Mười lăm năm Vườn Hồng

16/12/2005 10:21 GMT+7

Năm 1990, tại tòa soạn báo Thanh Niên trên đường Trần Hưng Đạo B - quận 5, Tổng biên tập Nguyễn Công Khế hỏi tôi: “Anh có nghĩ ra trang mục nào cho các độc giả trẻ không?”. Từ câu hỏi đó, mục Vườn Hồng ra đời.

1. Không phải chỉ tuổi trẻ mới biết yêu, tuổi 40 - 50 con người ta vẫn tiếp tục yêu, có khi yêu còn dữ dội hơn lớp trẻ. Nhưng xét về nhiều mặt, biểu hiện của tình yêu, thao thức về tình yêu, thắc mắc về tình yêu vẫn tập trung nhiều nhất  ở các chàng trai cô gái. Vì vậy mà mục Vườn Hồng được đặt trên tờ báo có tên Thanh Niên, là một xác lập không sai trật vô đâu được.

2. Trước đó, tôi đã cộng tác với Thanh Niên khi tòa soạn báo còn ở đậu ở trụ sở Hội Liên hiệp Thanh niên trên đường Pasteur những ngày đầu. Tòa soạn những năm tháng đó còn rất đơn sơ, nhưng không khí làm việc lại hết sức sôi động và thân tình, một không khí vẫn còn được giữ mãi đến hôm nay, như một đặc trưng của một tờ báo trẻ dành cho tuổi trẻ.

Rồi tòa soạn Thanh Niên dời qua đường Nguyễn Thành Ý, sau đó chuyển về đường Trần Hưng Đạo B, để cuối cùng trụ lại ở 248 Cống Quỳnh hiện nay, như bạn đọc đã biết. Trong những năm tháng la cà theo báo Thanh Niên ở khắp các địa điểm, tôi đã cộng tác khá nhiều mảng: viết bài, phụ trách mục tiểu phẩm, trông coi trang sáng tác, chọn thơ - truyện, và cuối cùng là chăm sóc mục Vườn Hồng suốt mười lăm năm nay, cho đến tận giờ này.

3. Trong quá trình phát triển, báo Thanh Niên đã có rất nhiều thay đổi, rất nhiều cải tiến từ nội dung đến hình thức. Tờ báo đã trưởng thành rất nhanh cả quy mô lẫn uy tín, trong quốc nội cũng như quốc ngoại, từ  tác nghiệp chuyên môn đến các hoạt động xã hội.

Nhưng mục Vườn Hồng hầu như chẳng mấy phụ thuộc vào các biến thiên. Có lẽ vì tình yêu muôn thuở vẫn luôn là lãnh vực không có nhiều thay đổi hoặc không có nhu cầu thay đổi. Hơn nữa, thay đổi một cách cảm bao giờ cũng chậm hơn rất nhiều so với việc thay đổi một cách nghĩ. Và hẳn cái ghen của tình yêu thời hiện đại có lẽ cũng không khác mấy cái ghen hồi xửa hồi xưa của Hoạn Thư bên ta hay Othello bên Tây.

4. Những Romeo và Juliet thời nay chắc hẳn có thể tìm thấy nhiều điểm tương đồng với Romeo và Juliet thời xưa, nhưng giữa cách yêu của người trẻ và lối yêu của người già trong cùng một thời đại e rằng có lắm chỗ khác nhau. Mười lăm năm Vườn Hồng đã giúp tôi nhận ra điều đó.

Tuổi trẻ có cách yêu của tuổi trẻ. Người già có cách yêu của người già. Người già, tạm gọi như vậy - để chỉ những người không còn trẻ - cũng thỉnh thoảng ghé thăm Vườn Hồng, cất giọng khàn khàn hỏi “Người vợ nấu ăn dở có làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình?”. Người trẻ chỉ băn khoăn “Mới quen nhau có một tháng, anh ấy rủ em vô quán ăn, em có nên đi không?”. Như vậy, nói đến chuyện ăn uống, tuổi trẻ quan tâm “ăn ở đâu”, người già thì lại nghĩ “ăn thứ gì”.

Người trẻ háo hức “làm sao để yêu một ai đó”, người già lại thận trọng “làm sao để đừng yêu một ai đó”. Anh Bồ Câu đứng giữa, giang cả hai tay (xin lỗi, hai cánh) ra như tấm biển chỉ đường: Em trai đi lối này. Bà chị đi lối kia. Còn ông bạn thì đi lối nọ.

