Thảm họa Fukushima: Phép thử cho ngành robot Nhật Bản

30/12/2012 14:20 GMT+7

(TNO) Mặc dù được xem như quốc gia hàng đầu về chế tạo robot, nhưng khi thảm họa hạt nhân Fukushima nổ ra, Nhật Bản lại phải nhờ cậy đến những robot Mỹ để giải quyết hậu quả.

Để hạn chế tình trạng trên, các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Nhật đã ráo riết chế tạo các mẫu robot chuyên thực thi những sứ mệnh dọn dẹp bên trong nhà máy hạt nhân Fukushima, theo Reuters.

Thảm họa Fukushima – Phép thử cho ngành robot Nhật Bản
Mẫu robot của Toshiba được chế tạo để hoạt động tại các khu vực có mức phóng xạ cao bên trong nhà máy điện hạt nhân Fukushima - Ảnh: AFP

Viện nghiên cứu Công nghệ Người máy Tương lai Chiba vừa trình làng “Rosemary”, mẫu robot mới, được dùng cho việc dọn dẹp các chất thải phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Rosemary có thể quay video và truyền trực tiếp cho người điều khiển, đồng thời nó còn có thể nâng vật nặng lên đến 60 kg và tạo lối đi băng qua đống đổ nát.

Mẫu robot này sẽ thay thế các công nhân để làm việc tại những khu vực trong nhà máy, nơi mức phóng xạ vẫn còn quá cao.

Rosemary là mẫu robot đầu tiên có khả năng làm việc bên trong nhà máy Fukushima do Nhật Bản chế tạo.

Cho đến nay Chính phủ Nhật vẫn phải lệ thuộc vào các robot do Mỹ sản xuất để tiến hành khảo sát và dọn dẹp những thiệt hại do cơn sóng thần hồi tháng 3.2011 gây ra tại nhà máy Fukushima.

Ông Eiji Koyanagi, Phó giám đốc Viện nghiên cứu Công nghệ Người máy Tương lai Chiba cảm thán rằng, mặc dù Nhật Bản là nước đứng đầu về chế tạo robot, nhưng khi cần những mẫu thiết kế dùng cho việc dọn dẹp chất thải phóng xạ thì Nhật lại phải nhờ nước khác làm.

Trong năm 2011, các tập đoàn công nghệ hàng đầu Nhật Bản, gồm Mitsubishi, Hitachi và Toshiba, đã nỗ lực xoay chuyển tình thế và đã phát triển ra một thế hệ người máy nhân công.

Thảm họa Fukushima – Phép thử cho ngành robot Nhật Bản
Robot MEISTeR của Mitsubishi - Ảnh: Reuters

Mitsubishi mới đây vừa công bố một mẫu robot nặng 440 kg có tên gọi là MEISTeR.

Mẫu robot này được trang bị nhiều công cụ phục vụ cho nhiều loại công việc khác nhau bên trong lò phản ứng hạt nhân ở Fukushima.

MEISTeR có khả năng khoan một lỗ trong tường bê tông để kiểm tra mức phóng xạ, hay có thể dùng cánh tay robot của mình để đóng hoặc mở cửa, vốn là một thao tác cực kỳ quan trọng khi làm việc trong một lò phản ứng hạt nhân bị rò rỉ.

Tập đoàn Hitachi đang phát triển một mẫu robot nặng 2,5 tấn. Robot của Hitachi được trang bị cánh tay mà phần đầu có thể gắn với xẻng, kềm cắt và cuốc.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng những mẫu robot mới của Nhật cần thêm rất nhiều thời gian để hoàn thiện.

Ông Masashi Goto, một cựu kỹ sư lò phản ứng, cho biết các nhà sản xuất robot và Công ty cung cấp điện Tokyo, vốn là đơn vị điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima, vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

“Các nhà sản xuất robot thì cho rằng mình hiểu tường tận các tình huống xảy ra bên trong nhà máy. Nhưng mọi việc sẽ thay đổi khi các robot tiến hành công việc dọn dẹp, vì chúng sẽ phát sinh các lỗi và những tình huống không lường trước được. Tôi có cảm giác rằng các nhà sản xuất chỉ đang cố thu thập kinh nghiệm từ hiện trường thông qua các cuộc thử nghiệm robot mà thôi”, ông Goto phát biểu.

2 Bộ giáp robot điều khiển bằng sóng não do Viện nghiên cứu Công nghệ Người máy Tương lai Chiba chế tạo dùng để phục vụ cho công tác dọn dẹp hậu quả thảm hỏa hạt nhân Fukushima - Ảnh: AFP
Bộ giáp robot điều khiển bằng sóng não do Viện nghiên cứu Công nghệ Người máy Tương lai Chiba chế tạo dùng để phục vụ cho công tác dọn dẹp hậu quả thảm hỏa hạt nhân Fukushima - Ảnh: AFP

Hoàng Uy

>> Công nhân nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị buộc nói dối
>> Khủng hoảng hạt nhân ở Fukushima chưa kết thúc
>> Chiến binh Samurai hồi sinh tại Fukushima
>> Nhật điều tra bê bối về báo cáo nhiễm xạ tại Fukushima
>> Fukushima, người dân bị hi sinh
>> Công nhân nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị buộc nói dối
>> Điều khiển cánh tay robot bằng ý nghĩ
>> Robot nhí Nhật Bản sẽ lên không gian
>> Sử dụng robot phẫu thuật cột sống
>> Bộ giáp robot điều khiển bằng ý nghĩ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.