Lẫy thương

20/04/2012 03:37 GMT+7

Sáng nay, khi tưới nước cho mấy chậu cây trước nhà, tôi đã thấy ông ngồi chồm hổm bên bà và nồi bún, sau cả tuần lễ “nổi khùng và mặc kệ”, như cách ông vẫn nói lâu nay, mỗi khi có gì mâu thuẫn với vợ.

Sáng nay, khi tưới nước cho mấy chậu cây trước nhà, tôi đã thấy ông ngồi chồm hổm bên bà và nồi bún, sau cả tuần lễ “nổi khùng và mặc kệ”, như cách ông vẫn nói lâu nay, mỗi khi có gì mâu thuẫn với vợ.

Vợ chồng già thì chuyện gì chứ chuyện câu mâu, trả treo… thì diễn ra ngày bữa ấy mà. Với ông bà thì chủ đề chính luôn liên quan tới chuyện bán đồ ăn sáng của bà.

Ông bà có tới chín người con, ai cũng có công ăn chuyện làm, có cuộc sống ổn định. Từ hồi con cái ra riêng, ông bà mở hàng bán đồ ăn sáng để nuôi nhau và nuôi thằng út. Bà được cái siêng, đổi món liên tục. Bữa bán bún gân, bún cá, bún rạm, bún chay. Bữa bánh canh, bánh hỏi bánh ướt, bánh bèo. Không có ông phụ, bà sao kham nổi? Bởi đó, chòm xóm đã quen với hình ảnh ông bà có nhau trong mỗi buổi sáng nơi phía trước nhà.

Rồi những hình ảnh quen thuộc ấy mất biến có đến nửa năm trời. Đó là khi các con của ông bà ngồi lại bên nhau bàn bạc chuyện cửa nhà và tuổi già của cha mẹ. Ông bà có một số vốn gửi ngân hàng và tiền lãi hằng tháng lấy về đủ sống thoải mái. Đó, cũng là lý do họ không còn tiếp tục bán đồ ăn sáng.

Tưởng thôi luôn, ai dè bà dở chứng bán lại. “Làm quen rồi ở không, tay chân mình mẩy như mấy thứ đồ đi mượn, ớn quá!”, bà phân trần. Chiều vợ, ông cũng lọ mọ phụ bà mấy công chuyện hồi giờ, rồi cũng phải thức dậy sớm. Riết rồi ông sinh bực bội: “Thà trước đây thiếu tiền sinh sống phải chịu cực không nói gì. Giờ con cái đã sắp xếp ổn định rồi, mắc gì sướng không ưng lại ưng cực?”. Bực bội với ý nghĩ phải chiều bà, ông sinh tật nổi khùng. Và từ nổi khùng ông cứ mặc kệ bà thích làm gì thì làm.

Nhưng muốn vậy thì ông phải lánh mặt đi nơi khác mỗi khi bà bán buôn. Đằng này ông ngồi uống trà chơi, trong khi bà không ngơi tay. Hỏi vậy ai chịu nổi? Vợ tất bật mà chồng thư thả vậy, sao được hử? Rồi bà ngồi sát nồi bún tung đòn khiêu khích. Ông ngồi bên bàn nước nâng cao tách trà mau lẹ tấn công. Lời qua tiếng lại con cháu phải nhảy vô can thiệp.

Giải pháp cuối cùng: ông qua cái quán cóc gần nhà và muốn uống gì thì uống để bà bán buôn. Một hình thức lẫy nhưng lại khiến ông thêm trăn trở nặng lòng. Vì, có ngồi xa bà mà cặp mắt ông vẫn liên tục dõi về phía vợ. Để rồi ngay bữa sau, ông đã trở lại bên bà và sáng sáng cùng vợ phục vụ điểm tâm cho bà con chòm xóm.

Tưới cây xong, tôi bưng tô qua mua bún, không quên cà rỡn: “Hết lẫy rồi sao chú Tư?”. Ông cười rất tươi mặt lộ rõ niềm vui: “Úy! Thì cũng muốn cho bả sướng chứ ức hiếp gì! Thấy cực, tội, thương. Thương mới phải lẫy chứ mậy!”.

Huyền Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.