Song Kosal và một "thế giới không bom mìn"

27/11/2011 16:00 GMT+7

(TNO) 5 tuổi, Song Kosal, cô gái dễ thương người Campuchia, đã bị mất đi chân phải do bom mìn. Nhưng chính thảm kịch đó đã giúp Song trở thành một trong những người hoạt động sôi nổi nhất trong các phong trào chống bom mìn.

(TNO) 5 tuổi, Song Kosal, cô gái dễ thương người Campuchia, đã bị mất đi chân phải do bom mìn. Nhưng chính thảm kịch đó đã giúp Song trở thành một trong những người hoạt động sôi nổi nhất trong các phong trào chống bom mìn.

Và thậm chí cô còn tích cực tham gia các cuộc thi sắc đẹp.

Giờ đây, ở tuổi 27, Song Kosal, sẽ sẻ chia giấc mơ của bản thân về một "thế giới không bom mìn" qua bài phát biểu khai mạc một hội nghị liên quan đến bom mìn ở Phnom Penh vào ngày mai 28.11, trước các đại diện đến từ hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

 
Song Kosal - Ảnh: AFP

Hội nghị này được tổ chức nhằm đánh giá về một lệnh cấm bom mìn trên phạm vi toàn cầu.

"Tôi đã nhiều lần mơ thấy mình vẫn còn 2 chân nguyên vẹn nhưng rồi cũng bừng tỉnh. Tôi không muốn thấy những người khác, đặc biệt là các em nhỏ, bị đau đớn do bom mìn giống tôi", Song Kosal tâm sự.

Tại hội nghị lần này ở thủ đô của Campuchia, các đại biểu đến từ 100 quốc gia, vùng lãnh thổ (đã từng ký kết vào Hiệp ước "cấm mìn chống người" năm 1997) sẽ thảo luận về tiến trình diệt trừ loại vũ khí trên.

Theo tài liệu của Liên hiệp quốc, từ năm 1992, có khoảng 700km2 ở Campuchia được khử sạch bom mìn và vật liệu quân sự. Cụ thể là có gần 1 triệu quả mìn bị tiêu hủy.

"Chúng tôi không thể phát triển đất nước nếu như bom mìn vẫn tồn tại", bà Chum Bun Rong, Tổng thư ký cơ quan hỗ trợ nạn nhân ảnh hưởng bom mìn Campuchia (CMAA) cho biết.

Bà Chum nói thêm rằng Campuchia dự định sẽ khử thêm mìn ở một phần đất khác có diện tích 650 kmtrong giai đoạn từ nay đến năm 2019. Công việc này đòi hỏi khoản chi phí từ 400 - 500 triệu USD.

Chiến dịch quốc tế cấm bom mìn (ICBL) báo cáo rằng tàn dư của bom mìn trong chiến tranh đã gây ra 4.191 ca thương vong mới trong năm 2010, trong đó có hơn 1.000 người chết.

Riêng ở Campuchia, hầu như tuần nào cũng có người chết vì bom mìn. Đặc biệt, chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, nước này có 32 ca tử vong do nổ mìn.

Khi phải làm bạn với chiếc nạng gỗ, Kosal cảm thấy rất cô đơn, tuyệt vọng bởi cô chỉ có một chân trong lúc những bạn bè cùng trang lứa khác thì chạy nhảy, vui đùa thỏa thích.

Nhưng rồi, nỗi buồn ấy cũng hóa thành động lực tuyệt vời để Song Kosal trở thành đại sứ trẻ tuổi của tổ chức ICBL. Cô chu du khắp thế giới để kêu gọi các chính phủ trừ diệt bom mìn và hỗ trợ những nạn nhân còn sống sót.

Năm 2009, để nâng cao nhận thức của công chúng mạnh mẽ hơn nữa, Song Kosal đã tham gia cuộc thi hoa hậu bom mìn Campuchia, nhưng cuối cùng cuộc thi này bị hủy.

Tuy nhiên, năm nay cuộc thi trên sẽ được tổ chức bằng hình thức trực tuyến trên internet và các thí sinh gửi ảnh lên mạng để tham gia tranh tài.

 
Song Kosal treo băng rôn cổ động cho Hội nghị về tiến trình diệt trừ mìn diễn ra vào ngày 28.11 tại Phnom Penh (Campuchia) - Ảnh: AFP

Kosal đã gửi bức ảnh cô chụp trên chiếc thuyền nhỏ đội mũ tiara (giống kiểu vương miện giáo hoàng hay mũ xứ Ba Tư) và mặc bộ áo màu tía.

"Mọi người ai cũng có quyền làm đẹp. Tham gia cuộc thi này, tôi muốn cho mọi người thấy rằng tôi đủ dũng cảm để làm bất cứ điều gì, và rằng sau khi sống sót từ tai nạn bom mìn, tôi không trở nên vô hình", Song Kosal nói.

Trí Quang
(Theo AFP)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.