Chuyện tình người đồng giới - Kỳ 3: Sống chung với… áp lực

21/02/2014 08:55 GMT+7

(TNO) Kết quả khảo sát hàng ngàn người đồng tính của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cho thấy bức tranh rộng hơn về mưu cầu hạnh phúc lứa đôi của người đồng tính cũng như vô số khó khăn, thử thách họ phải đương đầu.

>> Chuyện tình người đồng giới - Kỳ 1: Hai cô gái và mối tình đầy ‘kinh ngạc’
>> Chuyện tình người đồng giới - Kỳ 2: Hai chàng trai và 12 năm bên nhau

Sống chung với… áp lực 1
Những cặp cùng giới như Linh - Phương phải chật vật để được “sống thật” và kiếm tìm hạnh phúc cho nhau - Ảnh: P.L

81,4% gia đình “phản đối hoặc làm ngơ”

Năm 2013, iSEE đã công bố kết quả nghiên cứu “Trải nghiệm thực tế và mưu cầu hạnh phúc lứa đôi” do nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Nam, Vũ Thành Long, Phạm Thanh Trà thực hiện.

Trước đó, nhóm tác giả đã đăng bộ câu hỏi trực tuyến trên những diễn đàn và trang tin của những người đồng tính nam, đồng tính nữ và chuyển giới. Trong vòng một tháng (12.2012) khảo sát trực tuyến, có 2.483 người hoàn thành phần trả lời.

Khảo sát cho thấy, có 54 người đồng tính khẳng định họ đã từng kết hôn với người dị tính, tỷ lệ này ở nhóm nam là 3% và nữ là 2,8%. Đa số những người này cho biết họ lấy chồng/vợ theo sự ép buộc của gia đình, hoặc là để báo hiếu cha mẹ.

Một số yếu tố khiến họ kết hôn dị tính là: muốn có một gia đình như những người khác, muốn sinh con… Tuy nhiên, hơn ½ số người trên hiện đã ly dị, bởi những lý do: không có hạnh phúc; vợ/chồng của họ không chấp nhận việc họ là người đồng tính…

Cũng theo kết quả nghiên cứu, có khoảng 800 người đồng tính nam và 461 người đồng tính nữ hiện đang có mối quan hệ tình cảm đồng giới. Với những người đã bộc lộ hoặc úp mở về mối quan hệ cùng giới của mình với gia đình, có đến 50,2% thừa nhận mối quan hệ đó bị cha mẹ phản đối; 31,2% cho biết cha mẹ không ý kiến hoặc làm ngơ về điều này. Chỉ có 18,6% được cha mẹ ủng hộ hoặc phần nào ủng hộ mà thôi.

Ngoài ra, 46,3% cho hay tình cảm đó không được sự chấp nhận của họ hàng. Thậm chí, có đến 16,8% từng bị gia đình và họ hàng đe dọa nhằm chấm dứt mối quan hệ đó.

Sống chung với… áp lực 2
Đôi đồng tính nữ Tăng Ái Linh - Phạm Thị Thanh Phương (ngụ tại TP.HCM) - Ảnh nhân vật cung cấp

Ít ràng buộc, khó bền vững?

Nhóm nghiên cứu ghi nhận, có rất nhiều khó khăn nảy sinh từ cuộc sống chung của những cặp đồng tính.

Phân tích số liệu định lượng cho thấy phần lớn những cặp đôi cùng giới nhìn nhận đa phần các khó khăn của họ đến từ việc không được pháp luật công nhận và bảo hộ (72%), không được sự công nhận của xã hội và cộng đồng (68,7%), hoặc gia đình không chấp nhận (66,2%).

 

Vì không có ràng buộc gì về giấy tờ pháp lý, không có con cái chung nên khả năng tan vỡ của những cặp đồng tính cao hơn. Đôi khi, chính những ràng buộc ấy lại mang tính suy xét, cân nhắc nhiều hơn trước quyết định chia tay nhau hay không.

Anh Huỳnh Minh Thảo, quản lý website taoxanh.net

Song song đó, 51,2% cặp cho rằng việc không có sự ràng buộc về mặt pháp luật cũng khiến mối quan hệ của họ khó bền vững. Nhiều cặp phản ánh họ không có sự tư vấn, khuyên bảo hay hỗ trợ từ gia đình, bạn bè. Vì vậy, khi gặp các mâu thuẫn trong tình cảm, mối quan hệ của họ cũng kém bền vững hơn.

