Tài tử sao mãi cơ hàn !

28/04/2014 03:20 GMT+7

“Tôi vô cùng thông cảm hoàn cảnh khó khăn của những người chơi đờn ca tài tử. Trong xã hội ngày nay, trước hết phải lo cơm ăn áo mặc rồi mới tới việc phụng sự nghệ thuật”.

Sự hấp dẫn của đờn ca tài tử được các địa phương tận dụng đưa vào khai thác du lịch - Ảnh: Huỳnh Lâm
Sự hấp dẫn của đờn ca tài tử được các địa phương tận dụng đưa vào khai thác du lịch
 - Ảnh: Huỳnh Lâm
 

Đó là lời chia sẻ của GS-TS Trần Văn Khê tại Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ diễn ra hôm qua (27.4) trong khuôn khổ Festival ĐCTT tại Bạc Liêu.

Nghệ nhân là di sản quý

Ông Khê nói: “Sau khi được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện nhân loại, ĐCTT không thể phát triển theo chiều hướng hiện nay”. Đời sống của các tài tử, nghệ nhân được ông đặc biệt quan tâm trong bài nói chuyện của mình. “Các nghệ nhân, nhất là những người cao niên cần được chính quyền, các cơ quan hữu trách... chăm sóc để đem hết hiểu biết của mình truyền lại cho giới trẻ. Các nghệ nhân cần được tôn vinh như một di sản quý. Nghệ nhân tận tụy với âm nhạc truyền thống ở Nhật được quy hiệu “Quốc gia chi bảo”, ở Ấn Độ được vinh danh là Padma Shri và được hưởng lộc đến cuối đời. Nước ta cũng có các danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” nhưng mấy khi nghệ nhân dân gian được danh hiệu đó? Hội văn nghệ dân gian hằng năm có phát bằng “Nghệ nhân dân gian” cho những nghệ nhân tận tụy với nghề, chứ không thể giúp nghệ nhân sinh sống bằng nghề của mình. Thường thì các nghệ nhân phải kiếm một nghề khác để sống. Việc dạy nhạc dân tộc không đủ để trang trải các chi phí trong cuộc sống”, GS-TS Trần Văn Khê nhận định.

 

Hội văn nghệ dân gian hằng năm có phát bằng “Nghệ nhân dân gian” cho những nghệ nhân tận tụy với nghề, chứ không thể giúp nghệ nhân sinh sống bằng nghề của mình

GS-TS Trần Văn Khê

Nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận kể ra trường hợp nghệ nhân, nhạc sĩ Hai Thơm, từng được danh hiệu là “Vua vĩ cầm trong làng nhạc cổ”, nhưng cuộc sống về chiều của ông thật thê lương: Ông sống trong một căn nhà nhỏ ở một con hẻm gần QL1. Nói là nhà, nhưng thật ra đây là một căn chòi rách, mái dột cột xiêu. Ông bị tai nạn giao thông hai chân không đi được, cuộc sống thiếu thốn mọi bề... Thỉnh thoảng anh em văn nghệ sĩ thương thì tương trợ ít nhiều, nhưng cũng chẳng đủ vào đâu. Cuộc sống kéo lê như vậy cho đến ngày ông qua đời.

Bên cạnh đó, có những công trình, tác phẩm nghệ thuật mang ý nghĩa bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống bị dở dang hoặc không thực hiện được vì thiếu kinh phí. Ông Thuận là người đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ nghệ nhân, nghệ sĩ mang tên Lê Tài Khí và được lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu chấp thuận. Quỹ này vừa ra mắt ngày 26.4 và đã được ủng hộ trên 1 tỉ đồng.

Đờn ca có nên “kết hôn” với du lịch ?

Vấn đề được nhiều nhà chuyên môn, người quản lý văn hóa, du lịch đặt ra tại hội thảo là mang ĐCTT vào phục vụ du lịch, hay mang du lịch đến với ĐCTT. Soạn giả Nguyễn Huỳnh Anh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Tiền Giang cho rằng: “Một loại hình giàu bản sắc dân tộc cần được quảng bá trong du lịch”. Theo soạn giả Huỳnh Anh thì từ nhiều năm nay, một số tỉnh Nam bộ, nhất là các tỉnh ĐBSCL đưa loại hình nghệ thuật ĐCTT vào phục vụ khách du lịch. Du khách trong các tour về miền sông nước phương Nam sẽ được hưởng cái thú lênh đênh trên sông, ngắm nhìn ghe tàu qua lại trên dòng Cửu Long... Bên cạnh những khám phá mới lạ, thích thú của du lịch sinh thái miền sông nước miệt vườn ấy, du khách còn được nghe ĐCTT - một bữa tiệc tinh thần đặc sản Nam bộ với những tiếng đờn kìm, đờn tranh, đờn bầu... Hoạt động này có những cái được là vừa mang hiệu quả kinh tế, vừa bảo tồn, quảng bá ĐCTT.

Tuy nhiên, soạn giả Huỳnh Anh lại đặt ra vấn đề không thể bỏ qua, vẫn là đời sống của các tài tử, nghệ nhân phục vụ du lịch. Theo ông thì thực trạng hiện nay, các tài tử phục vụ du lịch không có lương bổng hay bất cứ một chế độ chính sách gì cả. Họ chỉ sống dựa vào tiền boa của khách, khi đói khi no, lúc thiếu lúc đủ. Từ đó, lại nảy sinh những chuyện không vui.

TS Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cho rằng ĐCTT đang trở thành “món ăn” độc đáo và không thể thiếu đối với các chương trình du lịch đưa khách đến vùng Nam bộ nói riêng và Việt Nam nói chung. Vì vậy, cần phải có nỗ lực khai thác những giá trị nổi bật và hấp dẫn du khách của ĐCTT.

Tuy nhiên, GS-TS Trần Văn Khê lại băn khoăn: Các công ty du lịch cũng tạo ra những dàn nhạc tài tử để phục vụ du khách, phần lớn là người nước ngoài. Trong 15 phút làm sao có thể biểu diễn ĐCTT cho ra hồn, cho xuất thần được? Khách đến nghe cũng không phải là người đồng điệu, chỉ là một người xa lạ khám phá một lối nhạc mà họ chưa nghe bao giờ với một tính tò mò tìm hiểu thì việc tổ chức rất nhiều ban nhạc như vậy chỉ nhắm vào số lượng, còn chất lượng càng kém đi rất nhiều. 

 Tiến Trình - Trần Thanh Phong

 >> Đưa đờn ca tài tử và điện gió vào khai thác du lịch
 >> Giữ 'căn cốt' đờn ca tài tử
 >> Hết phòng trọ trước Festival Đờn ca tài tử
 >> Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014: Nhiều hoạt động sôi nổi, độc đáo
 >> Khánh thành nhiều công trình dịp Festival Đờn ca tài tử

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.