Mờ nhạt tình yêu gia đình trong sách giáo khoa

08/04/2014 03:20 GMT+7

Nội dung, phương pháp giáo dục học sinh quý trọng tình cảm gia đình trong các bài học sách giáo khoa hiện chưa thực sự hiệu quả, chưa phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, xã hội.

Nội dung, phương pháp giáo dục học sinh quý trọng tình cảm gia đình trong các bài học sách giáo khoa hiện chưa thực sự hiệu quả, chưa phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, xã hội.

Những bài học trong sách giáo khoa tiểu học về chủ điểm gia đình chưa gần gũi với thực tế - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Những bài học trong sách giáo khoa tiểu học về chủ điểm gia đình chưa gần gũi với thực tế - Ảnh: Đào Ngọc Thạch 

Điều này dẫn đến việc học sinh nhận thức lệch lạc, thiếu kỹ năng ứng xử và thậm chí  phạm tội mà nạn nhân chính là những người thân trong gia đình.

Chưa thể hiện đầy đủ tình yêu thương

Chủ điểm gia đình trong chương trình giáo dục phổ thông chưa thể hiện sự gắn kết sợi dây tình cảm thiêng liêng giữa ông bà, cha mẹ với con cái mà thiên về nhiệm vụ và cuộc sống lao động của các thành viên trong gia đình.

Chủ điểm gia đình trong nội dung chương trình tiếng Việt lớp 1, lớp 2 và lớp 3 khá nhiều, song chưa thiết kế theo hướng tích hợp giữa các phân môn tiếng Việt như chính tả, tập đọc, học thuộc lòng hoặc chưa tích hợp giữa môn tiếng Việt và môn đạo đức nên hiệu quả giáo dục chưa cao. Nói về chủ điểm gia đình nhưng các bài học trong đó lại chưa phù hợp, chưa đề cập đầy đủ các thành viên trong gia đình, dòng họ, gia tiên, dòng tộc hoặc vẫn còn một số bài học mang tính giáo dục chưa cao.

Sách Tiếng Việt 1, tập hai, Nhà xuất bản Giáo dục (từ trang 55 đến 63), chủ điểm gia đình gồm các bài: Bàn tay mẹ, Cái Bống, Vẽ ngựa, Cô bé trùm khăn đỏ. Những bài học này chưa thực sự khắc sâu tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, chưa mang tính giáo dục. Chẳng hạn bài Vẽ ngựa, ở đây ta thấy, bé vẽ hình con ngựa xấu là chuyện bình thường, nhưng bà lại hỏi: “Cháu vẽ con gì thế” là có ý chê cười. Đáng lẽ bà phải động viên và khen, chê rõ ràng để bé không nhụt chí. Ở trang 109 đến trang 117, gồm các bài Ngưỡng cửa, Kể cho bé nghe, Hai chị em và Dê con nghe lời mẹ. Bài thơ Ngưỡng cửa có 4 câu thơ: “Nơi bố mẹ ngày đêm, lúc nào qua cũng vội. Nơi bạn bè chạy tới, thường lúc nào cũng vui”. Ở đây ta thấy bố mẹ tất bật quá, niềm vui gia đình không có mà các em chỉ vui với bạn bè. Hay trong bài Hai chị em, chuyện kể về hai chị em chơi với nhau, nhưng bất hòa, chị giận bỏ đi học bài, em ngồi chơi một mình và cảm thấy buồn chán. Như vậy, câu chuyện ở đây chưa mang tính giáo dục cao. Bài Kể chuyện bé nghe lại không liên quan gì đến gia đình mà kể về máy cày, ô tô, con vịt, máy bơm…

Phải xuất phát từ lòng yêu thương trẻ

Nghị quyết Trung ương 8, khóa 11 về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã thể hiện rõ quan điểm mới của Đảng về gia đình và giáo dục gia đình. Trong mục tiêu tổng quát, nghị quyết đã khẳng định: “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả”. Yêu gia đình được nhấn mạnh và đặt trước yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Giải pháp nào để giáo dục tình yêu gia đình, Tổ quốc và đồng bào cho thế hệ trẻ một cách hiệu quả nhất? Trước hết, phải đổi mới một cách đồng bộ giữa giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội.

Ở nhà trường, tất cả nội dung chương trình, phương pháp dạy và học phải xuất phát từ lòng yêu thương đối với con trẻ. Kế đến, phải tôn trọng nhân cách của trẻ, giúp trẻ phát triển hài hòa và trọn vẹn tùy theo bản chất cá nhân và căn cứ trên quy luật nảy nở tự nhiên về thể xác cũng như về tâm lý; tôn trọng cá tính và năng khiếu riêng biệt của trẻ; triệt để áp dụng kỷ luật tự giác và tránh mọi hình phạt phạm đến nhân cách của trẻ. Sau đó, xây dựng chương trình tiểu học, THCS theo hướng tích hợp liên môn hoặc theo từng chủ điểm, nhấn mạnh chủ điểm gia đình. Chủ điểm này phải được lặp đi, lặp lại từ lớp 1 đến lớp 5 và những năm đầu của bậc trung học, nhưng ở các mức độ khác nhau; lớp sau cao hơn, mở rộng hơn lớp trước. Những bài học, những câu chuyện kể phải mang tính giáo dục cao, học sinh thực sự xúc động và khắc ghi.

Có thể vận dụng kinh nghiệm một số nước trong giáo dục gia đình. Áp dụng định luật “3LS”: Love (yêu thương - chăm sóc đầy đủ cho nhu cầu của trẻ); Limits (giới hạn - ngăn cấm những hành vi có hại cho trẻ) và Let’s grow up (để trẻ lớn lên - tôn trọng tự do nhân phẩm của trẻ). Mỗi trẻ có một cá tính riêng và đạt đến một khả năng riêng, vì thế giáo dục trẻ là thuật ứng biến linh động tùy theo cá tính của nó. Ngoài ra, cần tạo không khí thân yêu trong gia đình vì đây là nhu cầu rất quan trọng của trẻ để chúng phát triển.

Đối với giáo dục xã hội, cần thay đổi nhận thức về gia đình: Gia đình không phải là một số nhân khẩu sống với nhau, gia đình không chỉ là một đơn vị kinh tế hay xã hội mà còn phải là những tương giao thiêng liêng của tình cảm, bổn phận và sứ mạng. Khi gặp khó khăn ngoài xã hội, trẻ em cũng như người lớn lui về gia đình như một chỗ ẩn núp sau cùng. Gia đình còn mang cho trẻ một danh dự về gia tộc. Hành vi xấu, tốt của một người trong gia đình đều ảnh hưởng đến danh dự của những người khác.

Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh
Viện Nghiên cứu giáo dục -Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

>> Sốt ruột với đổi mới chương trình - sách giáo khoa
>> Đổi mới sách giáo khoa: Không thể làm theo kiểu rề rà
>> Nhật đưa quần đảo tranh chấp vào sách giáo khoa
>> Sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa
>> Sách giáo khoa phải giàu tính ứng dụng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.