Đòn hiểm

27/05/2014 10:37 GMT+7

Ba loại cây đang làm “đau đầu” các nhà quản lý ở một số địa phương miền Trung hiện nay là trâm, trắc và tiêu. Thương lái Trung Quốc đang “càn quét” ba loại cây này như một đòn hiểm, đánh vào lòng tham của người nông dân.

Còn nhớ cách đây không lâu, người dân một số huyện vùng cao của Quảng Ngãi lao vào chặt những cây trâm cổ thụ để bán cho thương lái chở sang Trung Quốc tiêu thụ. Thấy giá có vẻ hấp dẫn, thế là bà con người dân tộc thiểu số tại các huyện này lao vào chặt những cây trâm cổ thụ, có tuổi thọ dễ đến trăm năm. Trâm là loại cây hoang, gỗ tốt, thường mọc ở đầu nguồn các con suối. Cây trâm không chỉ cho bóng mát mà còn là “người bạn” góp phần giữ nguồn nước cho các con suối. Giờ chặt trâm đi là đồng nghĩa với “tát cạn” nguồn nước vậy. Điều đáng nói là, các thương lái người Trung Quốc ồ ạt thu mua nhưng chỉ thời gian đầu, khi thấy “cơ bản xóa xong rừng trâm” thì họ cao chạy xa bay, bỏ lại những thân trâm trơ trụi rồi héo khô theo thời gian.

Gần đây, tại huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai, thương lái người Trung Quốc, kèm theo phiên dịch, cũng đã lùng sục khắp hang cùng ngõ hẻm của huyện miền núi này để mua gốc, rễ tiêu tươi. Đòn hiểm này được che đậy bởi mức giá khá hấp dẫn: 45.000 đồng/kg. Thế là người dân dổ xô vào nhổ tiêu để bán cả gốc lẫn rễ, thậm chí, nhiều chủ vườn tiêu bị mất trộm không phải hạt tiêu mà là gốc tiêu. Chư Sê là vựa tiêu của tỉnh Gia Lai, những năm qua giá cả có thất thường, người trồng tiêu không mấy mặn mà để chăm bón, nay thấy có người mua gốc, thôi thì nhổ quách đi, bán kiếm chút tiền, lấy đất trồng cây khác. Thế nhưng, khi các “đại lý thu mua” gom tiêu đầy sân thì “ông bạn” người Trung Quốc chẳng thấy quay lại nữa. Để có một cây tiêu cho hạt, người trồng nó phải mất 4-5 năm, giờ nhổ đi rồi, lấy gì chi tiêu khi tiêu đã mất?

Tương tự như trâm và tiêu, một tháng qua, người dân vùng Vạn Ninh và Ninh Hòa tỉnh Khánh Hòa lao vào triệt hạ cây trắc dây để bán cho thương lái Trung Quốc. Ngư dân đánh bắt ven bờ của hai địa phương này “chuyển nghề”, từ đánh cá sang khai thác trắc dây tại các đảo hoang. Với giá 10.000 đồng - 12.000 đồng/kg, mỗi ngày một ngư phủ cũng kiếm được 1 tạ gỗ trắc dây, tức 1-1,2 triệu đồng, hơn cả giăng lưới bắt cá. Lực lượng kiểm lâm đã bắt nhiều thuyền chở trắc dây, số lượng hàng chục tấn. Trắc cũng là cây mọc hoang trên các đảo, cũng giống như cây trâm, nó góp phần giữ nước. Phải mất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm mới có được cây trắc cho bóng mát, giờ chỉ cần một nhát rựa là xong! Thế nhưng, khi đã “gom đủ hàng” thì người mua biến mất, trắc dây (bằng cổ tay), giờ làm củi!

Người Trung Quốc họ có cách “chơi” vô cùng thâm hiểm, chúng ta không thể nào lường hết được. Các nhà quản lý “đau đầu” với cách thu mua đậm chất lừa gạt này của các thương lái Trung Quốc nhưng lại được chính người dân của mình “tiếp sức”. Người dân nên nói “không” trước kiểu thu mua các loại cây như vừa rồi, chỉ như thế mới mong loại “đòn hiểm” của các thương lái Trung Quốc ra khỏi đời sống của người nông dân hiện nay.

Hải Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.