Công an phường có thực sự là chỗ dựa của dân?

20/12/2007 00:00 GMT+7

Người dân khi có việc khẩn cấp, tính mạng và tài sản bị đe dọa thì thường cầu viện đến sự trợ giúp của lực lượng công an phường. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, nhiều lúc công an phường còn tỏ ra thờ ơ với lời kêu cứu của dân.

Xuất hiện chậm trễ

Gần đây, tòa soạn Báo Thanh Niên tiếp nhận đơn kêu cứu của ông Đặng Ngọc Bon (75 tuổi, ngụ ở 137/1, tổ 5, khu phố 2, P.Tân Thới Hiệp, Q.12, TP.HCM) xung quanh việc một nhóm người cầm hung khí xông vào nhà ông tấn công dữ dội khiến hai cha con ông bị thương.

Trong đơn, ông Bon tường trình cụ thể như sau: “Lúc 12 giờ ngày 11.7.2007, một nhóm người đã cầm hung khí chạy vào nhà tôi (137/1...) tấn công con tôi tên là Đặng Ngọc Hùng Dũng (đang ngồi vá xe gắn máy) bị thương ở lưng. Quá khiếp sợ, tôi chạy vào nhà đóng cửa lại. Không chịu buông tha, 2 thanh niên khác dùng cây tuýp sắt đập vào cửa sắt làm hư hỏng cửa và bể kiếng cửa, văng trúng tôi máu chảy lênh láng ra sàn nhà. Thấy vậy, người thân của tôi gọi điện thoại cho Công an P.Tân Thới Hiệp (Q.12) cầu cứu ngay sau đó. Đến 13 giờ cùng ngày (sau 1 tiếng đồng hồ từ khi gọi), công an mới tới và viện lý do bận ăn cơm nên đến trễ. Khi công an đến, nhóm người trên đã rời khỏi hiện trường".


Ông Bon bị thương sau khi bị một nhóm người tấn công - ảnh: C.T.V
Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này, ông Lê Công Định - cán bộ của công an phường (người trực tiếp xuống hiện trường), cho biết: "Ngày 11.7, tôi cùng đồng nghiệp vừa giải quyết xong vụ va quệt với nhau trên quốc lộ. Lúc 13 giờ cùng ngày, tôi nhận điện thoại của trực chỉ huy công an phường báo xuống tại địa chỉ trên xảy ra xô xát dẫn đến đánh nhau. Sau 10 - 15 phút, tôi chạy đến hiện trường giải quyết vụ việc".

Trung tá Hồ Văn Phước, Trưởng công an P.Tân Thới Hiệp thì nói: "Phường có nhận được điện thoại báo vụ việc của người dân. Còn mấy giờ thì tôi không nắm rõ vì ngày đó là thiếu tá Nguyễn Văn Mẫu, Phó công an phường trực chỉ huy". Thông thường, thời gian, nội dung vụ việc những tin báo trong ngày đều được ghi lại trong sổ trực ban, tuy nhiên theo ông Phước thì: "Phường có sổ trực ban nhưng hôm đó không ghi vào sổ"(!). Trước đó, cũng trên địa bàn P.Tân Thới Hiệp, trưa 10.6, một nhóm thanh niên thủ mã tấu trong người đã ném vỏ chai vào nhà bà Nguyễn Thị Việt (ngụ ở khu phố 3, P.Tân Thới Hiệp, Q.12) đang có đám giỗ khiến mọi người chạy tán loạn. Gia đình bà Việt cũng gọi điện thoại liên tục cho công an phường nhờ can thiệp nhưng khoảng 30 phút sau mới có 4 anh công an xuất hiện sau khi bọn côn đồ đã bỏ đi...

Sự có mặt chậm trễ của lực lượng công an không chỉ xảy ra tại một phường, một quận trong TP.HCM. Như chiều 6.11, mưa lớn gây ngập nhiều tuyến đường trung tâm Q.1 gây kẹt xe ở giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn. Người dân không biết gọi cho ai nên gọi đến Cảnh sát 113 và được biết Cảnh sát 113 đã gọi điện thoại báo cho cảnh sát giao thông, nhưng cảnh sát giao thông vẫn không đến điều tiết giao thông. Gần 3 giờ sáng ngày 30.10, người dân gọi điện thoại đến cơ quan công an báo có khoảng 100 xe gắn máy tụ tập nẹt pô, phóng như bay trên đường Trần Quang Khải (Q.1)  nhưng không có lực lượng nào đến hiện trường.  Và  các "quái xế" cứ tung hoành đến 5 giờ sáng cùng ngày...

