Biến dạng di tích - Kỳ 6: Vàng giả phủ lên vàng thiệt

14/09/2013 11:00 GMT+7

Đó là thực trạng của đình Long Trung nằm cạnh ngã ba rạch Trà Tân và rạch Ông Bảo thuộc ấp 17, xã Long Trung, H.Cai Lậy, Tiền Giang, do dân làng Mỹ Đông Trung lập vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19.

>> Biến dạng di tích - Kỳ 5: Còn đâu chiến lũy Pháo Đài xưa
>> Biến dạng di tích - Kỳ 4: Chùa Vĩnh Tràng mất dần nét xưa
>> Biến dạng di tích - Kỳ 3: Trùng tu tiền tỉ, cửa vẫn tạm bợ
>> Biến dạng di tích - Kỳ 2: Cắt khúc lăng Hoàng Gia
>> Biến dạng di tích - Kỳ 1: Cổ tự thành tân tự

 Biến dạng di tích - Kỳ 6: Vàng giả phủ lên vàng thiệt
Cổng đình ngày nay được kiến trúc theo kiểu mới: cổng tam quan, mái cong - Ảnh: H.P

Mỹ Đông Trung đình xưa

Theo tài liệu còn lưu giữ ở địa phương thì ban đầu chỉ là ngôi đình gỗ lá đơn sơ, gọi là Mỹ Đông Trung đình. Đến năm 1932, khi hai làng Hưng Long và Mỹ Đông Trung sáp nhập lại với tên gọi mới Long Trung, từ đó đình cũng lấy tên theo.

Thời Pháp thuộc, đình Mỹ Đông Trung được trùng tu nhiều lần. Căn cứ dòng lạc khoản ghi trên 2 bức hoành xưa còn giữ lại được thì có lẽ năm Đinh Dậu (1897) là đợt trùng tu quy mô nhất. Các cụ cao niên kể lại rằng bấy giờ có một nhà nho đến làng Mỹ Đông Trung mở trường dạy học và kêu gọi dân trong vùng góp công, góp của xây dựng lại ngôi đình. Sau đó, nhiều nhà hảo tâm và phú hộ tiếp tục hiến cúng các tác phẩm nghệ thuật như hoành phi, câu đối... Các bức chạm xưa hầu hết do ông thợ Sửu - một nghệ nhân nổi tiếng trong vùng thực hiện.

Qua hàng trăm năm tồn tại, ngôi đình được xem là đẹp nhất vùng. Đình Long Trung được xây dựng theo mô hình nhà rường kiểu Huế gồm 3 dãy: chánh điện, võ ca và nhà hậu với diện tích hơn 500 m2, bằng các loại gỗ quý. Kèo, xiên, trính được chạm trổ và kết cấu bằng hệ thống mộng, chốt rất tinh vi, chắc chắn. Nền đình lót gạch tàu, mái lợp ngói âm dương. Nóc đình trang trí lưỡng long tranh châu, lân, cá hóa long... đều là những tác phẩm của lò gốm Cây Mai vào đầu thế kỷ 20.

Chánh tẩm được xây dựng theo kiểu 3 gian 2 chái, cột gỗ tròn có đường kính hơn 3 tấc, kê trên các tảng đá vuông, các đôi long trụ có gắn liễn đối chạm rời, ốp vào. Đây là khu vực tập trung nhiều tác phẩm mỹ thuật được tạo hình rất sinh động. Khu vực võ ca là nơi tổ chức xây chầu hát xướng trong dịp lễ Kỳ Yên nên có diện tích lớn hơn. Ông Võ Thanh Hùng, Phó ban Quản lý đình, cho biết hồi xưa hai bên sân khấu võ ca có thiết kế các bậc gỗ dành cho khán giả ngồi xem hát. Nhưng đến những năm 1980, do không ai quản lý và được trưng dụng làm kho phân bón nên bị người ta cắt lấy gỗ. Một số bài vị tiền hiền, hậu hiền sơn son thếp vàng cũng bị mất. 4 tượng gỗ bố trí ở 4 góc cột chánh điện cũng bị chẻ làm củi chụm, còn gạch nền mục hết, mái ngói dột nhiều chỗ. Rất may những bức hoành treo ở võ ca trước chánh tẩm do cao quá nên không bị phá.

