Lạ lùng câu lạc bộ người nghèo

13/12/2010 10:21 GMT+7

Lần đầu tiên tại ĐBSCL, người nghèo được tập hợp thành một tổ chức ở cấp câu lạc bộ (CLB). Ở đó, các thành viên được sinh hoạt định kỳ hằng tháng, được phân tích nguyên nhân dẫn đến nghèo khó, được phê bình, biểu dương rút kinh nghiệm. Dĩ nhiên, tất cả đều có sổ hộ nghèo.

Người sáng lập lãng mạn

Các tỉnh ĐBSCL đang điều tra nắm lại danh sách hộ nghèo theo tiêu chí mới. Theo chân những người “tìm nghèo”, tôi thật sự ngỡ ngàng khi tại một vùng nông thôn sâu thuộc xã  Định Thành, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) có nhiều CLB người nghèo đến thế. Anh cán bộ dân số rất vui khi những chủ nhiệm CLB nghèo kể vanh vách hoàn cảnh của từng gia đình một mà chẳng cần lật sổ tay như các vị lãnh đạo địa phương hay làm.

Lời nhận xét này thôi thúc tôi về Định Thành - một trong những xã xa xôi nhất tỉnh. Định Thành là xã chuyên nuôi tôm quảng canh. Mấy năm qua tôm nuôi bấp bênh, đời sống người dân liên tiếp gặp khó khăn. Vì vậy, người nghèo cũng thuộc dạng nhiều trong huyện.

Người trực tiếp đưa ra sáng kiến thành lập CLB có một không hai này là anh Lê Hoàng Vân - Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Trưởng ban Xóa đói, giảm nghèo xã. Mấy năm làm Trưởng ban Xóa đói, giảm nghèo mà người nghèo trong xã không giảm bao nhiêu, anh trằn trọc mãi. Năm 2009, đi dự hội thảo chuẩn bị công nhận xã Tân Phong, huyện Giá Rai là xã đầu tiên đạt chuẩn văn hóa của tỉnh, thấy mỗi ấp đều có CLB đờn ca tài tử. Đêm đó anh không ngủ, suy nghĩ mãi về các CLB của ấp, của huyện, rồi hỏi tại sao người nghèo lâu nay không ai tập hợp lại để tìm nguyên nhân? Tại sao một số hộ nghèo đi vay tiền xóa đói, giảm nghèo về sử dụng không hiệu quả?... Những câu hỏi cứ nhảy múa trong đầu anh. Hôm sau, anh bàn với anh Nguyễn Thành Lập - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã  - về ý tưởng thành lập CLB người nghèo. Anh Lập đồng ý ngay. Anh đem ra cuộc họp và được ban thường vụ thống nhất cao. Một quy chế CLB người nghèo cho các ấp được thiết lập.

Bản quy chế vẻn vẹn chỉ 5 trang, nhưng chứa đựng đầy đủ tâm huyết của xã Định Thành trong việc xóa đói, giảm nghèo. Anh bảo: “Hầu hết người nghèo đều ít học, họ không nhớ nhiều nên mình xây dựng quy chế rất đơn giản, dễ hiểu. Chủ yếu là làm sao để tập hợp người nghèo lại trở thành một khối đoàn kết để cùng nhau xóa nghèo”.

Nói là làm, anh cùng với anh Lập đi “tiền trạm” tìm hiểu rõ nguồn cơn trước khi cho ra mắt CLB đầu tiên và sau đó rút kinh nghiệm nhân rộng ra toàn xã. Cứ lần lượt vậy cho đến khi cả 5 ấp của xã đều thành lập xong CLB với trên 120 hộ tham gia.

CLB của những người... không giàu

Ông Đỗ Văn Bê - Trưởng ấp Lung Chim - hồ hởi: “Nhiều người thoát nghèo lắm rồi. Bây giờ tất cả đều công nhận chúng tôi không phải làm chơi theo kiểu CLB đờn ca gì đó nữa, mà giúp cho dân thoát nghèo đàng hoàng”. Rồi anh kể vanh vách từng đối tượng một trước khi vô CLB nghèo “rớt mồng tơi” bây giờ đã có tiền sửa lại căn nhà. Đó là đôi vợ chồng Phong – Loan của ấp. Là thanh niên trai tráng, có thừa sức trai và dư thời gian nhưng vẫn nghèo, nguyên nhân đơn giản vì anh Loan thích... nhậu. Vui nhậu, buồn nhậu, không vui chẳng buồn cũng nhậu.

Tiếp tôi trong căn nhà lá mới xây dựng, cửa nẻo đàng hoàng, anh Phong cười bẽn lẽn: “Nghĩ lại tôi phung phí thời gian quá. Nhờ mấy anh ở xã, ấp vận động phân tích cho nghe, bây giờ thôi nhậu rồi”. Nhà chỉ có 5 công đất nuôi tôm không đủ sống, từ ngày là thành viên CLB, Phong đi câu lịch (một loại thủy sản cùng họ với lươn, nhưng sống ở vùng nước mặn), tối bắt ba khía bán. Chị vợ quên buồn chán, bận bịu chăm sóc mấy con heo. Chỉ qua một năm, anh Phong, chị Loan đã không còn nghèo nữa.

