Chuyển động đầu tư nước ngoài: Rời Trung Quốc, sang Việt Nam!

10/12/2005 11:28 GMT+7

Theo tác giả George Wehrfritz (Newsweek), Trung Quốc đã bắt đầu nếm mùi cay đắng của chính sách phát triển mất cân đối. Chiến lược đầu tư công nghiệp thép là một ví dụ.

Qua rồi thời hoàng kim

Thép Trung Quốc hiện chất đống trên thị trường thế giới. Với xuất lượng hàng đầu thế giới 350 triệu tấn hiện tại, Trung Quốc đã cung cấp đủ nhu cầu nội địa nhưng những nhà máy thép mới sẽ còn tung thêm 100 triệu tấn. Hiện tượng cung vượt cầu trong công nghiệp thép cũng hiện diện ở nhiều ngành công nghiệp khác, từ nhôm, xi măng, bông đến quần áo, điện thoại di động và xe hơi.

Việc tung tiền xây nhiều nhà máy không cần thiết, cao ốc văn phòng bỏ trống và khu nghỉ mát “vắng như chùa Bà Đanh” đã làm lung lay nền kinh tế vĩ mô Trung Quốc. GDP năm nay dự kiến tiếp tục tăng 9,4% nhưng nhiều vấn đề cũng phát sinh song hành. Do vậy, giới kinh tế gia quốc tế tin rằng xuất khẩu và đầu tư thừa mứa không còn là động lực cho cỗ xe kinh tế Trung Quốc bởi cả hai đã vượt quá mức cho phép.

Jim Walker, trưởng kinh tế gia Ngân hàng CLSA, cho rằng tỉ lệ tăng trưởng Trung Quốc có thể hạ nhiệt 5% vào năm 2006 và 3% vào năm 2007. Bằng chứng là thời điểm hiện thời, chi phí sản xuất đã bắt đầu cao hơn, lãi chỉ là “lượm bạc cắc” và cạnh tranh giá ở khắp lĩnh vực công nghiệp cũng căng thẳng hơn (Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp Trung Quốc hạng 47 trong mức độ cạnh tranh doanh nghiệp trong khảo sát 116 quốc gia tiến hành năm 2005).

Nhiều kinh tế gia, trong đó có giáo sư về kinh tế cạnh tranh Michael Porter thuộc Đại học Harvard, và giới đầu tư toàn cầu đều có chung nhận định rằng những lĩnh vực từng đem lại không khí nhộn nhịp cho kinh tế Trung Quốc chẳng hạn như đồ chơi, hàng thể thao hoặc quần áo, nay không còn đạt lợi nhuận lý tưởng. Trong khi đó, Trung Quốc không đầu tư mạnh vào công nghệ kỹ thuật cao như Hàn Quốc hoặc Nhật Bản mà vẫn khiến công nghiệp kỹ thuật cao thế giới “sần mình” vì nạn đạo tặc sở hữu trí tuệ. Giới đầu tư nước ngoài không ngừng ca cẩm về tính lỏng lẻo pháp lý Trung Quốc quanh vấn đề bản quyền. Kết quả: Nhiều công ty Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản bắt đầu rút vốn khỏi Trung Quốc và chuyển đến các nước trong khu vực.

Trung Quốc hiện chiếm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều hơn láng giềng Ấn Độ (5 tỉ USD/tháng vài năm gần đây) nhưng khuynh hướng này sẽ giảm. Cùng lúc, FDI sẽ tăng nhanh tại một số thị trường khác. Giữa thập niên 90, Ngân hàng Kookmin (Seoul) từng giúp hàng trăm nhà máy Hàn Quốc mở phân xưởng tại Thâm Quyến (Trung Quốc) nhưng “do các rắc rối tài chính, họ (công ty Hàn Quốc) hiện thu xếp hành lý và dọn sang Việt Nam và Ấn Độ”. Theo nhà quản lý Kim Woo Sung của Kookmin, “thời hoàng kim của họ ở Trung Quốc đã qua rồi”.

Việt Nam quyến rũ hơn

Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ năm 2005 khai mạc tại Hà Nội ngày 6/12 cho thấy ít nhất một điều: Sân chơi Việt Nam tiếp tục hấp dẫn giới đầu tư nước ngoài. Tuần báo Mỹ Newsweek cách đây không lâu cũng cho biết, trong thực tế, giới đầu tư nước ngoài đang chuyển đồng vốn của họ từ Trung Quốc đến các nước khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Bản tin điện tử báo Nhân Dân (2/12/2005) cho biết Việt Nam đã thu hút tổng cộng 5,29 tỉ USD vốn FDI trong 11 tháng năm 2005, tăng 40,3% so với năm 2004. Đây là năm mà Việt Nam nhận được vốn FDI nhiều nhất kể từ 1997. Theo ông Norio Hattori, Đại sứ Nhật tại Việt Nam, giới công ty Nhật cho rằng mục tiêu đổ vốn FDI sắp tới của họ là Việt Nam.

