Biến “điếc” thành tiền

17/02/2013 10:45 GMT+7

Từ những trái dừa điếc tưởng đã bỏ đi, bàn tay khéo léo của người thợ tài hoa đã biến chúng thành những sản phẩm mỹ nghệ có giá trị cao.

Chúng tôi rất ấn tượng khi đến nhà ông Phan Mốt (60 tuổi), ở tổ 4, thôn 2, xã Cẩm Thanh, TP Hội An - Quảng Nam. Từ trong nhà ra tới ngoài vườn có rất nhiều tác phẩm bằng tre, dừa nước, dừa điếc… thật đẹp.

Độc đáo, tính thẩm mỹ cao

Tiếp chúng tôi, ông Mốt cho biết ông có thâm niên 30 năm trong nghề “tranh, tre, dừa nước”. Ba năm gần đây, lúc “nghề nhàn”, ông mày mò, tỉ mẩn chế tác hàng thủ công mỹ nghệ bằng nguyên liệu là những trái dừa bị điếc để cho ra những tác phẩm độc đáo như các bộ ấm chén uống trà hay uống rượu. Ông giải thích: “Dừa điếc là những trái dừa bị… điếc, không lớn, chỉ nhỉnh hơn nắm tay nhưng sọ dừa rất dày và cứng”.

 

Biến “điếc” thành tiền 1 
Ông Phan Mốt đang chế tác hàng thủ công mỹ nghệ -  Ảnh: Hòa Vang

Dừa điếc là nguyên liệu chính mà ông Mốt sưu tầm từ những cây dừa trên trăm tuổi cho nên lớp đen của sọ dừa có khả năng tự tiết ra chất dầu, làm bóng vỏ bề ngoài của sọ dừa. Nếu để lâu ngày, chỉ cần dùng vải hoặc giấy nhám chà xát là sản phẩm sáng bóng trở lại. Để có thể đạt tới lớp đen này, ông phải tỉ mẩn, cạo bên ngoài sọ dừa điếc bằng 1 lưỡi cưa nhỏ cho tới lớp đen của sọ. Nhờ đó, những sản phẩm của ông độc đáo, có tính thẩm mỹ cao.

Chinh phục khách phương xa

Ông Phan Mốt cho biết cứ khoảng 50 trái dừa lớn bình thường thì có 2 trái dừa điếc. Dừa điếc mang về, tách vỏ, làm sạch, sau đó cưa gáo dừa ra bỏ lớp cơm bên trong rồi dùng dao bén gọt và giấy nhám đánh bóng trong, ngoài gáo; sau đó chế tác các chi tiết của ấm hay chén và gắn vào gáo. Cuối cùng là phủ lớp dầu bóng lên sản phẩm cho bền và đẹp.

 

 Biến “điếc” thành tiền 2
Những bộ ấm chén từ dừa điếc -  Ảnh: Hòa Vang

Trung bình, ông Mốt mất khoảng 7 - 10 ngày để “sản xuất” một bộ sản phẩm. Mỗi bộ ấm chén gồm 1 ấm và 6 chén (ly). Giá bộ ấm chén lớn là 1 triệu đồng, loại ấm chén nhỏ là 1,5 triệu đồng. Người mua chủ yếu là khách du lịch nước ngoài và khách từ Hà Nội vào. “Sau khi tham quan rừng dừa Bảy Mẫu về ghé ngang đây, họ thích mua về làm kỷ niệm” - ông Mốt cho biết.

Vào những ngày cuối năm, ông Mốt rất bận rộn. Suốt ngày, ông cặm cụi, tỉ mẩn chế tác những bộ ấm chén bằng dừa điếc theo yêu cầu của khách du lịch. Họ mua về để làm kỷ niệm sau chuyến tham quan phố cổ Hội An.

Sản phẩm du lịch mới

Ông Lê Đình Bảy (70 tuổi), người cùng thôn, cho biết ông Phan Mốt không những giỏi nghề “tranh, tre, dừa nước” mà là người đầu tiên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ trái dừa điếc bỏ đi để bán cho du khách nước ngoài, tạo ra một sản phẩm du lịch mới ở phố cổ Hội An. Ngoài ra, ông Mốt còn đóng những chiếc giường nằm, ghế salon bằng gốc tre rất độc đáo, được nhiều du khách Tây “trầm trồ khen ngợi, chụp ảnh, quay phim lia lịa”.

Theo Hòa Vang/ Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.