Tranh luận sinh viên 'bá đạo'

13/10/2013 03:15 GMT+7

Việc tìm kiếm từ khóa sinh viên và tên trường trên Google đã dẫn ra nhiều gợi ý 'nhạy cảm' làm dấy lên cuộc tranh luận trong cộng đồng mạng, đặc biệt là giới sinh viên.

Giới sinh viên chế ảnh đăng trên mạng xã hội Facebook thể hiện thất vọng với kết quả mà Google tự động gợi ý

Giới sinh viên chế ảnh đăng trên mạng xã hội Facebook thể hiện thất vọng với kết quả mà Google tự động gợi ý 

Chuyện bắt đầu khi mới đây trên một diễn đàn khá quen thuộc với dân mạng đăng tải câu hỏi “Sinh viên trường nào bá đạo nhất?”. Kèm theo đó là hình ảnh chụp lại khi tìm kiếm trên Google với từ khóa là sinh viên (SV) của 3 trường ĐH.

 

Từ “bá đạo” là ngôn ngữ giới trẻ, khá thông dụng trên cộng đồng mạng. Theo họ, “bá đạo” được hiểu khác nhau trong những ngữ cảnh khác nhau, như: bày tỏ sự ngạc nhiên về những việc làm khác người; có thể dùng để chê một hành động nào đó, hay khen ai đó cực giỏi trong lĩnh vực nào đó...

Theo đó, trên Google hiển thị dòng từ khóa gợi ý như: “Sinh viên thương mại bị đâm”, “Sinh viên thương mại nhảy lầu…; “Sinh viên ngoại thương thất nghiệp”, “Sinh viên ngoại thương chảnh”… Đáng chú ý, những từ khóa gợi ý đối với SV Bách khoa khiến người xem không khỏi bất ngờ như “sinh viên bách khoa rủ nhau vào nhà nghỉ quan hệ rồi quay cảnh nóng”…

Chủ đề này nhanh chóng lan truyền lại trên các mạng xã hội, đặc biệt là Facebook cũng như trên những diễn đàn SV, khiến mọi người xôn xao, bàn tán.

“Không đồng tình với trò đùa này bởi sẽ gây ra nhiều hệ lụy không hay, những suy nghĩ không tốt đối với SV các trường được điểm danh”, Vo Jasson phản đối trên YuMe.

Nhiều người đồng tình với ý kiến trên, bởi khi thắc mắc này được chia sẻ, đã xuất hiện khá nhiều bình luận mỉa mai, châm chọc như: “Vô mà xem nè SV Bách khoa, Thương mại, vinh dự quá cơ”; “Tưởng học trường ấy thế nào, hóa ra thế này”… Thậm chí có cả những câu khích bác, xúc phạm vô văn hóa.

Trong khi đó, những thành viên tự nhận là SV cũng như là cựu SV của các trường ĐH: Bách khoa TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng liên tục phản bác: “Nên xóa câu chuyện này vì sự thật không như thế. Không nên vì một cá thể nào đó mà đánh đồng số đông”, Thành Liêm viết. Hay Văn Trường thì bức xúc: “Tại sao lại bôi bác cả giới SV Bách khoa chỉ vì những từ khóa như vậy?”. Tương tự, nhiều thành viên đã và đang học Trường ĐH Ngoại thương cũng cố gắng bào chữa cho SV trường mình.

Bực tức trước những gán ghép khó nghe, nên có thành viên tìm kiếm với từ khóa là SV các trường khác rồi chụp ảnh và đăng tải để bêu rếu lại cho hả dạ, nào là: “SV Hồng Bàng buôn ma túy”, “SV Lạc Hồng biểu tình”… Cứ thế, những dòng bình luận công kích lẫn nhau ngày càng dài ra với hàng trăm bình luận.

Vui và cảm thấy may mắn có lẽ là SV các trường không gặp phải những từ khóa gợi ý tai tiếng trên Google. Nhiều bình luận tự hào: “Hên thật, SV Hành chính không có gì” hay “Mừng hết lớn khi SV Điện lực không bị tai tiếng”…

Tuy nhiên, có ý kiến phân tích rằng do đã từng có câu chuyện liên quan, được tìm kiếm nhiều và tạo nên những từ khóa gợi ý trên Google. Vì vậy, không nên dựa vào đây để đánh giá về SV các trường.

“Tại sao phải lăn tăn vì những điều nhảm nhí do người rỗi rãi tạo ra rồi bị cuốn vào những tranh cãi, xỉ vả nhau như thế. Kết quả tìm kiếm được, đó chỉ là một vài trường hợp cá biệt. Thực tế không như vậy, bản thân không liên quan thì không nên buồn. Hãy luôn tự hào về ngôi trường mình học”, Văn Toàn, khuyên đồng môn trên diễn đàn SV ĐH Bách khoa TP.HCM.

Theo tìm hiểu, sở dĩ khi tìm kiếm trên Google có những từ khóa được mặc định sẵn, được Google gợi ý là vì đã từng có rất nhiều lượt tìm kiếm và thường xuyên được tìm kiếm. Chính vì thế, việc Google gợi ý hiển thị những cụm từ liên quan đi kèm “sinh viên thương mại”, “sinh viên bách khoa”… như đề cập trên là hoàn toàn tự động.  

* Tưởng là sản phẩm photoshop, ai dè search thử, sự thật là như vậy.(LiBerty/Facebook)

* Xem hình này xong chắc chắn là nhiều người sẽ thử vào Google mà search để xác thực. (Jin Lei/YuMe)

* Là SV Bách khoa, vào xem tự nhiên thấy buồn, mặc dù chẳng phải như vậy. Mọi người làm ơn đừng lấy hình ảnh này ra làm trò cười và xúc phạm người khác nữa. (Gia Bảo/upbuz.com)

* Chỉ là chuyện nhỏ, chuyện vui thôi mà mọi người, sao lại xé bé thành to thế này. Không thể trách người đăng tải hình này được, vì mọi người kiểm chứng cũng sẽ thấy kết quả trên Google là như thế mà. (Jennifer Phạm/YuMe)

* Đúng là rảnh rỗi sinh nông nổi. Không có chuyện gì làm lại tìm hình bôi nhọ SV các trường. Xóa ngay chính là điều cần làm. (Đông Tuấn/Facebook)

Nguyễn Thanh Nam

>> Boss bá đạo
>> Cư dân mạng nhốn nháo vì.... cúp điện
>> Cư dân mạng tranh cãi vụ tạc tượng thủ khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.