Trường Sa của tôi

13/05/2012 03:32 GMT+7

Chuyến đi Trường Sa của tôi có thể coi là “hành trình xanh”, bởi từ đầu đến cuối chuyến đi nhìn đâu cũng thấy một màu xanh bất tận.

Chuyến đi Trường Sa của tôi có thể coi là “hành trình xanh”, bởi từ đầu đến cuối chuyến đi nhìn đâu cũng thấy một màu xanh bất tận.

Những ngày tháng tư âm lịch vẫn còn trong thời gian thuận lợi cho những chuyến đi biển dài ngày, gió nhẹ, nắng nóng. Ra khỏi cửa Cần Giờ là biển hiện ra một màu xanh hiền hòa. Cứ vậy suốt gần ba ngày đầu của hành trình xung quanh là sắc biển xanh biến đổi khôn lường. Mỗi sáng, mỗi chiều, nhìn gần, nhìn xa… biển xanh nhạt, xanh thẫm, xanh tím, xanh đen… Vào lúc bình minh và hoàng hôn mặt trời đỏ rực phía chân trời, biển chuyển màu vàng cam nhưng chỉ thoáng chốc lại trở về với sắc xanh bất tận của mình.

Hành trình miệt mài trên biển cứ ngong ngóng khi một chấm, rồi một dải xanh mờ hiện lên, rõ dần, mọi người lại nôn nao... Đảo của ta đấy, những tên đảo đã thân quen tự khi nào mà bây giờ mới được tận mắt nhìn thấy: Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Sinh Tồn, Len Đao, Đá Lát, Đá Tây, Trường Sa lớn… Đảo nổi đảo chìm xanh màu lá trên nền xanh của biển của trời. Ca nô cặp sát tàu đưa từng nhóm vào đảo.


Đảo Song Tử Tây - Ảnh: Nguyễn Thị Hậu

Đảo xanh, có thể gọi tất cả những hòn đảo của Trường Sa như vậy bởi màu xanh của cây lá có mặt khắp nơi. Có hai loại cây phổ biến là bàng trái vuông và phong ba đều có lá đan nhau rậm rạp, từng chiếc lá to dày che chắn cho nhau dưới ánh nắng như nung. Mùa này bàng trái vuông chưa có nhiều trái, thấp thoáng trong đám lá chùm nụ hoa xinh xắn chờ đêm tối nở bung nhụy lấp lánh như đèn lồng, vài trái non xanh đong đưa trong gió. Mấy anh lính trẻ luyến tiếc chưa có trái bàng để tặng cho người từ đất liền vì ai cũng muốn có được một trái bàng vuông mang về làm kỷ niệm. Nhưng thôi, mọi người bằng lòng chụp hình và mang những tấm hình trái bàng vuông về đất liền khoe với bạn bè, để trái bàng kia trên cây cho chúng già đi, hạt lại mọc mầm nảy lên cây mới, mang lại làn gió mát, mang lại màu xanh mà sau này ai ra thăm đảo cũng được nhìn thấy cây bàng trái vuông độc đáo.

Đảo nổi còn có lớp cát san hô mỏng trên mặt nhưng các đảo chìm thì chỉ có nhà xây nổi trên mặt nước. Vậy mà đảo nào cũng xanh trên từng mét vuông mặt đất hay trên giàn treo nho nhỏ lấn ra biển cả. Rau trồng bằng hạt theo từng luống nhỏ xíu: rau muống, rau cải, mồng tơi... chăm sóc từng cây. Hầu như đảo nào cũng trồng rau muống, lính ta nói đùa “rau muống còn thì đảo ta còn, đảo ta còn thì biển trời ta còn”. Đảo Song Tử Tây còn có chuối, ớt, lá lốt, rau ngót... Đảo Sinh Tồn Đông có cả giàn bầu trái sai lúc lỉu, đảo chìm trồng cả sả, riềng và lá mơ. Có nơi phải đóng dàn rồi dùng ni lông quấn xung quanh vườn rau nhỏ để tránh gió mang hơi nước mặn làm cháy hết lá. Ngay trên nhà giàn DK1, trong cái vuông đất nhỏ xíu cao hàng chục mét chênh vênh trên mặt biển còn trồng cả hành và thìa là nữa (món cá biển làm sao thiếu rau thìa là?). Nước tiết kiệm qua nhiều lần dùng và lần cuối để tưới rau. Mà cũng đâu được tưới thoải mái. Rau cũng như người, chắt chiu từng giọt nước ngọt hứng từ cơn mưa đỏng đảnh thất thường ở Trường Sa hay dành dụm từ những thùng nước ngọt theo tàu từ đất liền ra đảo. Ở nơi đảo xa này mới thấy quý từng giọt nước, từng nắm đất, mới càng hiểu hơn hai chữ  ĐẤT NƯỚC thiêng liêng!

Màu xanh Trường Sa của biển cả, của ngọn rau quê nhà, là gương mặt tỉnh táo người lính đảo dõi canh biển trời, là ánh mắt vời vợi người mẹ, người em gửi thương gửi nhớ… Hành trình của chúng tôi đi theo màu xanh Trường Sa đầy sức sống mãnh liệt mà bình dị. “Tấc đất ngọn rau ơn Chúa, tài bồi cho nước nhà ta; bát cơm manh áo ở đời, mắc mớ chi ông cha nó” *. Hàng ngàn năm lịch sử mỗi tấc đất, mỗi tấc biển đảo là mồ hôi nước mắt, là xương máu tiền nhân.

