Anh chàng chơi ngông

18/01/2013 03:55 GMT+7

Ở vùng quê nghèo Gio Sơn, H.Gio Linh, Quảng Trị, Lê Văn Hải đã trải qua rất nhiều nghề để kiếm sống. Cuối cùng anh đã thành công với cái nghề mà khi mới bắt tay vào làm không ít người đã cho anh là “ngông”: chế tác gỗ lũa.

Từ nhỏ Hải đã có niềm đam mê đặc biệt với gỗ lũa (là phần lõi cây cứng nhất còn sót lại của các gốc cổ thụ khô sau khi cây chết) và luôn nuôi ước mơ một ngày nào đó sẽ được thỏa mãn niềm đam mê của mình. Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, từ năm lớp 9 Hải đã phải bỏ học đi làm để phụ giúp gia đình. Ban đầu anh làm bốc vác gỗ cho các chủ thầu khai thác rừng, được một thời gian anh lại chuyển sang làm phụ hồ. Năm 1990, Hải quyết định vay vốn mở xưởng đúc chậu và trồng hoa, cây cảnh. Thế nhưng lúc này cái ăn còn thiếu thốn thì mấy ai nghĩ đến việc chơi hoa, cây cảnh nên sản phẩm không tiêu thụ được. “Lúc đó đời sống người dân còn khó khăn nên ít người chơi hoa, cây cảnh vì vậy cuộc sống gia đình mình càng thêm khó khăn”, Hải cho biết.

Anh chàng chơi ngông
Lê Văn Hải bên những tác phẩm gỗ lũa của mình - Ảnh: Phạm Tùng

Thất bại với nghề đúc chậu, trồng hoa cây cảnh, đang lúc loay hoay tìm hướng làm ăn thì cơ may đến với anh bắt nguồn từ thú chơi gỗ lũa của mình. “Năm 1999 có một người bạn đến nhà chơi nhìn thấy một gốc gỗ lũa mà tôi chưng trong nhà, anh liền hỏi mua với giá 1 triệu đồng. Tôi không ngờ lại có người trả giá cao đến vậy”, Hải kể về cơ duyên của mình với nghề.

Từ đây Hải đã quyết định chọn nghề làm gỗ lũa là con đường làm giàu của mình. Với 30 triệu đồng tích cóp sau nhiều năm làm thuê cộng với vay mượn người thân, anh đi khắp vùng lùng mua những khúc gỗ, gốc cây đưa về chế tác. Tuy nhiên, do vốn ít không đủ để mua nên hằng ngày anh một mình lặn lội săn tìm gốc cây khô để giảm bớt nguồn vốn bỏ ra. “Hằng ngày cứ 4 giờ sáng là mình lại tìm đến những khu vực mà người dân san mặt bằng để trồng cao su tìm những gốc cây mà họ bỏ lại. Đến tối mình gom lại tất cả cõng về nhà chế tác ra các sản phẩm theo ý tưởng của mình”, Hải kể lại những ngày đầu chập chững vào nghề.

Nhờ khéo tay cộng với con mắt nghệ thuật, những gốc cây, mảnh gỗ xù xì dấu vết thời gian đã được Hải thổi hồn trở thành những vật dụng, những tác phẩm nghệ thuật sinh động và hữu ích trong đời sống hằng ngày.

Sản phẩm của Hải ngoài các tác phẩm nghệ thuật hướng đến đối tượng là những người chơi lũa chuyên nghiệp, những bộ bàn ghế từ gốc cây thì phần lớn anh chế tác các vật dụng, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình như khay trà, bình hoa… nên rất được người dùng ưa chuộng. Hiện nay, hằng năm anh xuất xưởng hơn chục bộ bàn ghế cùng hàng trăm sản phẩm gia dụng đem lại cho gia đình nguồn thu hàng trăm triệu đồng. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, xưởng chế tác gỗ lũa của anh còn giải quyết được công ăn việc làm cho một số lao động tại địa phương.

Phạm Tùng

>> Đời gỗ lũa 
>> Độc đáo chùa, tháp làm bằng... cây cảnh
>> Cảm biến theo dõi cây cảnh
>> Thăm làng tỉ phú cây cảnh Điền Xá

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.