'12 years a slave' làm nên lịch sử Oscar

04/03/2014 03:00 GMT+7

12 years a slave (12 năm nô lệ) trở thành bộ phim đầu tiên của đạo diễn da màu giành chiến thắng phim hay nhất trong lịch sử Oscar suốt 86 năm.

Lễ trao giải Oscar lần thứ 86 đã diễn ra long trọng tại Nhà hát Dolby, Los Angeles (Mỹ) vào sáng 3.3 (giờ Việt Nam) với người dẫn chương trình dí dỏm  - nữ diễn viên Ellen DeGeneres.

Không thể diễn tả được niềm sung sướng và hãnh diện tột bậc của đạo diễn da màu người Anh Steve McQueen khi 12 years a slave của ông còn đoạt tiếp 2 giải Oscar quan trọng khác cho gương mặt mới Lupita Nyong'o, 31 tuổi (Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất) và John Ridley (Kịch bản chuyển thể tốt nhất). Sở dĩ 12 years a slave với 9 đề cử, doanh thu phát hành khiêm tốn (chỉ đạt 140 triệu USD toàn thế giới) lại vượt qua được 2 đối thủ nặng ký từng nhận đến 10 đề cử mỗi phim cùng tổng doanh số phát hành cả hai thuộc hàng “bom tấn” là American hustle (Săn tiền kiểu Mỹ)Gravity (Cuộc chiến không trọng lực) với gần 1 tỉ USD, là chính bởi sức hấp dẫn tự tại của một câu chuyện có thật, đầy tính nhân văn.

Một vụ bê bối chính trị làm rúng động xã hội Mỹ thập niên 1970 (American hustle), hoặc cuộc sống sót kinh hoàng ngoài không gian của một nữ phi hành gia (Gravity) đã không thể khiến người xem thắt lòng như trước cảnh đời có thật đầy cay đắng của nghệ sĩ dương cầm người da màu Solomon Northup bị lừa tới Washington (Mỹ), bị bắt cóc và đem bán làm nô lệ ở các bang miền Nam. Từ một người tự do thuộc tầng lớp trung lưu, có vợ đẹp và hai đứa con kháu khỉnh, anh đã phải nuốt nước mắt gắng gượng tồn tại suốt 12 năm nô lệ đầy tủi nhục và đòn roi. Không lạm dụng những cảnh tình cảm sướt mướt, bộ phim vẫn đi vào lòng người xem bởi sự chân thực đến tận cùng trước những cảnh đời, kiếp nô lệ khổ cực, nhớp nhơ, bị khinh bỉ, đọa đày không được làm người. Với bối cảnh phim bắt đầu vào năm 1841, thời kỳ nước Mỹ ngay trước cuộc nội chiến năm 1861, 12 years a slave thực sự đã khắc họa thành công bức chân dung nước Mỹ trong quá khứ rất tàn nhẫn, đầy rẫy những con người phải chịu đựng cuộc sống cơ cực, nhọc nhằn.

Phát biểu tại lễ trao giải, đạo diễn Steve McQueen cho biết: “Mọi người đều xứng đáng được sống, chứ không chỉ là tồn tại. Đây cũng chính là di sản quý giá nhất của Solomon Northup”. Còn tài tử Brad Pitt - nhà sản xuất kiêm diễn viên của bộ phim trên, khẳng định rằng chế độ nô lệ hiện vẫn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới. “Chúng tôi hy vọng rằng bộ phim là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng rằng tất cả chúng ta đều phải được bình đẳng”, anh nói.

Và có lẽ, trước ý chí được sống cùng khát vọng được trở lại làm người bằng cuộc trốn chạy trở lại với cuộc sống tự do, bộ phim càng trở nên sống động hơn khi được John Ridley chuyển thể từ tự truyện từng khiến không ít độc giả phải rớt nước mắt của chính Solomon Northup.

Dẫu để vuột mất giải Phim hay nhất, Gravity (đạo diễn người Mexico Alfonso Cuaron) vẫn vui mừng khi phim thắng đậm với 7 tượng vàng Oscar lần này: Đạo diễn xuất sắc nhất, Dựng phim, Nhạc nền phim, Hòa âm, Dàn dựng âm thanh, Quay phim, Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất; trong đó giải Đạo diễn xuất sắc nhất lần đầu tiên trao cho một đạo diễn người Mỹ La tinh. Trong khi đó đoàn phim American hustle đành ngậm ngùi ra về tay trắng, dù từng được 10 đề cử trước đó.

Với giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho vai diễn Jasmine trong phim Blue Jasmine, nữ diễn viên người Úc Cate Blanchett đã trở thành nữ diễn viên thứ năm nhận tượng vàng nhờ bàn tay đạo diễn của Woody Allen, sau Diane Keaton, Mira Sorvino, Penélope Cruz và Diane West (2 lần). Đây cũng là lần thứ 2 Cate Blanchett giành được giải Oscar, không tính 3 lần nhận giải Quả cầu vàng.

Các giải Oscar khác

Nam diễn viên chính xuất sắc nhất: Matthew McConaughey (phim Dallas Buyers Club); Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất: Jared Leto (Dallas Buyers Club); Phim hoạt hình xuất sắc nhất: Frozen; Phim nước ngoài xuất sắc nhất: The great beauty (Ý); Ca khúc trong phim xuất sắc nhất: Let it go (phim Frozen); Kịch bản gốc xuất sắc nhất: Spike Jonze (phim Her); Thiết kế trang phục đẹp nhất: The great Gatsby; Thiết kế sản xuất xuất sắc nhất: Catherine Martin, Beverley Dunn (The great Gatsby); Phim ngắn xuất sắc nhất: Helium; Phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất: Mr.Hublot.

Ngọc Bi

>> Ngắm sao Hollywood rạng rỡ trên thảm đỏ Oscar 2014
>> Oscar 2014: '12 years a slave' đoạt giải Phim hay nhất
>> Oscar 2014: Mỹ tăng cường an ninh cho lễ trao giải
>> Trước thềm Oscar: '12 years a slave' lại gom giải thưởng
>> Khám phá những thú vị trong đề cử Oscar 2014
>> Những trang phục đẹp mắt trong lịch sử Oscar

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.