Nếu có chuyện không chung thủy trong gia đình trẻ

09/11/2004 15:51 GMT+7

Trong thời kỳ yêu nhau, mỗi người đều cố làm cho người kia thấy mình tốt hơn so với con người thật của mình. Sau khi cưới, không cần đến cái "tốt hơn" ấy nữa, hai người thế nào thì hiện ra trước mắt nhau thế ấy, với tất cả những ưu điểm và khuyết điểm có thực...

Đối với người phụ nữ trẻ, trước và sau khi lấy chồng có một số đặc điểm khá rõ trong cách xử sự.

Những người phụ nữ chưa chồng thường rất quan tâm đến những gì mọi người xung quanh nghĩ về họ. Họ sợ béo phì, không biết tiết kiệm trong chi tiêu, ghen tỵ với những bạn gái đã có chồng. Họ sẵn sàng từ bỏ các quan điểm của mình để theo quan điểm của người mà mình quý mến. Họ lúng túng trong việc chọn người yêu. Họ hay hoài nghi. Không có hoặc có ít nhiệt tình. Họ cảm thấy mình chưa được yêu một cách đầy đủ.

Phụ nữ có chồng thường có thái độ nghiêm túc đối với cuộc sống. Quen nghĩ về người khác nhiều hơn nghĩ về bản thân mình. Sợ bị ốm nặng. Họ sợ những thay đổi lớn trong cuộc đời. Sợ bất hòa với những người thân. Hoảng hốt thấy tuổi già đang đến gần. Muốn được đàn ông thích và muốn nghe những lời khen ngợi của đàn ông. Không đủ tính hài hước.

Như vậy, sau khi lấy chồng, một cô gái vô tư, vui tươi trở thành một phụ nữ chững chạc, chín chắn là điều tự nhiên. Nhưng dù đã chững chạc và chín chắn, người phụ nữ vẫn có thể nhớ nhung luyến tiếc tuổi trẻ nhởn nhơ của mình. Đúng lúc đó, nếu cô lại xích mích với người chồng "chẳng hiểu mình gì cả", và bên cạnh cô lại có một người đàn ông quý mến cô, thì cái tính lãng mạn và táo bạo trước kia của cô có thể trỗi dậy lắm.

Ở những người chồng trẻ cũng diễn ra những biến đổi tương tự. Kết quả là họ sát sao canh chừng sự trong sạch của vợ, nhưng bản thân họ lại không ngần ngại lao vào các cuộc phiêu lưu tình ái.

Khi đó đôi vợ chồng trẻ có hết yêu nhau không? Không, bởi tình cảm giữa họ còn tươi mới, chưa hề phải trải qua những thử thách nghiêm trọng bao giờ. Vậy cái gì đã đẩy họ đến chỗ không chung thủy? Nếu trả lời vắn tắt, thì đó là sự háo hức khám phá vẫn còn chưa dịu đi trong lòng họ.

Sự không chung thủy, nếu chẳng may xảy ra, ít khi đem lại thỏa mãn cho ai và không thể đem lại thỏa mãn (ngược lại thì đúng hơn: Sau giây phút yếu đuối, rất nhiều người cảm thầy căm ghét bản thân mình). Bạn tình của anh chồng, nếu chính cô cũng đã có chồng, cho rằng cô làm như vậy cốt để giải quyết những "vấn đề" riêng thường do cô tưởng tượng ra (ví dụ mối bất hòa với người chồng "không hiểu mình gì cả" do cô tưởng tượng ra, thế thì liệu cô ngoại tình có lý do chính đáng?). Còn một cô gái chưa chồng trong quan hệ với đàn ông đã có vợ, nhiều phần là để tìm kiếm "người chủ gia đình" một cách không có thực, hoặc do cô ganh tị với những bạn gái đã có chồng, mặc cảm vì hình như mình chưa có "đầy đủ giá trị". Đôi khi đó còn là một cô gái bừa bãi về tình dục hoặc có những tính toán vụ lợi.

Bất luận thế nào, chúng ta cũng không tán thành sự không chung thủy của hai người yêu nhau mà lại không chịu thay đổi cách sống cho phù hợp sau ngày cưới. Dù "nguyên nhân tâm lý" nào cũng không thể biện bạch cho thói buông tuồng như vậy. Chúng ta ủng hộ việc đôi vợ chồng trẻ được "lãng mạn" ở mức độ cần thiết để hiểu nhau và dịu dàng âu yếm với nhau. Khi đó sẽ không phải tìm kiếm "sự giải trí" ở bên ngoài.

Nếu thời kỳ sau khi cưói, vợ chồng có điều gì không ổn, bạn chớ vội hoảng hốt và chán nản. Đừng gây ra những vụ om xòm. Đừng tự hạ mình bằng cách theo dõi, gọi điện cho "kẻ kia", tố cáo với cơ quan, viết thư nặc danh... Làm thế, mọi người xung quanh sẽ coi thường bạn, và bản thân bạn cũng tự thấy mình thấp hèn.

Hãy thẳng thắn và chân thành trò chuyện với người bạn đời. Hãy kiên nhẫn và tin ở nhau. Qua "mưa bóng mây", rất có thể gia đình trẻ của bạn lại êm đẹp.

(Theo PNVN)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.