Doanh nghiệp Đài Loan bắt đầu tràn vào Việt Nam như cách họ đến Hoa lục đầu thập niên 90. Đại gia xe gắn máy Kymco (Đài Loan) có nhà máy lắp ráp tại Trung Quốc và Indonesia nay chuẩn bị xây phân xưởng lắp ráp ở Việt Nam. “Trung Quốc làm việc 5 ngày/tuần, trong khi Việt Nam làm việc 6 ngày/tuần. Nếu tính cả năm thì sự khác biệt là 52 ngày” . Đây là một phép tính nhỏ của Albert Ting, Chủ tịch CX Technology Corp (công ty hàng đầu thế giới về thiết bị loa).

Một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam trở nên quyến rũ hơn là tính an toàn chính trị. Từ tháng 4/2005, khắp Trung Quốc từng bùng lên làn sóng chống Nhật quanh vấn đề sách giáo khoa. Koji Ida, chuyên gia về Việt Nam thuộc Tổ chức Mậu dịch nước ngoài Nhật Bản (JETRO), nhận định: “Xét về chính trị, không có không khí thù hằn Nhật tại Việt Nam”.

Tuy nhiên, những ý kiến góp ý cũng được các nhà đầu tư nước ngoài lưu ý. Viên chức Liên Hiệp Quốc Jordan Ryan làm việc tại Hà Nội nói rằng Việt Nam cần đẩy mạnh tiến trình cải cách hệ thống giáo dục. Kinh nghiệm cho thấy trong thập niên 90, Thái Lan từng quá chậm trong đầu tư giáo dục nâng cao và do vậy hiện thời không thể cung cấp cho thị trường đủ nhân công tay nghề cao. Đầu tư cho nghiên cứu-phát triển (R&D) của Việt Nam chiếm tỉ lệ GDP còn khiêm tốn, chỉ bằng 1/7 Trung Quốc. Dẫu sao, Klaus Rohland, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cũng tin tưởng về dự báo tương lai sáng sủa của Việt Nam. Ông giải thích: “Việt Nam cần một nền kinh tế thị trường tư nhân và một nền kinh tế tiêu dùng. Hai nền kinh tế này đang hình thành”.

Nguy cơ

Khảo sát cấp chính phủ của Viện Nghiên cứu kinh tế Trung Hoa-Đài Bắc cho biết từ tháng 1 đến tháng 8/2005, đầu tư Đài Loan tại Trung Quốc đã giảm 18% (còn 3,59 tỉ USD) so với năm 2004. Giới đầu tư Đài Loan cho rằng cơ chế kinh tế thị trường Trung Quốc còn nhiều rào cản.

Việc Trung Quốc được vé vào cửa Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO) vào tháng 12/2001 đã buộc Bắc Kinh mở cửa nhiều lĩnh vực, nhưng nhiều công ty nước ngoài nhảy vào đã nhanh chóng bị nhấn chìm. Tsann Kuen - nhà sản xuất hàng điện tử và gia dụng - hăm hở nhảy vào Trung Quốc năm 2003 nhưng sau 2 năm đã bị lỗ 30 triệu USD (tháng 7/2005, Tsann Kuen tuyên bố sẽ bán doanh nghiệp cho một công ty Trung Quốc).

Công ty điện thoại di động Dbtel, nguyên là nhà thầu khổng lồ cho Motorola từng ôm tham vọng “hất chân” Nokia khỏi Trung Quốc, đã lỗ 60 triệu USD. Volkswagen cũng thấm thía “kinh nghiệm Trung Quốc”. Từng chiếm 50% thị phần Trung Quốc, Volkswagen bây giờ rơi vào tình trạng khốn khó do cạnh tranh không nổi với “dòng xe giá bèo” sản xuất nội địa Trung Quốc. Tệ hơn, tập đoàn công nghiệp xe hơi Thượng Hải (đối tác chính của Volkswagen) vừa tuyên bố kế hoạch mở nhà máy riêng và tung ra dòng xe mới vào năm 2007. Nó cho thấy, trong lĩnh vực công nghiệp xe hơi tại Trung Quốc, các công ty nước ngoài đang “đi từ thị trấn phát triển đến lò sát sinh”.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.