Ngày xưa đường thủy thuận tiện hơn nên cổng chính của ngôi đình được xây hướng ra phía ngã ba sông. Mỗi dịp Kỳ Yên dân làng đóng bè thủy lục rước sắc thần. Năm 1936 ông Hồ Đắc Thăng cúng tiền xây dựng cổng đình theo mô típ trụ biểu như đình miền Bắc, không có mái gác ngang, đồng thời ông nhờ cụ Đặng Thúc Liêng viết câu đối hai bên cổng. Đến sau năm 1975, cổng này vẫn còn.

Trùng tu không đúng nguyên bản

Năm 1999, đình Long Trung được Bộ VH-TT-DL xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và sau đó không lâu thì đình được trùng tu. Ngoài việc sơn phết lại nội thất, kiến trúc ngôi đình được giữ nguyên, chỉ lót lại gạch mới và thay mái ngói, nhất là giữ lại bộ giàn trò ở chánh điện và võ ca. Riêng cổng đình thì được sửa lại quay ra hướng chợ Ba Dừa để thuận đường bộ, vì vậy mặt tiền ngôi đình xưa được bít ngang làm hàng rào. Nhưng cái cổng cũ không được di dời hay phục chế lại mà xây mới theo lối kiến trúc thường thấy ở các công trình được trùng tu gần đây: cổng tam quan, mái cong.

Sau mười năm trùng tu, sửa chữa, các tác phẩm mỹ thuật đình Long Trung hiện thời đã xuống cấp thê thảm. Ông Võ Thanh Hùng bức xúc: “Các bộ biển liễn, hoành phi, câu đối xưa rực rỡ lắm, còn bây giờ vàng không ra vàng, trắng không ra trắng. Các bức chạm con nạ gắn trên đầu cột hay bộ long, lân, quy, phụng trên bộ long trụ cũng bị sơn lại nay xỉn màu hết. Hai cây cột phía trong chánh tẩm xưa được sơn then (chất liệu chế từ nhựa cây sơn) rất bóng, khi trưng bày bông hoa, trái cây sẽ tương phản, làm nổi bật bàn thờ thần. Khi trùng tu đáng lẽ giữ nguyên và chỉ cần chùi rửa lại, họ sơn màu đen tối thui, mất hết giá trị. Toàn bộ các tác phẩm thếp vàng xưa thì bị lấy vàng giả (nhũ vàng) phủ lên vàng thiệt”.

Khi được hỏi vì sao lúc thi công hội đình không có ý kiến, ông Hùng bảo: “Họ đâu có cho mình tham gia. Không được giám sát, không góp ý gì hết. Làm xong thì họ bàn giao cho tỉnh, huyện, người trong hội cũng không được chứng kiến buổi bàn giao”. Hiện nay mái đình đã xuất hiện vài chỗ dột, bên trong có 3 khánh thờ và bàn hội đồng bằng gỗ đã mục. Còn bức hoành phi đẹp nhất khắc bốn chữ Mỹ Đông Trung đình lại rớt mất chữ “đình”.

Cách đây không lâu, Bộ VH-TT-DL có cử cán bộ vào xem xét tính toán việc trùng tu tiếp như thay lại ngói, táng đá… và gợi ý thay cửa chánh tẩm. Nhưng hội đình không đồng ý vì cửa còn tốt, trám cửa chạm tùng, cúc, trúc, mai, bao lam trên cửa chạm phụng còn y nguyên, nếu gỡ xuống sẽ hư. “Đình xưa có hai lớp cửa, gài song hồng, nhưng sau khi trùng tu đã tháo bỏ lớp phía trong. Nay sợ mấy ổng thay bằng cửa sắt thì hỏng hết. Còn các tấm táng cột đình xưa bằng đá, khi trùng tu lại thay bằng táng xi măng. Số táng cũ thì chôn vùi xuống nền, số còn lại tứ tán đâu hết, giờ lại muốn thay bằng táng đá, không thể hiểu nổi”, ông Đình lắc đầu nói.

Thời Pháp thuộc, trước làn sóng văn hóa Tây phương tràn vào, nhiều địa phương với mục đích bảo tồn văn hóa dân tộc đã trùng tu nhiều ngôi đình quy mô đồ sộ, ngày nay xứng tầm là di tích cấp quốc gia như đình Long Trung. Thế nhưng, sau khi được xếp hạng, trùng tu, di tích mau xuống cấp và không còn giữ lại được nét đẹp thuở xưa. 

Ngọc Phan - Hoàng Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.