 
Vườn rau trên nhà giàn DK1

Màu xanh Trường Sa nhắc nhớ không ai có thể quên điều đó. 

Bàn tay người lính

Đi trong mênh mông trời biển, khi nào nghe thấy tiếng còi tàu rúc lên là biết đã gần tới đảo. Hồi còi báo hiệu tràn ngập niềm vui. Mọi người đổ ra boong ngóng về phía xa để được nhìn thấy một chấm nhỏ hay một vệt mờ hiện ra, rõ dần, lớn dần… Kìa ngọn đèn biển vươn cao vững chãi, kìa những cánh quạt gió như những cánh chim chấp chới, kìa màu xanh của cây bàng trái vuông, của cây bão táp, phi lao… Có đi biển dài ngày mới hiểu nỗi bồi hồi khi thấy đảo như thấy đất liền. Ba hồi còi tàu rúc lên, đã nhìn thấy áo trắng áo xanh của lính đảo nơi cầu tàu.

 
Đàn gà trên đảo Song Tử Tây

Lên đảo, việc đầu tiên là đứng trước cột mốc chủ quyền chụp hình kỷ niệm, lại còn “tranh nhau” đứng cạnh người lính đang bồng súng nghiêm trang bên cột mốc chủ quyền. Đôi lúc quên mất là anh lính đang làm nhiệm vụ, xúm lại hỏi thăm anh, em, cháu, con tên gì, quê đâu, ra đảo lâu chưa? Vẫn trong tư thế đứng nghiêm, có người trả lời dõng dạc như quân lệnh, cũng có chú lính ngượng ngùng “xin lỗi, con đang làm nhiệm vụ”. Ít phút sau thay ca, chú lính ào vào náo nức trò chuyện với chúng tôi.

Trên đảo Song Tử Tây, phía sau doanh trại có mấy cái chuồng gà, khi được thả ra chúng đập cánh đua nhau gáy ầm ĩ làm lũ vịt đang nằm tránh nắng dưới bóng cây nhao nhao đứng dậy. Hỏi một người lính: sao toàn là gà trống thế hả cháu?

Chú lính trẻ vui vẻ trả lời:

 - Gà mái đi tàu ra đảo bị say sóng chả sống được cô ạ.

- Thật à? Khổ thân bọn gà trống.

Lỡ lời đùa rồi tôi ân hận ngay khi nghe chú lính nửa đùa nửa thật:

- Sao cô chả khổ thân bọn cháu, cả năm có nhìn thấy bóng dáng con gái đâu hả cô?

Nhưng cũng cậu lính ấy tếu táo: không sao cô ạ, bọn gà trống ghê lắm, chúng nó toàn đi “yêu” bọn vịt đấy. Không tin cô chờ tí nữa mà xem.


 Hát cùng lính đảo - Ảnh: Nguyễn Thị Hậu

Thế là mấy cô cháu cười òa vui vẻ.

Để vào được mấy đảo chìm, tàu phải neo đậu xa hơn. Bước lên bờ là bước vào “nhà”, cũng đủ nhà bếp, phòng ngủ, phòng khách. Đứng bên mấy cô ca sĩ trẻ trên ban công đón gió biển, bàn tay anh lính vụng về mà trìu mến đội cho cô gái chiếc mũ hải quân rồi bối rối khi cô kế bên chụp hình lưu niệm. Mắt tôi nhòe đi… Bao giờ bàn tay kia được cài vòng hoa cô dâu lên đầu một người con gái?

Và chúng tôi hát, không phân biệt đâu là lính, đâu là ca sĩ, đâu già, đâu trẻ. Vừa rối rít nhận đồng hương đấy, nhưng khi cất tiếng hát tất cả đều là đồng đội. Có người lính trẻ đứng trong công sự mắt dõi nhìn biển trời mà bàn chân anh vẫn vô tình nhịp theo bài tình ca quen thuộc.

Thời gian trên đảo qua nhanh lắm, chưa kịp ấm bàn tay đã nghe còi bùi ngùi nhắc trở về tàu. Ca nô quay mũi, những bàn tay vẫy. Sẽ còn gặp lại, sẽ còn gặp lại. Lời chào chung cũng là niềm hy vọng của mỗi người.

Đi qua vùng biển Len Đao -Cô Lin - Gạc Ma và vùng biển trên thềm lục địa, mọi con tàu đều tổ chức lễ tưởng niệm những người lính đã hy sinh bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Buổi lễ thiêng liêng không chỉ là nghi thức mà là tình cảm thật sự của những người còn sống dành cho các anh. Khi vòng hoa đỏ và những bông cúc vàng được thả xuống biển xanh, trong mờ ảo khói nhang trầm, các anh như đang hiển hiện quanh đây… Ba hồi còi tàu vang lên: Các anh không bao giờ mất, những người lính đã nằm lại với biển Đông hay ngã xuống nơi biên giới phía Bắc, chừng nào chúng ta còn nhớ đến họ, còn tiếp tục những công việc mà họ đã làm.

Đất nước trọn vẹn một màu xanh. Xanh núi xanh sông xanh rừng xanh biển, bởi trong màu xanh bất tận ấy có màu máu đỏ của biết bao con người…

 TP.HCM 7.5.2012

Nguyễn Thị Hậu

(* Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu)

>> Giúp đỡ để ổn định cuộc sống cho các ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ
>> Bắc Kinh “lấy thịt đè người” trong tranh chấp biển Đông
>> Một ngày trên tàu cảnh sát biển
>> Cùng ngư dân bám biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.