Liên quan đến vấn đề trên, chia sẻ với Thanh Niên Online, anh Huỳnh Minh Thảo, 31 tuổi, quản lý website taoxanh.net (một mạng xã hội dành riêng cho người đồng tính nam trẻ tuổi) nói: “Vì không có ràng buộc gì về giấy tờ pháp lý, không có con cái chung, nên khả năng tan vỡ của những cặp đồng tính cao hơn. Đôi khi, chính những ràng buộc ấy lại mang tính suy xét, cân nhắc nhiều hơn trước quyết định chia tay nhau hay không”.

Anh Thảo so sánh: “Bản thân tôi gặp nhiều cặp đôi đồng tính nữ và thấy mối quan hệ của họ rất bền vững. Họ thường kín đáo hơn, có tính hướng nội, muốn giữ gìn mối quan hệ. Còn nam giới có tính hướng ngoại nhiều hơn, nên dễ bị tác động bởi những cái lạ, những mối quan hệ mới”. 

Cũng theo khảo sát trên, những xung đột, khó khăn còn nảy sinh từ phía hai người sống chung. Hầu hết các cặp đôi đều cho rằng họ tìm thấy người có tính tình hòa hợp và cùng chia sẻ quan điểm cuộc sống. Thế nhưng, trong những năm tháng chung sống, nhiều khó khăn đã nảy sinh ngay trong chính mối quan hệ của hai người như bất đồng về công việc, nhu cầu có con và nuôi con, thời điểm có con, mối quan hệ với gia đình…

Cuối năm 2013, iSEE tiếp tục công bố kết quả đề tài “Thái độ xã hội với người đồng tính” của Nguyễn Thị Thu Nam và Lê Quang Bình.

Nghiên cứu này chủ yếu dựa trên các cuộc phỏng vấn bằng hình thức hỏi với 854 người dân (18 - 64 tuổi, sống tại Hà Nội, Hà Nam, TP.HCM và An Giang).

Theo đó, các tác giả đã chỉ ra những sự định kiến còn khá nặng nề trong xã hội, nhất là về nhận dạng người đồng tính và nguyên nhân của đồng tính. Đối với vấn đề sống chung cùng giới, hầu hết người tham gia khảo sát đều tỏ ra không kỳ thị, bài xích, không phân biệt đối xử và tôn trọng cuộc sống cá nhân người đồng tính. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những người này chấp nhận hôn nhân đồng giới, bởi những lý do: đe dọa thiết chế hôn nhân truyền thống; Không đảm bảo chức năng gia đình (chức năng sinh sản, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, thỏa mãn nhu cầu tình cảm); Rủi ro cho trật tự xã hội (nhiễu loạn về giới, rối loạn huyết thống, gây ra những tệ nạn xã hội)…

Trao đổi với Thanh Niên Online, đôi đồng tính nữ Tăng Ái Linh - Phạm Thị Thanh Phương (ngụ tại TP.HCM, đã duy trì quan hệ đồng giới hơn 12 năm nay) nêu ý kiến: “Theo quan điểm của chúng tôi, việc nhà nước chưa chấp nhận cho đăng ký kết hôn không ảnh hưởng gì đến tính bền vững về tình yêu của hai người. Vì vẫn có một tờ “đơn xin ly hôn” tồn tại. Chỉ có sự kỳ thị, những định kiến cổ hủ, hoặc những định kiến cố tình của xã hội mới là yếu tố tác động mạnh nhất đến sự bền vững của tình yêu trong cộng đồng LGBT (người đồng tính, song tính và chuyển giới) mà thôi!”.

Một số bảng biểu khảo sát từ các cuộc nghiên cứu của iSEE:

Quan niệm về nguyên nhân đồng tính  (Bảng 1):

Sống chung với… áp lực 3

(Trích kết quả nghiên cứu Thái độ xã hội với người đồng tính)

Lý do quyết định sống chung của các cặp đồng tính trong độ tuổi kết hôn và hiện đang sống chung (Bảng 2):

Sống chung với… áp lực 4

Những khó khăn thực tế trong mối quan hệ cùng giới (Bảng 3):

Sống chung với… áp lực 5

Thái độ của cha mẹ đối với quan hệ cùng giới  (Bảng 4):

Sống chung với… áp lực 6

Mong muốn, nhu cầu đối với sự chấp nhận của gia đình (Bảng 5):

Sống chung với… áp lực 7

(Bảng 2, 3, 4,5: Trích từ nghiên cứu Trải nghiệm thực tế và mưu cầu hạnh phúc lứa đôi).

Như Lịch

>> Bi kịch từ mối tình đồng tính
>> Adam Lambert ẩu đả với người tình đồng tính
>> Bi kịch sau cuộc tình đồng tính
>> Chuốc thuốc mê bất thành, giết luôn bạn tình đồng tính
>> 71 tuổi, Mr. Sulu cưới người tình đồng tính 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.