 

Vợ chồng anh Phong, chị Loan bên hai đứa con - Ảnh: N.H

Ông Nguyễn Văn Hậu - ở ấp Lung Lá - là trường hợp khi bình nghị xét vào CLB có nhiều người lời ra tiếng vào vì “Thằng cha này chẳng chịu làm ăn gì, tối ngày cứ lo đánh cờ, xem bóng đá. Có lần đã xài  hết vèo 3 triệu đồng tiền xóa đói, giảm nghèo trong 5 ngày, đến nay mắc nợ chưa trả” – ông Nguyễn Thành Lập nhận xét. Vậy mà bây giờ ông Hậu đã trở thành một điển hình xóa đói, giảm nghèo của Định Thành với nghề chăm sóc cây kiểng, nuôi cá. 

Ông Nguyễn Ngọc Ẩn - Chủ nhiệm CLB người nghèo ấp Lung Chim - cho biết: “ Lúc chưa có CLB, ấp có 61 hộ nghèo, đến nay còn lại 25 hộ. Không phải do có CLB mà hết nghèo đâu. Chúng tôi chỉ tổ chức cho người dân bình nghị, tự phê bình, tìm phương cách cụ thể cho từng gia đình một. Mọi người tùy theo khả năng của mình mà tính toán làm sao để cải thiện cuộc sống dần. Bây giờ có bà con phê bình, góp ý, ai nghèo thì tự ái dữ lắm nên ai cũng muốn vươn lên thoát nghèo”.

Anh Vân đã đánh trúng tâm lý của người nghèo vùng nông thôn xã mình. Chính vì vậy mà sau hơn một năm, Định Thành có đến 99 hộ dân đủ điều kiện công nhận thoát nghèo. Tôi đùa: “Mai mốt xã chẳng còn hộ nghèo nào thì CLB sinh hoạt ra sao?”. Anh thật thà đến mức chân tình: “Thì mình nâng lên CLB giúp nhau làm giàu. Nói vậy thôi, chớ ngày đó chắc còn xa lắm vì dù có thoát nghèo, nhưng cả xã còn rất nhiều hộ cận nghèo. Nguy cơ tái nghèo rất cao”.

Không chỉ thoát nghèo

Ông Bùi Văn Hùng - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Định Thành - so bì: “CLB người nghèo sinh hoạt còn đều hơn cả Hội Cựu chiến binh. Từ ngày thành lập CLB đến nay, tình trạng nhậu nhẹt trong thanh niên, hụi hè trong phụ nữ giảm đáng kể”.

CLB mỗi tháng họp một lần, nội dung cuộc họp tùy theo thời vụ. Các thành viên góp ý cho nhau. Chủ nhiệm CLB không kết luận mà hướng vào điều có nhiều ý kiến đồng thuận nhất. Cũng từ đây, những người nghèo đóng góp vào quỹ hùn vốn để hỗ trợ nhau trong sản xuất. Số tiền khiêm tốn, nhưng mục đích sử dụng rõ ràng, tự người dân giám sát nhau nên hơn năm nay chưa thất thoát đồng nào.

Trong những cuộc họp, họ tuyệt đối không tranh phần, kể khổ để được chấm công điểm như cái thời HTX nông nghiệp xa xưa. Bà Hà Thị Giàu dù chưa  tham gia CLB, nhưng vừa rồi bị bệnh phải nhập viện, được những người trong CLB cho 50 ngàn đồng. Bà xúc động kể: “Người ta cũng nghèo như mình, nhưng giúp đỡ như vậy tui nhớ suốt đời. Nó quý hơn cả 50 triệu đồng nữa”.

Và cứ thế, chuyện học hành, phát quang bụi rậm ven đường; ăn ở có vệ sinh, sinh đẻ có kế hoạch... đã được chủ nhiệm CLB nhanh chóng “quán triệt” đến từng thành viên, dù chẳng nhận được đồng phụ cấp nào. Theo anh Lê Hoàng Vân, từ khi có CLB, tình hình trộm cắp, vi phạm ANTT, tệ nạn xã hội trong xã giảm hẳn.

Chia tay Định Thành, anh Vân bắt tay tôi thật chặt: “Có ai sinh ra muốn mình nghèo đâu. Một khi mình đánh trúng tâm lý và khơi dậy ý chí của họ thì tỉ lệ nghèo sẽ giảm đi, ông ạ”.

ĐBSCL có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất nước. Con số thống kê chưa đầy đủ theo tiêu chí mới lên đến gần 20%. Nếu hàng chục ngàn hộ nghèo vùng đất giàu tiềm năng này gắn kết lại dưới một tổ chức đàng hoàng, có hướng dẫn cụ thể, tin chắc rằng con số này sẽ giảm nhanh và bền vững. Từ thực tế các CLB người nghèo ở Định Thành, tôi tin như vậy. Một tổ chức hội của người nghèo, tại sao không?

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.