Hy vọng tắt dần ở Copenhagen

15/12/2009 23:28 GMT+7

Nhiều lãnh đạo cấp cao đã đến hội nghị về biến đổi khí hậu khi triển vọng đạt được một thành quả tại sự kiện này ngày một bấp bênh.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon đã có mặt tại thủ đô Đan Mạch, chuẩn bị cho cuộc họp quyết định với lãnh đạo của hơn 120 nước và vùng lãnh thổ vào hai ngày 17 - 18.12, theo AFP. Những nhân vật thượng đỉnh khác như Thủ tướng Anh Gordon Brown và Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cũng đã có mặt sớm tại Trung tâm Hội nghị Bella Centre. Tổng thống Mỹ Barack Obama, người đồng cấp của ông tại Nga Dmitry Medvedev và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đều đã xác nhận sẽ đến cuộc họp thượng đỉnh trong hai ngày cuối. Sự kiện nói trên được xem là một trong những lần tập trung quan trọng nhất của thế giới từ sau Thế chiến 2, và có ý nghĩa quyết định về sự thành bại của Hội nghị Copenhagen.

Hôm 14.12, đàm phán tưởng chừng đã sụp đổ khi đại diện các nước châu Phi tẩy chay nhiều hội thảo quan trọng. Theo AFP, động thái này nhận được sự ủng hộ của nhóm G77 gồm các quốc gia đang phát triển nhằm thể hiện bất đồng xoay quanh số phận của Nghị định thư Kyoto, vốn sẽ hết hạn vào năm 2012. Căng thẳng đã xảy ra suốt mấy ngày vừa qua khi các nước giàu muốn tìm ra một thỏa thuận mới chung cho cả thế giới thay thế hiệp ước này, còn G77 muốn tiếp tục thời hiệu của nó đồng thời sẽ đặt ra một hiệp ước riêng theo họ là phù hợp với tình hình phát triển của mình. Các nước châu Phi chỉ đồng ý quay lại sau hơn năm tiếng đồng hồ nhờ những cam kết rằng các “đại gia” sẽ không gạt bỏ yêu cầu xem xét gia hạn nghị định thư cũ.

Căng thẳng càng thêm trầm trọng sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Hà Á Phi tuyên bố Trung Quốc sẽ “không thèm nhận” hỗ trợ tài chính từ phương Tây để đối phó biến đổi khí hậu, theo AFP. Tuy nhiên hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này Khương Du nói giới truyền thông đã hiểu lầm. Bà Khương nói ý của ông Hà là các nước nên ưu tiên giúp đỡ những quốc gia nghèo nhất thế giới tại châu Phi và các đảo quốc nhỏ. “Bắc Kinh sẵn sàng nhường những quốc gia còn khó khăn sử dụng nguồn hỗ trợ trước” - AFP dẫn lời bà Khương nói - “Nếu Trung Quốc được cộng đồng quốc tế giúp đỡ, chúng tôi sẽ có thể làm tốt hơn trong việc bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu”.

Hội nghị Copenhagen đang trôi vào những ngày cuối cùng nhưng bế tắc vẫn đang che mờ triển vọng cho một kết quả khả quan. Hôm qua, các đại biểu lại vừa đưa ra một dự thảo thỏa thuận mới nhưng không nêu chỉ tiêu cụ thể cho các vấn đề trọng tâm, làm dấy lên lo ngại về một sự thỏa hiệp yếu ớt và không có tác dụng, theo AFP. “Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo phải nỗ lực gấp đôi để thúc đẩy một hiệp ước khả dụng. Thời gian sắp hết và đã đến lúc chấm dứt đổ trách nhiệm cho nhau” - Tổng thư ký Ban nói hôm qua.

Trọng Kha

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.