5. Đó là nói vui. Thực ra, ngay từ khi mục Vườn Hồng xuất hiện trên báo Thanh Niên, Anh Bồ Câu chưa bao giờ có ý định sẽ thay cho tấm biển chỉ đường trong tình cảm, bởi những nỗ lực theo hướng này là hoàn toàn bất khả. Anh Bồ Câu chỉ muốn được là “đối tác” trong cuộc trò chuyện tay đôi. Để rồi sau cuộc chuyện trò đó, bạn đọc sẽ tự chọn lấy lối đi cho mình. Từ nhiều cách, Anh Bồ Câu cố gắng đề cập đến khía cạnh then chốt của vấn đề, bằng giọng thân ái khi có thể được, có lúc bằng những lời khôi hài thậm chí giễu cợt, qua đó hy vọng bạn đọc có thể nhận ra thái độ của Anh Bồ câu, cũng như những lời khuyên “ẩn” sau những lời bình nhiều khi “trớt quớt”.

Nói cho cùng, tình yêu là một khái niệm xưa cũ, và kinh nghiệm về tình yêu là một trong những kinh nghiệm lâu đời nhất của loài người. Nhưng đó lại là kinh nghiệm khó học tập nhất. Trong pho lịch sử tình ái dày cộm của nhân loại, có hàng vạn tấn bi kịch và hàng triệu vết xe đổ, nhưng trong hầu hết mọi trường hợp, thế kỷ sau vẫn thường lơ đễnh lặp lại những bi kịch của thế kỷ trước, và những cặp tình nhân hậu duệ chẳng rõ vì lý do gì  vẫn cứ đâm bổ vào vết đổ của tiền nhân.

6. “Chẳng rõ lý do” thực ra chỉ lại cũng chỉ là một cách nói. Những vấn nạn của tình yêu nằm ngay trong bản chất của nó. Đối với một trái tim cụ thể, tình yêu luôn mới lạ, bí ẩn và đầy thách thức, bất chấp lịch sử đã được ghi chép và rao giảng cả ngàn năm nay. Người ta không thể kiến giải tình yêu bằng lịch sử. Bởi vì trên thực tế, lịch sử tình ái của nhân loại chưa bao giờ là một thứ sách giáo khoa. Về phương diện cảm hứng, nó gần với chuyện cổ tích của Andersen hơn. Nếu việc chiêm nghiệm những cuộc tình của người khác có thể giúp hành trình yêu đương của mình ít vấp váp hơn, tình yêu lúc đó sẽ không còn là chính nó, mà đã trở thành một ngành khoa học.

May mắn thay, nếu tình yêu có được chiếc chìa khóa vạn năng có thể sản xuất hàng loạt và bán đầy ở các cửa hàng, thì những nhà thơ và những chàng nhạc sĩ lang thang sẽ không còn cơ hội để cất  lên những bản tình ca buồn bã và bất tử, và mục Vườn Hồng cũng sẽ không còn lý do để chiếm một góc báo Thanh Niên vào mỗi ngày chủ nhật như hiện nay.

7. Chính vì kinh nghiệm về tình yêu gần như là thứ kinh nghiệm không thể truyền đạt, Anh Bồ Câu đã chọn cho mình cách thức để trở thành cần thiết cho bạn đọc như một chỗ dựa tinh thần hơn là nơi mà những đôi tình nhân định kiếm tìm những giải pháp về mặt kỹ thuật, trong khi thực ra họ cũng có thể tự trang bị cho mình một cách đầy đủ không kém.

Như vậy, bạn đọc đến với mục Vườn Hồng rõ ràng là vì cần một người bạn, một người biết kiên nhẫn lắng nghe và sẵn sàng chia sẻ, một người mà sự chân thành có thể khiến họ tin cậy và sự khôi hài giúp họ tự tin, để nhận ra cuộc đời này vẫn đáng yêu hơn họ nghĩ và không có nỗi đau nào là không thể vượt qua.

Vì lý do đó mà mười lăm năm qua, mục Vườn Hồng vẫn luôn đồng hành với báo Thanh Niên, cũng như tình yêu vẫn luôn đi bên cạnh cuộc đời...

Anh Bồ Câu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.