Doanh nghiệp trong nước tự tin khi đàm phán với đối tác nước ngoài

10/12/2006 00:03 GMT+7

Thông tin Quốc hội Hoa Kỳ thông qua PNTR cho Việt Nam được hầu hết các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN ngành dệt may đón nhận đầy hào hứng.

Dù chỉ cách nay mấy ngày DN đã nhận được thông tin xác nhận từ Mỹ rằng có hay không có PNTR thì hạn ngạch dệt may cũng sẽ được dỡ bỏ. "Nhưng có PNTR nghĩa là Mỹ đã thừa nhận quan hệ thương mại với Việt Nam ở mức cao hơn, dù về ngữ nghĩa nó cũng chỉ là "normal trade" (thương mại bình thường)", giám đốc một công ty dệt may lớn ở TP.HCM nói. Ông này cũng cho biết: "Với "bửu bối" PNTR chúng tôi hoàn toàn tự tin khi ngồi đàm phán với đối tác; quan trọng hơn, các nhà nhập khẩu Mỹ cũng không còn ngần ngại gì khi mua hàng dệt may Việt Nam".

Việc Quốc hội Mỹ trao PNTR cho Việt Nam vô cùng có ý nghĩa trong thời điểm này bởi nó sẽ hóa giải sự e ngại của các nhà nhập khẩu Mỹ trước cơ chế giám sát chặt chẽ hàng dệt may Việt Nam mà Bộ Thương mại Mỹ đã hứa dựng lên để làm yên lòng các nhà lập pháp Mỹ. Cơ chế giám sát hàng dệt may Việt Nam là một công cụ cực kỳ nguy hiểm và chưa từng có trong lịch sử khiến các nhà nhập khẩu Mỹ đồng loạt phản đối với lời lẽ cực mạnh: "hành động phá rối thương mại". Theo một chuyên gia đàm phán Bộ Thương mại, với cơ chế giám sát 6 tháng một lần này, các nhà nhập khẩu Mỹ e ngại vì khi mua hàng dệt may Việt Nam, một ngày xấu trời nào đó giá của sản phẩm họ mua sẽ bị coi là "phá giá". Vì thế trên thực tế, theo Hiệp hội dệt may Việt Nam, đã có một số nhà nhập khẩu lớn của Mỹ tính đến phương án chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam. "Có PNTR, tư cách thành viên WTO giữa Việt Nam và Mỹ được thừa nhận và bình đẳng. Cơ chế giám sát hàng dệt may nói trên là vi phạm luật chơi WTO nên không thể tồn tại được nữa", chuyên gia này khẳng định.

Trung Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.