Uống cà phê vỉa hè

12/11/2005 15:14 GMT+7

Quán cà phê vỉa hè là nơi tụ tập những con người tứ xứ, những số phận nhiều khi quá khác biệt. Đó là người đạp xe thồ, xích lô - loại công việc ở các đô thị mà các nhà kinh tế bảo là thành phần kinh tế phi cơ cấu, là học sinh sinh viên, văn nghệ sĩ, trí thức và công chức. Có người cả đời lận đận, chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi, có người may mắn thành đạt có bát ăn bát để, ngồi giữa đám đông để tìm chút cảm giác đồng loại hay chỉ đơn giản là một thói quen sinh hoạt còn sót lại của thời đi học.

Có quán mọc lên như để làm điểm hẹn hò của một đám đông nào đó. Bao nhiêu năm tháng cũng chỉ chừng ấy gương mặt, ngồi chừng ấy chỗ ngồi. Thỉnh thoảng có người mất đi, chỗ ngồi cũ ấy lại có một người khác trẻ hơn thế vào.

Nhiều năm ngồi ở quán cà phê vỉa hè, tôi thấy trong đám đông xa lạ mà quen thuộc có mình ấy thường vẫn làm bốn việc: nói, nghe, nhìn và im lặng. Những câu chuyện ở quán cà phê vỉa hè là một thứ tạp nham thượng vàng hạ cám. Nhưng khi cố gắng chắp nối những sự vô nghĩa và có nghĩa đó lại thì có thể hình dung rất rõ bức tranh cuộc đời của nhiều người. Có buồn vui, có hạnh phúc và bất hạnh; có tiếng cười vô tư và có cả những tiếng thở dài não ruột. Do tính cách, có người ngồi ở quán cà phê vỉa hè chỉ để nói những điều tầm thường, phê phán, khích bác, chỉ trích... dù tầm thường là vậy nhưng nó cũng có cái gì đó tất yếu của cuộc đời là sự thất nghiệp, hoàn cảnh sống éo le, và cả những nỗi buồn riêng không ai hay biết... Vì vậy mà không nên tranh luận, chỉ nên nhìn mà cười để độ lượng với người, nhưng thực ra là để độ lượng với mình. Nếu lớp trẻ đến quán cà phê vỉa hè như để đi tìm một đường chân trời khát vọng thì những người có tuổi thường làm một cuộc trở lại với ngày xưa nào đó, họ chiêm nghiệm, soi rọi lại cuộc đời mình. Nhiều ý tưởng hay, mới và lạ có gốc gác từ những vỉa hè cà phê.

Sau nói là nghe. Ở quán cà phê vỉa hè người nghe thường nhiều hơn người nói. Bởi nhiều người sống những gì cần nói họ đã nói hết. Đó là những người từng trải, đã tri thiên mệnh, thấy rõ cái đoạn cuối của cuộc đời, vì vậy tịnh khẩu là sống theo một cách khác sâu sắc và thâm trầm hơn nhiều. Có người thật sự lắng nghe, có người có vẻ đang gật gù nghe dù thực ra họ chẳng nghe gì cả. Tôi thuộc type người thứ hai, rất thích cái không khí vỉa hè nhưng không nghe và nhớ nhiều lắm.

Ngồi ở quán cà phê vỉa hè cũng tha hồ mà ngắm nhìn, rất nhiều gương mặt lạ và quen đi qua. Nhìn dáng đi, màu tóc, gương mặt, quần áo rồi đoán thử gương mặt ấy buồn hay vui, bước chân ấy đang đi về đâu, ngày hôm nay người ấy làm gì... Có rất nhiều cuộc đời đi qua và ở chung quanh mình mà mình thấy hững hờ, mờ nhạt nhưng chỉ đến khi trong một tình huống bất chợt nào đó, cái mờ nhạt ấy lóe ra cả một đời sống nội tâm dữ dội được tích cóp bằng cả một đời người. Không phải sự ồn ào nào cũng cạn cợt, cũng như không phải sự im lặng nào cũng sâu sắc, nhưng những người sâu sắc vẫn thường im lặng. Và đây là cái cách hành động của một số ít người khi uống cà phê vỉa hè. Một sự im lặng có chủ đích, nó như cái cách mà nhà chùa tịnh ngôn để hàm dưỡng chân khí, im lặng như một lời hứa rằng sẽ nói nhưng không phải là vào lúc này và sẽ nói những điều hay, lẽ phải tốt đẹp hơn. Cái ý thức về sự im lặng là khả năng biết rõ mình biết nhẫn nhục và biết hy vọng. Bằng chứng là những người trẻ, người thành đạt vẫn nói nhiều hơn những người có tuổi, người từng thất bại. Có lẽ là những người trẻ, người thành đạt ít có dịp ngắm bản thân mình giả hoặc có ngắm mà lơ đễnh không thấy thật rõ mình. Rồi cuộc sống khắc nghiệt sẽ làm những người ấy ít nói dần.

Khó có thể nói số phận của một con người qua ly cà phê buổi sáng ở vỉa hè nhưng ngồi ở đó, nhiều người có sức lực mà đi tiếp, làm tiếp những gì còn dở dang của một ngày. Để hôm sau, trong sương mù lại có mặt buồn vui cùng hè phố, lại nói, nghe, ngắm nhìn hoặc im lặng... soi bóng đời sống, nội tâm của chính mình vào đáy chiếc cốc đời lặng lẽ.

Nguyễn Xuân Hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.