Kiến nghị khởi tố với tội danh “giết người”

08/12/2009 00:32 GMT+7

Sáng 7.12, TAND tỉnh Bình Thuận đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án Phạm Quang Minh (30 tuổi, thường trú Q.Tân Phú, TP.HCM) “cố ý gây thương tích”.

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Bình Thuận, do có mâu thuẫn trong làm ăn với vợ chồng Lê Minh Hiếu và Nguyễn Thị Ngọc ở xã Hàm Minh, H.Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), đêm 19.1.2009, Minh điều khiển xe ô tô (loại 7 chỗ) chở theo vợ là Nguyễn Thị Tường Vy cùng một số người khác đến nhà anh Hiếu gây sự. Ông Lê Ngọc Hồ, Bí thư Chi bộ thôn Minh Tiến (xã Hàm Minh, H.Hàm Thuận Nam, anh ruột Hiếu, ở nhà đối diện), thấy nhà em trai mình có người đến hành hung nên đến can ngăn, đứng trước đầu ô tô của Minh. Thấy vậy, Minh gài số cho xe ô tô phóng thẳng vào người ông Hồ, làm ông này bị hất lên ca-pô xe ô tô. Sau đó, Minh cho xe lui lại làm ông Hồ rớt xuống đất, rồi một lần nữa cho xe lao tới, cán qua người ông Hồ. Kết quả giám định cho biết ông Hồ gãy 5 xương sườn, rách màng tủy, tràn máu màng phổi... Tỷ lệ thương tật vĩnh viễn là 88,8%. Tại phiên tòa, Minh khai là có lái xe cán qua ông Hồ nhưng... không cố ý!

Ra tòa bằng chiếc xe lăn, ông Hồ cho rằng ông không chết chỉ là may mắn và tỏ thái độ bất bình, không đồng ý khi cơ quan chức năng chỉ khởi tố, truy tố Minh tội “cố ý gây thương tích” mà không phải tội “giết người” như lúc đầu. Vị đại diện Viện KSND tại tòa cho rằng chưa đủ căn cứ để kết luận Minh cố ý lái xe cán qua người nạn nhân. Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận rằng ông Hồ còn sống có thể là do may mắn và đề nghị tòa tuyên Minh từ 10-12 năm tù.

HĐXX đã tuyên Phạm Quang Minh mức án 10 năm tù với tội danh “cố ý gây thương tích”; tịch thu một nửa chiếc xe ô tô là phương tiện gây án (?). Dù đã tuyên án, không tuyên trả hồ sơ cho Viện KSND, nhưng tòa yêu cầu cơ quan điều tra phải khởi tố Minh về tội “giết người” mà không phải tội “cố ý gây thương tích”. Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận, ông Võ Duy Quang, cho biết: "Luật chỉ cho phép tòa sơ thẩm xét xử tội danh “cố ý...” như đề nghị của Viện KSND. Nếu thấy bị cáo phạm tội nhẹ hơn thì tòa có quyền xét xử với tội danh nhẹ hơn. Nhưng khi xét xử phát hiện bị cáo tội nặng hơn thì tòa sơ thẩm không có quyền xử theo tội nặng hơn, mà chỉ được phép kiến nghị tòa cấp trên hoặc cơ quan có thẩm quyền khởi tố và truy tố với tội nặng hơn”.

Quế Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.