Trung thực với dân

16/10/2012 03:40 GMT+7

Sự cố vỡ đập thủy điện Đakrông 3 với tổng thiệt hại ban đầu được cơ quan chức năng ở Quảng Trị xác định là khoảng 5 tỉ đồng. Đây là số tiền không quá lớn so với số vốn hàng chục ngàn tỉ đồng mà ngành điện lực đã đầu tư cho hệ thống thủy điện chằng chịt dọc miền Trung hiện nay. Tiền không quá lớn nhưng “tiếng” thì không hề nhỏ chút nào.

Là bởi, vỡ đập thủy điện Đakrông 3 đã làm lộ sáng nhiều khoảng tối mà người dân cảm thấy thất vọng, họ rất cần một câu trả lời trung thực từ những người có trách nhiệm đang quản lý công trình này. Thế nhưng, qua cách trả lời “tiền hậu bất nhất” của những người lãnh đạo ở đây, chút niềm tin hiếm hoi còn sót lại trong lòng dân đã bị “vỡ” nốt theo con đập.

Con đập vỡ tan hoang là thế mà ông Chủ tịch HĐQT Công ty CP thủy điện Trường Sơn (chủ đầu tư thủy điện Đakrông 3) lại bảo rằng công nhân của công ty “tự cho vỡ đập” và “chúng tôi có thiệt hại gì đâu”? Hàng chục tấn lương thực và hoa màu thấm đẫm mồ hôi và nước mắt của người dân vùng hạ lưu con đập bỗng chốc trôi tuột ra sông nhưng vị đứng đầu của công trình ấy vẫn nói tỉnh bơ: “Dân có gì đâu mà thiệt hại?”. Vâng, người dân ở huyện vùng cao này của tỉnh Quảng Trị, đúng là tài sản của họ “không có gì” so với sự kếch sù của những nhà làm thủy điện, nhưng “không có gì” với hàng chục tấn ngô và sắn ấy là cả một gia tài lớn của họ đấy!

Điều mà người dân thấy lạ là ở chỗ, trong khi ông Chủ tịch HĐQT thì khăng khăng là “không có gì”, thì một lãnh đạo của Công ty CP thủy điện Trường Sơn lại “thật thà” báo cáo với đoàn kiểm tra của UBND tỉnh Quảng Trị và huyện Đakrông về sự cố vỡ đập như là một câu chuyện nghiêm trọng. Dân biết tin vào ai bây giờ khi cùng một công ty mà hai vị lãnh đạo lại nói về một sự cố hoàn toàn trái chiều nhau? Dân chứ đâu phải củ khoai đâu mà muốn nói gì cũng được!

Tình trạng “nói lấy được”, đổ lỗi cho nhau hoặc té nước theo hoàn cảnh đã không còn là chuyện lạ của các chủ đầu tư ngành thủy điện trong thời gian qua. Công trình thủy điện Sông Tranh 2 là một trong những điển hình về sự nói dối quen miệng này. Nước chảy thành vòi rồng, nước bục ra giữa thân đập, thế mà chủ đầu tư vẫn một mực khẳng định “an toàn”. Động đất liên tục, đe dọa đến mạng sống của hàng vạn dân một khi đập vỡ, chủ đầu tư vẫn tiếp tục trấn an dư luận rằng họ đã “nghiên cứu kỹ” trước khi thi công công trình, rằng tình trạng động đất trong thời gian qua vẫn nằm trong sự kiểm soát và đã dự lường… Người dân lại khấp khởi mừng thầm trước những lời khẳng định như đinh đóng cột ấy của chủ đầu tư, cho đến khi các nhà khoa học lên tiếng phản biện về những lỗ hổng chết người mà chủ đầu tư đã bỏ qua hoặc gian dối trước khi thi công thủy điện Sông Tranh 2 thì hàng chục vạn dân Quảng Nam ở bên dưới con đập ấy lại bắt đầu một đợt sợ hãi mới. Người dân đã không còn biết tin vào điều gì khi họ liên tục bị quăng quật trong một mê trận của những điều dối trá từ chủ đầu tư của các công trình thủy điện. Sự trung thực từ những người có trách nhiệm giờ đã thành món hàng xa xỉ với dân.

Ai rồi cũng có lúc sai, nhưng lỡ sai thì sửa, việc gì phải chối quanh?

Trần Đăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.