Chiếc điện thoại bị cướp

Hiện nay, lực lượng Cảnh sát 113 của công an quận, huyện đã sáp nhập vào Đội cảnh sát giao thông trật tự cơ động, không còn chịu sự điều phối trực tiếp của Cảnh sát 113, Công an TP.HCM. Khi tiếp nhận thông tin, cảnh sát 113, Công an TP.HCM sẽ trực tiếp xuống hiện trường hỗ trợ nếu vụ việc xảy ra ở các quận trung tâm; còn vụ việc xảy ra ở các quận, huyện khác thì chuyển thông tin cho công an quận, phường xử lý. Chính vì vậy, lực lượng công an địa phương giữ vai trò cực kỳ quan trọng khi giải quyết vụ việc ban đầu. 

Tháng 10.2007, Báo Thanh Niên nhận được đơn của một nữ công dân, bày tỏ sự thất vọng về cách hành xử của công an phường trước những yêu cầu chính đáng của cô.

Cô gái đứng đơn tên Nguyễn Quy Anh, tạm trú tại P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, kể lại: "Vào 14 giờ ngày 18.10.2007, tôi ra trước cửa phòng phơi sách thì bất chợt có một thằng bé lao vào phòng chộp cái điện thoại di động hiệu Samsung D500 đang đặt trên nền nhà và chạy đi mất. Tôi đuổi theo và được biết thằng bé chạy ra đầu hẻm nhờ một chú xe ôm tên Hòa chở đi bán điện thoại.  Người dân ở trong khu vực xác định giúp tôi thằng bé tên là Xí, nhà ở P.12, Q.Bình Thạnh. Ngay sau khi mất điện thoại, tôi đã đến khai báo tại Công an P.24 - nơi tôi tạm trú - và Công an P.12 - nơi Xí cư ngụ. Đồng thời, tôi tìm đến nhà Xí nhưng không gặp...

Khoảng 10 giờ tối hôm đó, một chú công an tên Sáu đến kêu tôi lên phường gặp chú công an tên Phát tại trụ sở Công an P.24. Đến nơi, tôi thấy các chú công an đã bắt được Xí. Chú Phát cho biết ông đã buộc Xí dẫn ra đúng tiệm mà Xí đã bán điện thoại, chỉ chính xác người mua - cũng là người đang đứng bán ở cửa hàng điện thoại này. Nhưng, người ở cửa hàng điện thoại chối và nói: nếu có số IM của chiếc điện thoại thì cứ lấy... Vì không kiếm được tôi để xác nhận chiếc điện thoại nên chú Phát đã ra về mà không hề bắt bẻ gì người chủ tiệm điện thoại này.

Ngay sau khi nhận được thông tin từ Công an P.24, tôi đã yêu cầu được dẫn ra chỗ cửa hàng đã mua chiếc điện thoại của tôi nhưng chú Phát viện những lý do như: bây giờ là 10 giờ tối, chủ tiệm điện thoại đã đóng cửa; chủ tiệm đã nói là không mua và nếu có mua thì chắc chắn bây giờ cũng đã thủ tiêu cái điện thoại đó rồi...". 

Chiều 22.10, chúng tôi đã đến Công an P.24, Q.Bình Thạnh, gặp thiếu tá Nguyễn Văn Nam - Trưởng công an P.24 - để tìm hiểu vụ việc. Thiếu tá Nam cho biết: "Chúng tôi có tiếp cô Quy Anh lên trình báo và lập hồ sơ ban đầu qua thông tin cô Quy Anh cung cấp. Mấy đứa trẻ vi phạm nhà ở P.12, Q.Bình Thạnh, 4 giờ chiều thì chúng tôi bắt được chúng, mang về truy xét vụ điện thoại, chúng khai có lấy, có bán và dẫn chúng tôi đến chỗ người mua nhưng người này không thừa nhận là mua". Tóm lại, theo cô  Anh thì trong trường hợp này "chiếc điện thoại của tôi xem như mất hẳn dù đã bắt được thủ phạm và đến đúng được nơi đã mua...".

Hữu Phú - Đàm Huy - Hoài Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.