Cuộc chiến quyền lực thời hậu Niyazov

26/12/2006 23:19 GMT+7

Turkmenistan đang đối mặt với một cuộc chuyển giao quyền lực không êm đềm sau cái chết đột ngột của Tổng thống S.Niyazovi. Chiếc ghế tổng thống đang được nhiều người nhòm ngó trong khi các thế lực bên ngoài cố giành ảnh hưởng tại đất nước giàu khí đốt này.

Thi hài của nhà lãnh đạo Niyazov, 66 tuổi, đã được chôn cất tại một ngôi làng ở ngoại ô thủ đô, ngay cạnh mộ cha mẹ ông vào hôm 24/12. Giới phân tích lo ngại rằng, tiếp sau đó sẽ là giai đoạn tranh giành quyền lực gay cấn ở quốc gia này. Hiện nay, Phó thủ tướng G.Berdymukhamedov - người đứng đầu Ủy ban lễ tang - đang làm quyền tổng thống.

Theo hiến pháp Turkmenistan, lẽ ra vị trí này phải thuộc về Chủ tịch Quốc hội O.Atayev nhưng ông này lại bị Hội đồng An ninh quốc gia bác bỏ. Atayev bị cách chức vì bị cáo buộc đã bức tử vợ chưa cưới của con trai mình do phản đối cuộc hôn nhân này. Việc cách chức ông Atayev được cho là một phần trong cuộc chiến giành quyền lực ở Turkmenistan thời hậu Niyazov.

Một nhân vật khác có khả năng trở thành nhà lãnh đạo Turkmenistan chính là Murat, con trai cố Tổng thống Niyazov. Murat được biết đến rộng rãi với tư cách doanh nhân, hiện đang sống ở Vienna (Áo). Gần đây, ông Niyazov hầu như không bao giờ công khai nhắc đến con trai mặc dù dư luận vẫn coi Murat là người duy nhất có khả năng kế nhiệm cha.

Một số nhà lãnh đạo đối lập bị trục xuất trước đây cũng đang tìm cách quay trở về Turkmenistan. K.Orazov, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Turkmenistan, hiện đang sống ở Thụy Điển cho biết ông và hai lãnh đạo đối lập khác sẽ về quê hương để tham gia tranh cử tổng thống. Cựu Ngoại trưởng A.Kuliyev đang ở Na Uy cũng lục đục chuẩn bị hành lý về nước, ông nói: "Chúng tôi phải gấp rút trở về Turkmenistan vì lợi thế về thời gian đang nghiêng về phía người của ông Niyazov". Chính quyền ngay lập tức siết chặt các quy định nhập cư. Giới chức Turkmenistan đã cho đóng cửa biên giới và không cho chiếc máy bay chở các lãnh đạo đối lập từ Thụy Điển về được hạ cánh tại thủ đô Ashgabat của Turkmenistan.

Theo giới phân tích, chính trường Turkmenistan cũng có thể rơi vào tình trạng bất ổn vì cuộc tranh giành giữa Nga và các nước phương Tây liên quan đến nguồn lợi dầu mỏ và khí đốt tại quốc gia này. Ngay khi ông Niyazov vừa qua đời vì trụy tim, Tổng thống Nga V.Putin đã gửi thông điệp "củng cố sự hợp tác là mối quan tâm chân chính của người dân Nga và Turkmenistan". Tổng thống Mỹ G.Bush cũng bày tỏ niềm hy vọng "mở rộng quan hệ với Turkmenistan". Gần đây, Washington cũng đã "lobby" với giới chức Turkmenistan để có được một đường ống dẫn khí đốt từ quốc gia Trung Á này dẫn đến các nước phương Tây xuyên qua biển Caspia theo dọc biên giới phía nam của Nga. Do không thể tìm được những đường ống khác, hiện tất cả các hệ thống vận chuyển khí đốt của Turkmenistan nếu muốn đến thị trường châu u đều phải chạy qua lãnh thổ Nga, do đó chịu sự chi phối nặng nề của Nga. Không còn cách nào khác, Turkmenistan đành bán lại cho công ty khí đốt của Nga Gazprom phần lớn lượng khí đốt của mình.

Tuy nhiên, theo giáo sư J.Stern của Viện Nghiên cứu năng lượng Oxford  (Anh), một nhà lãnh đạo mới của Turkmenistan có thể không làm theo cách của ông Niyazov mà sẽ cố gắng để Turkmenistan trở thành một nhà cung cấp độc lập cho các nước khác.

Trong năm nay, ông Niyazov đã ký một thỏa thuận làm đường ống dẫn khí đốt từ Turkmenistan đến Trung Quốc. Turkmenistan có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ 5 trên thế giới và chỉ đứng sau Nga trong số các nước thuộc Liên Xô cũ.

Uyên Phi
(al-Jazeera, The Hindu, The Guardian)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.