Quản lý nuôi chim yến: Doanh nghiệp lo sốt vó, dự thảo còn chung chung

21/05/2013 20:42 GMT+7

(TNO) Dịch cúm H5N1 trên chim yến đã khiến giá yến sào tụt dốc. Các doanh nghiệp nuôi yến và kinh doanh yến sào lo sốt vó khi vừa tìm cách phòng chống dịch vừa tìm kiếm thị trường.

>> Phòng chống dịch cúm H5N1 trên chim yến
>> Công bố ổ dịch cúm H5N1
>> Siết "đường lây" cúm A/H5N1 vào TP.HCM
>> Phòng cúm A/H5N1 lây lan từ chim yến: Không ai làm như ta là diệt tất tần tật!

Trong khi đó, một thông tư quy định về quản lý hoạt động nuôi chim yến đang được Bộ NN-PTNT lấy ý kiến đến lần thứ bảy nhưng chưa được áp dụng.

Làm tốt có thể thu gần 1 tỉ USD/năm

Bộ NN-PTNT cho hay nghề nuôi chim yến phát triển trên thế giới hàng trăm năm nay nhưng có mặt và rộ lên ở Việt Nam vào năm 2007.

Hiện ở Việt Nam có khoảng 18 tỉnh, thành nuôi chim yến, chủ yếu từ Huế đổ vào Nam. Cả nước hiện có khoảng 700 cơ sở nuôi chim yến với khoảng 1.700 nhà nuôi, dẫn dụ chim yến.

Cũng theo Bộ NN-PTNT, hiện Malaysia là nước nuôi nhiều chim yến nhất với sản lượng năm 2011 hơn 100 tấn yến sào/năm. Tiếp đến là Indonesia, Thái Lan; với khoảng 60-70 tấn/năm. Việt Nam khiêm tốn hơn, sản lượng vào khoảng 10 tấn/năm…

Nuôi chim yến đem lại nhiều lợi nhuận nhưng việc quản lý còn nhiều bất cập - Ảnh: Trung Hiếu
Nuôi chim yến đem lại nhiều lợi nhuận nhưng việc quản lý còn nhiều bất cập - Ảnh: Trung Hiếu

Bà Đặng Phạm Minh Loan, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Yến Việt, cho biết cùng với Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam là một trong bốn quốc gia sản xuất yến lớn nhất thế giới. Dự báo trong tương lai bốn nước này có thể đạt doanh thu 6-7 tỉ USD/năm từ mặt hàng yến sào.

“Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Việt Nam phù hợp cho việc nuôi yến. Nếu mình làm tốt, một năm tăng trưởng 30%, tương lai có thể chiếm 20-30% trong tổng doanh thu 6-7 tỉ USD đó. Khi đó, doanh số nuôi yến của Việt Nam có thể đạt 1 tỉ USD/năm”, bà Yến nói.

Tuy nhiên, sau khi xảy ra sự cố dịch cúm H5N1 trên chim yến mới đây ở Ninh Thuận, rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh yến sào gặp khó khăn do người mua e ngại dịch bệnh mà hạn chế mua.

Bà Đặng Phạm Minh Loan cho hay sau dịch H5N1, doanh số bán hàng của Yến Việt giảm tới 50% và dự báo tiếp tục giảm.

Ông Nguyễn Xuân Hòa, Giám đốc Công ty yến sào Tiến Vua, cho hay thông tin về dịch đã khiến giá bán yến sào của công ty giảm 20-30% so với trước.

Thậm chí, các dự án mở rộng nhà nuôi của yến sào Tiến Vua tại Khánh Hòa, Bạc Liêu… thậm chí, dự án đầu tư nuôi yến ở Philippines của công ty này cũng buộc phải dừng lại do thị trường tiến triển không tốt.

Lúng túng trong quản lý

Tại buổi lấy ý kiến dự thảo thông tư quản lý chim yến tổ chức ngày 21.5 ở TP.HCM, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám thừa nhận trong mấy năm gần đây, nghề nuôi chim yến phát triển rất nhanh và đem lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, người nuôi.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có quy định pháp luật hướng dẫn kiểm soát chất lượng trong việc nuôi yến khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực này.

“Ổ dịch H5N1 ở yến như vừa qua ở Ninh Thuận cơ bản đã được dập tắt nhưng đã gây thiệt hại lớn cho người nuôi lẫn doanh nghiệp. Do đó, cần phải có văn bản pháp lý để quản lý nghề nuôi yến”, ông Tám nhấn mạnh.

Ông Tám cho biết thêm sau lần lấy ý kiến này, Bộ NN-PTNT sẽ ban hành thông tư tạm thời trong việc quản lý nuôi yến. Sau đó, Bộ sẽ tiếp tục lấy ý kiến cơ quan chức năng và doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện thông tư.

Tuy dự thảo đã qua bảy lần lấy ý kiến nhưng theo ông Phạm Văn Thê - một người nuôi chim yến ở Long An - những nội dung của dự thảo còn quá chung chung và rất khó để người nuôi áp dụng cho hiệu quả.

Đại diện Sở NN-PTNT Khánh Hòa cũng đồng tình với những ý kiến cho rằng những điều khoản của dự thảo còn quá đơn giản, chưa sát với thực tế. Tuy nhiên, vị này thừa nhận so với các loại gia súc, gia cầm khác, chim yến sống chủ yếu ở trên trời nên rất khó để đưa ra một dự thảo quản lý phù hợp.

Bà Đặng Phạm Minh Loan cho hay do chưa có thông tư chi tiết nên hiện quy trình kiểm soát chất lượng nuôi yến đều do doanh nghiệp tự làm. Bản thân Yến Việt phải thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn chất lượng cho mình với chi phí rất cao.

“Dự thảo quy định một tuần phải vệ sinh nhà yến một lần là chưa hợp lý. Vệ sinh nhiều hay ít phụ thuộc quy mô nhà yến và số lượng chim yến. Thậm chí, có nhà ngày nào cũng phải làm vệ sinh”, bà Loan nói.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), là người từng chấp bút dự thảo, cho biết chưa có dự thảo nào khó khăn trong việc xây dựng và gây nhiều tranh luận như dự thảo quản lý chim yến.

Về ý kiến tranh luận có nên nuôi chim yến trong đô thị hay không, ông Sơn nói: “Yến là loại chim thích ánh sáng và những nơi náo nhiệt nên việc nuôi tại đô thị cũng cần được tính đến. Không nên cấm hẳn mà mỗi thành phố có thể quy hoạch khu vực nào được nuôi, khu vực nào không. Thực tế, các nước như Malaysia, Indonesia vẫn cho phép nuôi trong thành phố”.

Ông Sơn cho hay có thể lấy “bài học, kinh nghiệm phòng chống dịch ở Ninh Thuận như vừa qua để áp dụng cho phòng chống dịch trên yến sau này”, chứ không cần mỗi lần xảy ra dịch phải đợi thông tư, hướng dẫn từ Cục Thú y.

Làm như thế, rất mất thời gian!

Trung Hiếu

>> Công bố hết dịch cúm H5N1 trên chim yến
>> Quy hoạch vùng nuôi chim yến tại TP.HCM
>> Nuôi chim yến trong nhà
>> Nhiều hộ nuôi chim yến trái phép ở Cần Giờ
>> Nuôi chim yến: kẻ cười, người... mếu
>> Bạc Liêu quy hoạch khu vực nuôi chim yến
>> Nguồn lợi mới: Nuôi chim yến trong nhà
>> Cấp đất cho một Việt kiều đầu tư nuôi chim yến trong nhà
>> Thành công mới của nghề nuôi chim yến trong nhà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.