Kỷ vật trở về - Kỳ 1: Cuốn sách của cha

17/05/2012 10:16 GMT+7

Một ngày bỗng nhận lại được món đồ mình đã thất lạc, niềm hạnh phúc ấy không phải ai cũng có được, nhất là khi món đồ ấy có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời mình. Câu chuyện những kỷ vật trở về không chỉ là sự tình cờ đến kỳ lạ, mà còn ẩn chứa những suy nghĩ sâu sắc của người trao và nhận lại.

Đường về nhà của chị Lâm Thanh Huyền (Nam Triều, Phú Xuyên, Hà Nội) kỳ lạ khiến nhiều người không tin nổi. "Huyền, có phải con đó không?", đã mấy năm rồi nhưng khi kể lại câu chuyện tìm được con gái, đến đoạn nhận ra giọng con trong điện thoại, ông Lâm Văn Bảng vẫn không thôi xúc động đến lạc cả giọng.

Kỷ vật cho con gái

Kỷ vật trở về - Kỳ 1: Cuốn sách của cha 1
Cuốn sách Gương nhân quả giờ được coi là vật gia bảo của dòng họ ông Bảng, được để trong hộp bọc lụa cẩn thận - Ảnh: N.Nga  

Chị Huyền là con gái trong số bốn người con của ông Bảng. Từ nhỏ, Huyền là cô gái thông minh, học giỏi lại rất ngoan ngoãn. Năm 1997, Huyền đậu vào ĐH Giao thông vận tải với ý định theo nghề của cha, nhưng học được một năm cô cảm thấy không phù hợp nên thi vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và nhận học bổng đi du học ở Úc. Hai mươi tuổi, Huyền lên đường với bao háo hức của tuổi trẻ.

Trước khi con gái lên đường du học nơi xứ người, ông Bảng tặng con cuốn sách Gương nhân quả mà ông đã mua trong một dịp vào Sài Gòn công tác với lời dặn: "Cha chẳng có gì quý giá để cho con, chỉ có cuốn sách này, con đọc để nhủ mình làm việc gì cũng có nhân, có quả mà sống cho tốt". Huyền lên đường sang Úc với cuốn sách của cha trong hành trang của mình.

Tại Úc, Huyền được một phụ nữ người Pháp nhận làm con nuôi. Cô học được một năm thì gia đình ông Bảng nhận được tin dữ: con gái mắc bệnh viêm não. Lo lắng nhưng không có điều kiện để sang với con, ông Bảng đành tự an ủi mình với lời hứa của người mẹ nuôi của Huyền rằng bà sẽ chữa bệnh cho con gái ông một cách chu đáo. Khoảng một tháng sau, ông nhận được tin con gái đã sang Mỹ chữa bệnh. Những ngày này ông giữ liên lạc đều đặn với con. Nhưng ngày hay tin con gái đã phẫu thuật xong và sẽ quay trở về Úc để tiếp tục học cũng là ngày ông mất liên lạc với cô. Thì ra trên đường trở lại sân bay, một vụ tai nạn đã khiến bà mẹ người Pháp của Huyền thiệt mạng. Rủi thay, những ký ức về quá khứ cũng hoàn toàn bị xóa sạch khỏi đầu Huyền sau vụ tai nạn này.

Để tìm con, ông Bảng đến bộ ngoại giao rồi dò hỏi khắp mọi nơi, mọi cách để tìm thông tin về con nhưng vẫn vô vọng. Liên hệ với trường con gái từng học thì nhận được hồi âm những đồ đạc của Huyền ở ký túc xá đã được gửi về VN vì cô vắng học quá lâu.

Mất trí nhớ, cô gái VN lang thang nơi đất Mỹ với một câu hỏi luôn bủa vây: "Mình là ai, mình từ đâu đến vậy?". Khi đói lả, cô xin vào rửa chai lọ cho một nhà hàng Trung Quốc. Người chủ thấy cô gái đáng thương liền hỏi sự tình nhưng Huyền không thể nhớ được gì. Nghe giọng nói, bà chủ biết được Huyền là người VN. Một tháng sau, bà gửi Huyền về Trung Quốc bằng tàu hàng của mình. Sau đó, Huyền được dẫn đến cửa khẩu Lạng Sơn. Đặt chân về đến đất nước mình, Huyền vẫn không nhớ ra mình là ai, chỉ thấy yên tâm đôi chút vì nhận ra mọi người xung quanh nói thứ ngôn ngữ thân thuộc như mình. Từ Lạng Sơn, Huyền theo xe trở về Hà Nội với câu hỏi: Gia đình mình ở đâu?

