Thúy Anh nhấn mạnh: “Bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể tham gia hoạt động cộng đồng và rút ra được những bài học từ hoạt động thực tế đó”. Mô hình học này khuyến khích việc tự tìm tòi học hỏi, khơi gợi được sự hứng thú nơi người học khi nhìn thấy kết quả học tập của mình mang lại lợi ích cho người khác. Còn đối với cộng đồng, mô hình này tạo ra sản phẩm thực tế - là giải quyết vấn đề hoặc đáp ứng nhu cầu cụ thể của cộng đồng.

Axon 2012 khép lại cũng là lúc nhiều bạn học sinh THPT trưởng thành qua từng dự án cụ thể hướng đến cộng đồng. “Qua thực tế mới thấy các bạn hoàn toàn có khả năng làm được những điều mà trước giờ chưa có môi trường để thử sức” - Thúy Anh nhận xét. Kỳ vọng của Thúy Anh và các bạn trong nhóm là Axon sẽ được áp dụng vào các trường THPT và giảng đường đại học như một mô hình học tập mang nhiều ý nghĩa thiết thực cho cộng đồng.

Theo Hữu Công / Tuổi Trẻ

>> Hội trại tình nguyện
>> Ngày hội của những người tình nguyện
>> Sinh viên tình nguyện tuyên truyền Luật Giao thông
>> Bản đồ tình nguyện
>> Tình nguyện ở vùng sâu
>> Bước chân tình nguyện ở Nam Lào
>> Khoảnh khắc tình nguyện
>> Theo bước chân tình nguyện
>> Giúp hòa nhập cộng đồng
>> Trò chơi sinh hoạt cộng đồng
>> Trung tâm học tập cộng đồng mà không có giáo viên
>> Học từ hoạt động cộng đồng
>> Học tập từ hoạt động cộng đồng
>> Ngày tình nguyện vì cộng đồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.