Xét tuyển ĐH-CĐ: Không được đặt ra quy định trái quy chế

05/05/2012 03:36 GMT+7

Sau khi Báo Thanh Niên ra ngày 30.4 đăng bài Xét tuyển trong nội bộ trường ĐH: Không công bằng, ngày 4.5, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga gửi công văn hướng dẫn việc xét tuyển trong kỳ thi ĐH-CĐ năm nay đến các trường ĐH-CĐ. Bộ yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc quy định của Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy.

Thí sinh không trúng tuyển vào trường đã dự thi nhưng có kết quả thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn bậc CĐ theo từng khối thi, đối tượng dự thi và khu vực tuyển sinh, các trường cấp cho thí sinh 2 giấy chứng nhận kết quả thi có chữ ký và đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi để thí sinh tham gia đăng ký xét tuyển vào các trường còn chỉ tiêu, cùng khối thi và trong vùng tuyển quy định của các trường. Sau khi xét tuyển nếu còn chỉ tiêu, các trường thông báo công khai điều kiện xét tuyển bổ sung để thí sinh biết và nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Thí sinh không trúng tuyển vào trường đã nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển hoặc có nguyện vọng rút hồ sơ đăng ký xét tuyển đã nộp, các trường tạo điều kiện thuận lợi để thí sinh được rút hồ sơ.

Bộ yêu cầu các trường không được quy định chỉ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh đã dự thi vào trường mình, không được đặt ra những  quy định trái với quy chế tuyển sinh hiện hành.

Tại cuộc họp báo của Bộ GD-ĐT chiều 4.5, nhiều vấn đề mà dư luận đang quan tâm đã được Bộ giải trình. Bộ đã công bố kết quả kiểm tra việc cam kết thành lập trường ĐH, CĐ trong đợt vừa qua. Ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh thanh tra Bộ này cho biết, trong tháng 3.2012, Bộ đã tổ chức 5 đoàn kiểm tra 38 trường ĐH, CĐ (trong đó có 19 trường công lập và 19 trường ngoài công lập). Qua kiểm tra cho thấy: 7 trường có dưới 50 giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn, 42 ngành đào tạo ĐH chưa có tiến sĩ đúng ngành, 25 ngành CĐ chưa có thạc sĩ đúng ngành; một số trường chưa có đất hoặc có đất hẹp dưới 1 ha; một số trường thuê mướn ngắn hạn nhiều cơ sở khác nhau.  Một số ngành có tỷ lệ sinh viên trên giảng viên quá cao... 

Bộ đã quyết định tạm dừng tuyển sinh 1 trường và 5 ngành của các trường ĐH, CĐ năm 2012 vì có tỷ lệ sinh viên/giảng viên quá cao và không có giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ theo quy định.

Sắp tới, Bộ sẽ cảnh báo một số trường chưa đảm bảo điều kiện chất lượng nhưng ở mức độ nhẹ để các trường tự khắc phục.

Trả lời thắc mắc về việc tại sao Bộ lại đưa ra quyết định dừng tuyển sinh vào thời điểm thí sinh  đã đăng ký dự thi, ông Bằng cho biết: “Việc dừng tuyển sinh sẽ gây ra một số xáo trộn đối với một bộ phận thí sinh ở một số trường. Điều này Bộ cũng đã tính đến, song để bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục của cả hệ thống, đồng thời giữ nghiêm kỷ cương trong quản lý theo yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội và Chỉ thị của Thủ tướng, Bộ đã quyết định dừng tuyển sinh như đã nêu trên”.

Dừng tuyển sinh thêm 1 trường cao đẳng

Ngày 4.5, Bộ GD-ĐT ra quyết định dừng tuyển sinh năm 2012 đối với Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn. Lý do lãnh đạo trường này đã thành lập các cơ sở đào tạo trái phép, tổ chức tuyển sinh và đào tạo ngoài địa điểm được phép đào tạo; chưa xây dựng được cơ sở vật chất trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của trường; Nội bộ mất đoàn kết kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động đào tạo, uy tín của nhà trường và địa phương.

Bộ GD-ĐT cũng cho biết, sau thời hạn dừng tuyển sinh, nếu nguyên nhân dẫn đến việc dừng tuyển sinh được khắc phục và có hồ sơ đề nghị tuyển sinh trở lại của nhà trường thì cấp.

Trước khi Bộ GD-ĐT ra quyết định này, từ tháng 6.2011, Báo Thanh Niên đã có bài viết: Nhiều sai phạm tại một trường cao đẳng phản ánh chuyện tuyển vượt chỉ tiêu, đào tạo ngành nghề chưa được cho phép, liên kết đào tạo tràn lan… tại trường này. Lần lượt sau đó, Báo Thanh Niên đã có nhiều tin, bài phản ánh nhiều sai phạm khác tại đây. Ngày 27.3, Sở GD-ĐT kiến nghị Bộ GD-ĐT dừng tuyển sinh năm 2012 đối với Trường CĐ KTKT Sài Gòn.

Đăng Nguyên

Vũ Thơ

>> Đăng ký dự thi ĐH-CĐ: Biết chọn trường vừa sức
>> Nộp hồ sơ tuyển thẳng trước ngày 25.6
>> Cảnh cáo hiệu trưởng vi phạm tuyển sinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.