 Kỷ vật trở về - Kỳ 1: Cuốn sách của cha 2

Đường về nhà

Trở về Hà Nội, Huyền xin vào rửa chén bát cho một cửa hàng ăn trên đường Láng. Chị đặt tên mới cho mình là Gái. Cách nhà chưa đến 30 cây số nhưng đường về nhà của Huyền vẫn mịt mù. Rửa chén thuê được một thời gian, Huyền đi bán sách, làm gia sư để kiếm sống qua ngày. Những kiến thức có sẵn giúp chị nhanh chóng được nhiều gia đình tin tưởng giao con cho chị dạy kèm. Cứ vậy, Huyền sống qua ngày với một mong muốn duy nhất là có ai đó nhìn vào mặt mình và thốt ra trông chị quen quen để có nút gỡ cho ký ức mù mịt của mình.

Một buổi chiều 26 tháng chạp năm 2005, khi mọi người cùng xóm trọ đã về quê ăn Tết Nguyên đán, Huyền chỉ còn lại một mình. Buồn và cô đơn, chị đi lang thang vô định trên đường phố và dừng lại ở một hiệu sách cũ trên đường Láng. Chị mua một cuốn sách cũ bìa đã ố vàng mang về đọc cho khuây khỏa trong những ngày tết ở nhà trọ vắng hoe. Về nhà, lật cuốn sách cũ, Huyền vô cùng bất ngờ khi trong cuốn sách rơi ra một tấm chứng minh nhân dân mang tên Lâm Thanh Huyền. Nhìn kỹ chị thấy người trong ảnh có nét gì đó trông rất giống mình. Trên gáy trước cuốn sách có một chữ Bang và số điện thoại đã gần mờ hết. Những thứ đó cứ ám ảnh Huyền suốt một đêm không hề chợp mắt.

Trời vừa hừng sáng, chị ra ngay bưu điện bấm số điện thoại trên bìa cuốn sách. Chuông đổ, chị nín thở: "Bác ơi, cho con hỏi nhà bác Bang phải không?". "Nhầm máy rồi cháu ạ", giọng một phụ nữ đầu dây bên kia trả lời rồi cúp máy. Nhưng cái tên Bang và số điện thoại trên gáy cuốn sách vẫn khiến chị không thể ngồi yên. Cảm giác gần tìm về đến nhà khiến chị chộn rộn nên vừa trở về nhà trọ chị lại quay ra bưu điện. Lần này chị hỏi: "Bác ơi, nhà mình có ai tên Huyền không?". Lúc này, đầu dây bên kia ông Bảng như nín lặng, nhận ra giọng quen thuộc của con gái, lập bập hỏi ngay: "Huyền, có phải con đó không?". Cô gái trình bày hoàn cảnh mình đang lạc gia đình nhưng mất trí nhớ nên không biết chính xác tên mình là gì và bố mẹ ở đâu. Ông Bảng hỏi ngay địa chỉ, đón xe đến và không quên mang theo cuốn album của gia đình.

Đến nơi, ông Bảng và mọi người trong gia đình vỡ òa khi nhận ra cô con gái yêu quý thất lạc hơn bảy năm trời. Chị Huyền vẫn còn ngỡ ngàng vì chưa nhớ ra bất cứ ai trong gia đình nhưng nhìn những tấm ảnh trong cuốn album, chị bắt gặp khuôn mặt của chính mình.

Cuốn sách Huyền tìm được ở tiệm sách cũ chính là cuốn Gương nhân quả mà bố chị đã tặng trước lúc chị lên đường đi du học. Chính thói quen hay viết tên mình không dấu và số điện thoại nhà lên gáy trước bất cứ cuốn sách nào mình có của ông Bảng đã giúp con gái tìm được đường về nhà. Cơ duyên kỳ lạ của cuốn sách Gương nhân quả và câu chuyện tìm được gia đình mình của chị Huyền khiến nhiều người không thể giải thích nổi.

Đón con gái yêu trở về nhà, mọi người trong gia đình ông Bảng đều cố gắng giúp Huyền phục hồi trí nhớ, tìm lại những ký ức đã mất. Sau hai năm, Huyền bắt đầu nhớ lại tất cả mọi chuyện. Câu chuyện về những ngày lưu lạc được chị kể lại cho mọi người trong gia đình nghe một cách đầy đủ, rõ ràng hơn.

Bây giờ chị Huyền đã có một gia đình hạnh phúc và sống tại khu tập thể Linh Đàm, đang theo học Học viện Quản lý giáo dục để làm cô giáo. Trong khuôn viên bảo tàng của gia đình ông Bảng ở thôn Nam Triều, Nam Quất, Phú Xuyên, Hà Nội, cuốn sách Gương nhân quả đã cũ kỹ, ố vàng được ông trân trọng cất rất kỹ trong hộp bọc lụa. "Đây được coi như là vật gia bảo của dòng họ tôi đấy. Nó là một cuốn sách linh thiêng, nhờ nó mà con gái tôi tìm được đường về nhà" - ông Bảng tâm sự.

Theo Tuổi Trẻ

 >> Hồi ức của một phóng viên chiến trường
>> Mạng xã hội giúp tìm người thất lạc rất hy hữu
>> Nghĩa tình Gạc Ma ở Đà Nẵng
>> Trở về từ ký ức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.