Một vụ kiện, 5 bản án

10/12/2007 00:03 GMT+7

Một vụ kiện dân sự đòi nợ 140 triệu đồng trải qua nhiều phiên xử với 2 bản án sơ thẩm, 2 án phúc thẩm và một quyết định giám đốc thẩm, thế nhưng vẫn chưa kết thúc...

Khi người nhận tiền bỏ trốn

Theo đơn khởi kiện của bà Nguyễn Ngọc Gái, ngụ ấp Vàm Kinh, xã Bình An, huyện Thủ Thừa, Long An, thì năm 2004 bà có quen vợ chồng Lê Văn Đầy - Võ Thị Non (ngụ ấp 3, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa) thông qua việc mua bán gạo. Từ mối quan hệ này, vợ chồng ông Đầy có vay tiền của bà nhiều lần.

Ngày 10.1.2005, bà Non hỏi vay bà Gái 100 triệu đồng và đưa ra một giấy biên nhận đánh máy sẵn, có chữ ký tên người nhận tiền là Phạm Hiền Từ. Trên tờ giấy đó, bà Non chỉ ghi thêm ngày tháng, số tiền 100 triệu đồng bằng số và bằng chữ, đồng thời ghi thêm tên của chồng là Lê Văn Đầy vì cho rằng tên của ông Đầy "hên"! Mười ngày sau, bà Non lại điện thoại cho bà Gái, hỏi vay thêm 40 triệu đồng và cho biết vì bận coi công làm lúa nên không tới được nên nhờ ông Phạm Hiền Từ tới nhận giùm. Khi nhận tiền, ông Từ ghi ở phía mặt sau của tờ biên nhận trước đó là "có nhận thêm 40 triệu đồng".

Đến hạn vẫn chưa thấy bà Non trả tiền, bà Gái tới nhà đòi thì được biết ông Phạm Hiền Từ, vì nợ nần quá nhiều nên đã bỏ đi khỏi địa phương. Bà Non khuyên ráng đợi thêm một thời gian nhưng bà Gái nộp đơn khởi kiện, yêu cầu vợ chồng bà Non phải có trách nhiệm trả cho bà số nợ trên. Bà Non không đồng ý trả tiền, vì cho rằng mình không vay tiền của bà Gái, mà chỉ là người làm trung gian giới thiệu và chứng kiến việc ông Phạm Hiền Từ vay tiền của bà Gái. Nhưng ông Từ thì đã đi đâu mất, không đối chứng được.

Mỗi tòa xử một kiểu

Ngày 7.6.2005, TAND huyện Thủ Thừa đưa vụ kiện ra xét xử sơ thẩm lần đầu tiên và bác yêu cầu đòi nợ của bà Gái đối với vợ chồng ông Lê Văn Đầy và bà Võ Thị Non, đồng thời tuyên bà Gái phải nộp 6,6 triệu đồng tiền án phí.

Cho rằng mình bị xử ép, bà Gái nộp đơn kháng cáo. Ngày 15.8.2005, TAND tỉnh Long An đưa vụ kiện ra xét xử phúc thẩm và chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Gái, quyết định cải sửa toàn bộ án sơ thẩm. Theo đó, buộc ông Lê Văn Đầy và bà Võ Thị Non phải có trách nhiệm trả cho bà Gái số tiền 140 triệu đồng...

Thế nhưng, hơn một năm sau, ngày 15.9.2006, Viện trưởng Viện KSND tối cao có quyết định kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm ngày 15.8.2005 của TAND tỉnh Long An, với nhận định: "Căn cứ vào nội dung tờ giấy biên nhận do bà Gái xuất trình thì ông Phạm Hiền Từ là người đã vay của bà Gái 140 triệu đồng chứ không phải vợ chồng bà Non vay. Tòa cấp phúc thẩm buộc vợ chồng bà Non phải trả số tiền trên là không đúng".

Ngày 3.1.2007, Tòa dân sự TAND tối cao đưa vụ kiện ra xét xử giám đốc thẩm và nhận định: "Bà Gái khởi kiện yêu cầu tòa buộc vợ chồng bà Non trả 140 triệu đồng và lãi suất theo quy định của pháp luật. Nhưng để chứng minh cho yêu cầu của mình, bà Gái chỉ xuất trình tờ "biên nhận", ngoài ra không xuất trình được chứng cứ nào khác thể hiện việc vợ chồng bà Non vay tiền của bà".

