Tết Đoan ngọ: Gặp bà Trợ “lá mùng năm”

12/06/2013 13:15 GMT+7

(TNO) Hơn 50 mươi năm qua, bà Nguyễn Thị Trợ vẫn đều đặn trên vai gánh lá đi bán. Người làng quen gọi bà là bà Trợ "lá mùng năm".

(TNO) Hơn 50 mươi năm qua, bà Nguyễn Thị Trợ vẫn đều đặn trên vai gánh lá đi bán. Người làng quen gọi bà là bà Trợ "lá mùng năm".

Cái lưng còng võng theo thời gian, ở tuổi 75, đáng ra bà phải được nghỉ ngơi. Nhưng cuộc đời xui khiến, đến nay bà vẫn một thân một mình.

Gặp bà Trợ tại căn nhà thuộc tổ 15, P.Hòa An, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng (sát chân núi Phước Tường) để lại cho người ta một cảm giác thật khó quên.

Bà Trợ dáng người nhỏ thó, đi dôi dép lào, mặt bộ đồ bà ba bạc màu, tóc phần đỉnh đầu rụng đi gần nửa, bốn chiếc răng cửa trên đã rụng đi từ rất lâu, cái lưng còng làm bà khi bước đi mặt lúc nào cũng phải cúi xuống đất. Nhưng thật lạ, khi tiếp xúc nói chuyện miệng bà luôn nở nụ cười hiền từ.

Bà Trợ “lá mồng 5”
Bà Trợ với cái nghề bán "lá mùng năm" đã tần tảo suốt 50 năm

Bà Trợ kể: “Khi xưa, trong làng Hòa An có nhiều người đi bán lá lắm, nhưng chỉ toàn phụ nữ gánh đi bán thôi (còn đàn ông lo việc đồng áng). Bây giờ phần đông do tuổi đã cao, sức yếu họ không còn đi bán lá nữa. Hơn nữa họ đều đã lên chức nội, ngoại có người lên cố, con cháu đầy đàn, hằng ngày họ được phụng dưỡng, còn như tui đây... một thân một mình".

 

"Lá mùng 5" thường gồm các loại: bàu đường, rễ tranh, cam thảo, diệp hạ châu (cây chó đẻ), hà thủ ô… Khi nấu chung có vị đắng lẫn ngọt, tính mát. Có công dụng rất tốt như: sát trùng, tiêu ứ, thông độc, lợi tiểu, thông huyết điều kinh... điều trị viêm gan siêu vi B, mỡ trong máu, ung nhọt, bệnh chứng ở ngoài da, bệnh về đường tiết niệu, đường ruột. Lưu ý những người thường xuyên bị tiêu chảy cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi dùng (theo lương y Nguyễn Phùng Hưng).

“Cứ dịp đến Tết Đoan ngọ là người ta mua lá uống nhiều lắm. Nhiều bữa gặp hên, có nhà mua hết gánh luôn (trung bình gánh 200 ngàn). Những ngày này đi bán cảm thấy trong lòng vui sướng vì có thêm được nhiều tiền để dành lúc mưa gió sắp đến”, bà Trợ nói.

"Nghề" hái "lá mùng năm" ở làng Hòa An đã có từ lâu đời. Các bậc cao niên ở Hòa An kể lại rằng, ngày trước, làng nằm lọt trong rừng, nên các loại cây thuốc nam quý mọc rất nhiều. Thành ra, người làng Hòa An bên việc đồng án còn có thêm nghề hái lá thuốc. 

Bà Trợ kể: “Có lần đang bứt lá bàu đường không may bị con rắn lục cắn trúng cổ tay phải nằm nhà hơn hai tháng mới đi lại được, tưởng chừng như đã chết đến nơi rồi”.

“Công việc này cũng hay lắm, không bỏ đồng vốn nào hết, chỉ bỏ công sức lên núi Phước Tường gần đó mà bứt về. Nhưng những năm gần đây do đô thị hóa nhanh quá, núi Phước Tường ngày càng nhỏ lại (do việc khai thác đá - PV). Nên các loại lá không còn nhiều như trước. Muốn được nhiều phải đi vào sâu có khi đi từ sáng sớm đi tối mịt mới về, có khi phải lặn lội qua triền núi Sơn Trà lận, vất vả hơn rất nhiều", ông Nguyễn Hữu Phán (bà con với bà Hai Trợ), cũng là dân "bứt lá”, cho hay.

Ngoài bà Hai Trợ ra, trong làng Hòa An vẫn còn có một số gia đình giữ cái nghề “lá mùng năm”. Lá khi nấu xong có màu nâu nhạt, mùi thơm rất dễ chịu và vị ngọt đọng lại trong miệng rất lâu. Từ lâu, đây là thức uống quen thuộc của người dân điah phương.

Bà Trợ “lá mồng 5”
Dự trữ lá để bán vào dịp Tết Đoan ngọ

Bà Trợ “lá mồng 5”
Ông Nguyễn Hữu Phán với kho "lá mùng 5"

Chị Lưu Thị An, trú tại tổ 2 cùng phường với bà Trợ cho biết: "Mấy năm nay tui ngày nào cũng uống nước lá do bà Hai Trợ bán, lúc trước tôi mập lắm, bị nhiễm mỡ trong máu, còn thêm phần cao huyết áp nữa chứ. Vậy mà nhờ uống nước lá của bà thân thể  hiện nay gọn lại, mà huyết áp lại ổn định”.

Chị An nói thêm: "Xưa kia trẻ con bị ung nhọt, mẫn ngứa, rôm sảy làm gì có thuốc tây như bây giờ mà uống đa phần được gia đình nấu nước lá mùng 5 uống vài lần là tự nhiên khỏi".

Bài, ảnh: Nguyễn Minh Hải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.