“Công thức” độc quyền

21/12/2011 01:14 GMT+7

Lĩnh vực khác nhau, sản phẩm khác nhau, con người khác nhau nhưng phương pháp và kết quả của họ lại giống nhau. Đó là "lương cao + hiệu quả thấp + đẩy gánh nặng lên vai người tiêu dùng (tăng giá) = độc quyền".

Lĩnh vực khác nhau, sản phẩm khác nhau, con người khác nhau nhưng phương pháp và kết quả của họ lại giống nhau. Đó là "lương cao + hiệu quả thấp + đẩy gánh nặng lên vai người tiêu dùng (tăng giá) = độc quyền".

Công thức này được minh chứng rõ ràng nhất sau những vụ ồn ào đòi tăng giá xăng, giá điện, giá vé máy bay trong năm nay.

Tất cả các ngành này, đều đang độc quyền trên lĩnh vực hoạt động kinh doanh của họ. Chẳng hạn như với ngành điện. Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN) hiện chiếm 70% thị phần trên thị trường điện nhưng hiệu quả kinh doanh cực thấp, tỷ suất lợi nhuận/giá trị đầu tư chỉ đạt khoảng 1%. Nghĩa là để tạo ra 1 đồng lợi nhuận, EVN phải bỏ ra 100 đồng vốn. Nên nhớ, hệ số Icor (tỷ suất lợi nhuận/vốn) ở mức 7 (bỏ ra 7 đồng vốn mang lại 1 đồng lợi nhuận) của Việt Nam nhiều năm nay vẫn là nỗi nhức nhối của Chính phủ và tất cả các cấp, ngành về việc đầu tư thiếu hiệu quả. Đây cũng là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới lạm phát cao và những bất ổn kinh tế mà chúng ta đang phải đối mặt. Nói vậy để thấy, sự yếu kém không thể biện hộ hay so sánh của EVN. Bất bình là kinh doanh tệ như vậy nhưng lương của ngành này đang ở trên trời với mức trung bình của năm 2010 là gần 14 triệu đồng/người. Nếu tính riêng khối văn phòng, con số này lên tới 30 triệu đồng/người/tháng. Kết quả tất yếu của "hiệu quả kinh doanh thấp + lương cao" là thua lỗ. Với vị thế độc quyền của mình, gánh nặng thua lỗ của EVN ngay lập tức được chuyển sang người tiêu dùng bằng cách tăng giá điện. Điều này cũng xảy ra tương tự với ngành hàng không VN. Năm 2009 ngành này đứng vị trí số 1 trong bảng xếp hạng những ngành trả lương cao nhất Việt Nam theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH với trung bình 13 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 10 lần mức lương của ngành dệt may, ngành xuất khẩu hàng đầu của nước ta nhiều năm qua. Cũng như EVN, Vietnam Airlines chiếm khoảng 80% thị phần nhưng nhiều năm qua, họ vẫn lỗ ở đường bay nội địa. Lỗ thì phải tăng giá và họ cũng mới hoàn tất việc tăng giá lần 2 trong năm nay với tổng mức tăng cả 2 lần là khoảng 40%. Thua lỗ, tự ý tăng hoa hồng đại lý, thiếu trung thực trong công bố kết quả kinh doanh, liên tục đòi tăng giá... cũng xảy ra với ngành xăng dầu.

Tại sao chúng ta phải chấp nhận gánh lỗ cho các ngành này? Tại sao chúng ta không thể tẩy chay những doanh nghiệp thiếu sòng phẳng, thiếu minh bạch, chỉ biết lợi ích cục bộ của mình như đã từng làm với nhiều công ty khác? Bởi nếu chúng ta không sử dụng điện của EVN,  mua xăng dầu của Petrolimex hay đi máy bay của Vietnam Airlines thì 70 - 80% nhu cầu về các sản phẩm, dịch vụ trên lĩnh vực này sẽ không được đáp ứng. Vị thế độc quyền, vị thế thống lĩnh thị trường đã tạo ra ưu thế tuyệt đối cho các công ty này trong mối quan hệ cung - cầu. Hay nói cách khác, dù bất bình, dù phẫn nộ, người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận việc tăng giá. Dù thua lỗ, dù đầu tư thiếu hiệu quả, họ vẫn khỏe, vẫn hưởng lương cao.

Chúng ta đang đòi hỏi sự công khai, minh bạch; đòi hỏi sự chia sẻ lợi ích giữa nhà nước - doanh nghiệp và người tiêu dùng mỗi khi các ngành này đòi tăng giá... nhưng việc này nếu được, cũng chỉ là nhất thời. Không có một thị trường cạnh tranh bình đẳng thì "công thức độc quyền" sẽ vẫn tồn tại. Và người dân, nền kinh tế vẫn phải gánh chịu các hậu quả nói trên.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.