Đón Tết xứ người: Cựu nữ cầu thủ Việt dẫn dắt đội trẻ nam xứ kangaroo

14/02/2021 11:24 GMT+7

Khi bài viết này được lên khuôn, Phan Thị Anh Đào vẫn đang cặm cụi uốn nắn các cầu thủ bóng đá trẻ của xứ sở kangaroo xa xôi. Cô cũng sắp hoàn thiện chương trình huấn luyện viên chuyên nghiệp (Pro license) - bằng cấp cao nhất trong các bậc huấn luyện viên bóng đá trên thế giới - do Liên đoàn Bóng đá châu Á mở tại Thái Lan, với tư cách là nữ học viên duy nhất của lớp.

3 cái Tết nơi xứ người

Kể từ khi ký hợp đồng huấn luyện cho câu lạc bộ bóng đá Gold Coast Knights SC đang thi đấu hạng National Premier League tại bang Queensland (Úc) tới nay, do đặc thù công việc, Phan Thị Anh Đào đã đón 3 cái Tết Nguyên đán liên tiếp (2018, 2019 và 2020) nơi xứ người. Ở câu lạc bộ, Đào vừa là trợ lý huấn luyện viên ở đội 1 (lứa tuổi U.20, thi đấu giải vô địch tiểu bang - NPL) đồng thời trực tiếp huấn luyện các tuyến trẻ U.16. Nhờ ngoại ngữ tốt (cô từng có thời gian tham gia ban huấn luyện của Học viện Bóng đá Arsenal tại TP.HCM), khả năng thích ứng với môi trường làm việc nên cô đáp ứng được yêu cầu khắt khe của công việc.
Bởi niềm đam mê bóng đá cháy bỏng, phần cũng vì cuộc sống mưu sinh mà cô chấp nhận lặn lội thân gái dặm trường. Vậy nên dẫu bề ngoài cứng cáp lắm, nhưng ít người biết Đào đã phải trải qua những tháng ngày khá cô quạnh, chỉ biết lấy công việc làm niềm vui để quên đi nỗi nhớ nhà da diết.
Tâm sự với tôi, Đào như nghẹn lại khi nói về cái tết nơi xứ người. Cô tự mình lái xe đi hàng trăm cây số để đi “chợ Việt”, mua những đồ ăn cổ truyền Việt Nam, hoặc nguyên liệu về tự làm những món đơn giản. Mùng 1 - 2 tết, ban ngày làm việc, hết giờ cô lại phóng xe một tiếng rưỡi đến chợ Inala của cộng đồng người Việt (thành phố khác cùng tiểu bang) cách đó 120 km, vãn cảnh nơi chùa nhỏ, và hòa mình giữa không khí tết xa quê của kiều bào. Trước đó vào đêm giao thừa, cô một mình chào đón năm mới theo phong tục cổ truyền. Đốt mấy cây nhang, khấn nguyện mong những điều tốt đẹp, rồi gọi về chúc tết. “Gọi Viber về nhà, được nhìn thấy mẹ và mọi người, chỉ nói được vài câu là em lại khóc anh ạ!”, Đào kể.

Huỳnh Như nuôi giấc mơ World Cup và tính chuyện chồng con

Nghị lực của con nhà võ

Sinh năm 1981, có thể xem Phan Thị Anh Đào cũng thuộc “thế hệ vàng” của bóng đá nữ TP.HCM hồi đầu thập niên 2000. Nhưng ít người biết, cô vốn là con nhà nòi về võ thuật, theo học võ tự do cùng bố từ khi mới 6 tuổi, từng tham gia thi đấu giải câu lạc bộ mạnh của TP.HCM tới năm 15 tuổi (trước khi chuyển sang bóng đá) rồi có hẳn tấm bằng đại học chuyên sâu môn taekwondo.
Anh Đào là con thứ 4 trong gia đình có 6 anh em, ngụ phường Tân Quy, quận 7, TP.HCM. Thuở nhỏ, ngoài luyện tập võ thuật, Anh Đào còn thích chơi bóng đá phủi và cũng là vận động viên năng khiếu ở môn điền kinh. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô còn có thời gian công tác trong vai trò trưởng bộ môn điền kinh của quận 7 tới năm 2004.
Khi 15 tuổi, tình cờ Anh Đào được cô Nguyễn Thị Linh Phương, huấn luyện viên điền kinh của TP.HCM, khuyến khích ứng tuyển vào câu lạc bộ bóng đá nữ tại Tao Đàn, rồi được nhận. Thế là Anh Đào được góp mặt tập luyện cùng nhóm các vận động viên trẻ của TP.HCM sau lứa những đàn chị như Kim Hồng, Ngọc Mai, Mỹ Oanh, Kim Phụng... rồi chỉ một thời gian ngắn sau đã được đôn lên thi đấu cùng tuyến 1. Ở đội bóng đá nữ thành phố, người thân thiết nhất với Đào là Đoàn Thị Kim Chi (hiện là huấn luyện viên đội tuyển TP.HCM). “Chị Chi chỉ bảo, động viên em rất nhiều. Mẹ chị Chi cũng là mẹ nuôi của em. Năm đầu tiên em theo học đại học, chính chị Chi đã hỗ trợ em đóng học phí. Không có ngày đó, thì chắc chắn không có em của hôm nay, chưa bao giờ em quên công ơn đó!”, Đào kể.
Được biết, để có thể theo hết chương trình Đại học Thể dục thể thao, Anh Đào đã phải cần mẫn làm thêm nhiều công việc khác nhau như dạy võ ở Tân Bình, lượm banh tennis ở Tao Đàn mỗi cuối tuần...

Mong góp sức cho bóng đá Việt Nam

Lần lượt trải qua các khóa học huấn luyện viên bằng C, B, A để đủ điều kiện đăng ký chức danh huấn luyện viên trưởng các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp nam ở Việt Nam, từ tháng 1.2019, Phan Thị Anh Đào tiếp tục dự lớp huấn luyện viên bóng đá chuyên nghiệp (AFC Professional Diploma Certificate Course). Cô là nữ học viên duy nhất, bên cạnh các bạn học là huấn luyện viên bóng đá chuyên nghiệp tại các nền bóng đá của châu lục.
Bản hợp đồng với câu lạc bộ Gold Coast Knights chưa đáo hạn (hết năm 2020), cô giáo trẻ đã nhận được lời mời của 3 câu lạc bộ khác cũng ở nước bạn. Nhưng với Anh Đào, cô đang mong muốn có thể sớm trở về, đem những vốn liếng kinh nghiệm sau thời gian học hỏi và làm việc ở nước ngoài góp sức cho bóng đá Việt Nam. “Em rất muốn đầu quân cho Liên đoàn Bóng đá Việt Nam”, Đào bày tỏ, dù cô biết chắc một điều: nếu được tiếp nhận, thu nhập tại VFF sẽ thấp hơn rất nhiều so với mức lương lên tới 53.000 USD/năm mà cô được hưởng khi chấp nhận cuộc sống tha hương...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.