Ngoài ra, "xét tờ biên nhận thấy rằng người ký nhận tiền trong 2 lần vay là ông Phạm Hiền Từ. Như vậy, theo chứng cứ của nguyên đơn xuất trình thì người ký nhận tiền là ông Từ chứ không phải vợ chồng bà Non và ông Đầy. Mặt khác, trong quá trình giải quyết vụ án, lời khai của các đương sự không thống nhất nhau, nhưng tòa cấp phúc thẩm đã không thu thập thêm chứng cứ, cũng không đối chất để xác định ai là người trực tiếp nhận tiền từ bà Gái? Tại sao bà Non lại ghi tên chồng của mình (Lê Văn Đầy) lên tờ biên nhận và quan hệ giữa ông Phạm Hiền Từ với vợ chồng bà Non như thế nào?" - với lý lẽ trên, Tòa dân sự TAND tối cao đã ra quyết định giám đốc thẩm chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao, tuyên hủy bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Long An và án sơ thẩm của TAND huyện Thủ Thừa, đồng thời giao hồ sơ vụ án về TAND huyện Thủ Thừa xét xử lại theo trình tự sơ thẩm.

Sau khi tổ chức hòa giải không thành, ngày 11.7.2007, TAND huyện Thủ Thừa lại đưa vụ kiện ra xét xử theo trình tự sơ thẩm. Tại phiên xử lần này, tòa còn triệu tập bà Nguyễn Thị Tiếp (vợ ông Phạm Hiền Từ) nhưng bà Tiếp nói hoàn toàn không biết gì về chuyện làm ăn của chồng. Tuy vậy, lần này tòa sơ thẩm lại tuyên phần thắng thuộc về bà Gái, buộc vợ chồng ông Đầy, bà Non cùng với ông Phạm Hiền Từ và bà Nguyễn Thị Tiếp liên đới chịu trách nhiệm trả cho bà Gái số tiền cả gốc và lãi là 183,7 triệu đồng.

Vụ kiện vẫn chưa kết thúc, tại bản án phúc thẩm (lần thứ 2) ngày 19.9.2007, TAND tỉnh Long An lại quyết định hoàn toàn ngược lại. Tòa chấp nhận yêu cầu kháng cáo của vợ chồng ông Đầy, cải sửa bản án dân sự sơ thẩm (xử lần 2) của TAND huyện Thủ Thừa và bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện đòi nợ của bà Gái đối với vợ chồng ông Đầy và bà Non. Thế là bà Gái tiếp tục nộp đơn xin kháng nghị giám đốc thẩm bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Long An.

Thi hành án "chết dở"

Trên thực tế, sau khi bản án phúc thẩm lần đầu tiên của TAND tỉnh Long An (ngày 15.8.2005) có hiệu lực, Cơ quan Thi hành án huyện Thủ Thừa đã làm thủ tục thi hành án và ông Nguyễn Khắc Lộc (ngụ Q.6, TP.HCM) đã đấu giá thành công việc mua 6.000m2 đất ruộng thuộc quyền sử dụng của vợ chồng ông Lê Văn Đầy tại xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa. Ngày 14.9.2006, Cơ quan Thi hành án huyện Thủ Thừa phối hợp cùng với các đơn vị liên quan và đại diện chính quyền địa phương đã tổ chức lực lượng cưỡng chế và giao tài sản đấu giá thành cho ông Lộc. Riêng phía bà Gái cũng đã nhận đủ tiền từ việc cưỡng chế thi hành án.

Nhưng rồi kết quả đó đã không còn giá trị, vì ngày 3.1.2007, Tòa dân sự TAND tối cao đã ra quyết định giám đốc thẩm, tuyên hủy cả 2 bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Long An và án sơ thẩm của TAND huyện Thủ Thừa như đã nói trên. Do vậy, việc ông Lộc mua đấu giá thành công 6.000m2 đất ruộng thuộc sở hữu của vợ chồng ông Đầy, mặc dù đã được Cơ quan Thi hành án huyện Thủ Thừa làm các thủ tục giao đất và ông Lộc cũng đã trả tiền, nhưng không còn giá trị pháp lý!

 Thế là, rắc rối nhỏ đã đẻ thêm rắc rối lớn.                    

H.PH

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.