Vụ tử hình gây tranh cãi ở Mỹ

13/12/2005 21:56 GMT+7

Ngày 13/12, cựu trùm găng-xtơ Stanley "Tookie" Williams đã bị hành quyết tại bang California. Tại sao cái chết của một tử tù như Williams lại có thể gây xôn xao dư luận nước Mỹ và khiến kênh truyền hình CNN phải dừng chương trình phát sóng để tường thuật trực tiếp diễn biến tại nhà tù San Quentin?

Như vậy là đã 26 năm trôi qua kể từ khi Williams bị kết án tử hình vì tội thảm sát 4 người vào năm 1979 để cướp của. Quay lại thời điểm vào đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, Williams đã xây dựng nên Crips, một trong những băng nhóm tội phạm đường phố lớn nhất và tàn bạo nhất thế giới ở Los Angeles. Đến tháng 2/1979, ông trùm của Crips đã tấn công một cửa hiệu bách hóa và bắn chết người bán hàng khi người này đã úp mặt xuống sàn. Chưa đầy 2 tuần sau, Williams lại tiếp tục gây tội ác. Lần này, hắn giết cả gia đình một người Trung Quốc gồm hai vợ chồng và một đứa con gái nhỏ (đứa bé bị bắn vỡ sọ bằng súng ngắn) để cướp đi chưa đến 100 USD. Tuy nhiên, trong suốt hơn 25 năm ngồi tù cho đến phút giây cuối cùng của cuộc đời, Williams vẫn luôn phủ nhận các phán quyết của tòa án và cho rằng mình vô tội. Và cuối cùng, một liều thuốc độc đã tiễn chân y về thế giới bên kia vào lúc 12h35 ngày 13/12 (giờ địa phương), chậm hơn 34 phút so với thời gian đã định.

Cựu trùm găng-xtơ Stanley "Tookie" Williams 

Một trong những lý do lớn nhất khiến dư luận chú ý đến trường hợp của tử tù này là vì y đã lên tiếng phản đối kịch liệt nạn bạo lực của các băng nhóm tội ác và đã viết rất nhiều sách giáo dục trẻ em để khuyên chúng từ bỏ con đường tội lỗi. Với các chùm truyện Tookie Speaks Out và Life in Prison, Williams đã giúp một số thanh thiếu niên tìm được con đường quay về với cuộc sống lương thiện, là khởi nguồn cho các thỏa thuận hưu chiến giữa các băng nhóm tại một số thành phố như Newark, bang New Jersey. Thậm chí Williams đã nhận được đề cử cho giải... Nobel Hòa bình do những đóng góp cho cộng đồng xã hội.

Nhiều tháng trước khi vụ hành quyết diễn ra, các cuộc vận động rầm rộ đã được tiến hành nhằm tìm kiếm sự khoan hồng cho Williams. Trong số những người ủng hộ có nam diễn viên từng đoạt giải Oscar Jamie Foxx, siêu sao nhạc rap Snoop Dogg, giám mục Desmond. Tuy nhiên, mọi hy vọng đã bị dập tắt khi Thống đốc California A.Schwarzenegger từ chối ân xá. Đối với những người ủng hộ, đây là một hành động chỉ nhằm tạo cho người dân cảm giác rằng chính trị gia là những người cứng rắn và không thay đổi một khi đã ra quyết định. Sơ H.Prejean, người luôn đấu tranh chống lại án tử hình, so sánh việc hành quyết một người cũng như là một thứ "công lý của tội phạm", nợ máu phải trả bằng máu, và điều này không làm cho người dân cảm thấy an toàn hơn. Tuy nhiên, đối với thân nhân của những nạn nhân đã bị Williams giết hại, việc tử hình nói trên có lẽ là một biện pháp phải làm.

Thụy Miên
(CNN, BBC)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.