Sự cần thiết của tranh ảnh trong sách giáo khoa

25/11/2005 23:07 GMT+7

Lần đầu tiên một cuộc thi ảnh về đề tài giáo dục được tổ chức, thu hút trên 5.000 tác phẩm dự thi của 4.000 tác giả trên mọi miền đất nước. Điều đáng quan tâm là một số bức ảnh tham dự cuộc thi này sẽ được chọn lựa đưa vào sách giáo khoa.

Theo ông Phạm Ngọc Tới - Trưởng ban biên tập và thiết kế mỹ thuật NXB Giáo dục: quan điểm của Bộ Giáo dục - Đào tạo và những người chủ biên sách giáo khoa (SGK) gần đây là muốn đưa nhiều kênh hình (hình ảnh) vào SGK  thay cho dùng lời để giải thích một sự vật, hiện tượng nào đó. Việc này sẽ giúp SGK bớt khô khan, giúp cho sự tiếp nhận kiến thức của học sinh được dễ dàng và ấn tượng hơn. Đặc biệt, nhu cầu về hình đối với học sinh tiểu học rất lớn vì các em từ môi trường mầm non lên, giảng dạy qua kênh hình là phương pháp giáo dục hữu hiệu giúp trẻ tiếp thu bài học nhanh. Ở một số môn học của học sinh tiểu học như môn tiếng Việt, diện tích những trang sách dành cho kênh hình chiếm tới 60-70%.

Ngoài SGK đại trà, NXB còn làm một số sách cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng rất cần những bức ảnh chụp những con vật, những loài cây tiêu biểu cho từng vùng để đưa vào các bộ sách này. Trước đây muốn đưa một hình ảnh vào SGK gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy NXB có ý tưởng tổ chức một cuộc thi ảnh về đề tài giáo dục để tạo ra một ngân hàng ảnh đa dạng trong mọi lĩnh vực, thuận tiện cho công việc làm SGK nói chung và sách giáo dục nói riêng. Ngoài ra, NXB còn có một đội ngũ cộng tác viên là những người cầm máy, có thể đặt họ cung cấp những tư liệu cần thiết ở nhiều vùng trên cả nước.

Mặc dù lần đầu tiên tổ chức, nhưng cuộc thi ảnh đề tài giáo dục đã nhận được sự hưởng ứng rất mạnh mẽ của giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp, các thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục, các em học sinh, sinh viên từ nơi địa đầu đến nơi cực nam của Tổ quốc. Có 2 tác giả cao niên nhất cuộc thi là cụ Lưu Bá Ngọc, Trần Thọ Cử cùng sinh năm 1925. Cụ Lưu Bá Ngọc gửi về cuộc thi tới... 79 tác phẩm, còn cụ Trần Thọ Cử khiêm tốn hơn... 10 tác phẩm. Tác giả "vô địch" về số tác phẩm dự thi là Nguyễn Đức Bái (Hà Nội) với... 205 tác phẩm, tiếp sau là tác giả Trần Cao Bảo Long (TP Hồ Chí Minh) với 183 tác phẩm. Nhìn vào số lượng lớn các tác giả, tác phẩm tham gia cuộc thi có thể thấy giáo dục luôn là mảng đề tài được xã hội hết sức quan tâm. Tuy nhiên, nhiều tác phẩm mới dừng lại ở sự mô tả hiện thực như một lát cắt của cuộc sống mà thiếu sự chau truốt và đầu tư cho nghệ thuật, do đó cuộc thi chỉ lựa chọn được 150 tác phẩm để triển lãm và trao giải. Nhưng với những người tổ chức cuộc thi này thì cuộc thi đã thành công ngoài sức "tưởng tượng". Trong số 1.500 bức ảnh gửi về cuộc thi đợt 1, NXB Giáo dục đã lựa chọn được gần 100 tác phẩm phù hợp, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong các ấn phẩm của NXB. "Hình ảnh trong SGK phải gần, sát với nội dung học của học sinh, chứ không phải mang tính chất trang trí" - ông Tới nói về tiêu chí chọn ảnh đưa vào SGK. Ông Tới cho biết thêm, trong tuần qua NXB Giáo dục đã quyết định chọn các tác phẩm đoạt giải của cuộc thi này gồm: Nhịp chày trên buôn; Hội làng - tác giả Trần Phong (Gia Lai); Cô giáo người K‘Tu của Đồng Minh Đống (Huế) cho bộ SGK tiếng Ê Đê.

Thu Hồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.