Vì sao bệnh tật của học sinh ngày càng tăng?

08/11/2007 22:31 GMT+7

Các chuyên gia nói gì? Sau khi Báo Thanh Niên đăng loạt bài Vì sao bệnh tật của học sinh ngày càng tăng?, các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực trường học đã lên tiếng cảnh báo.

Sai lầm trong thiết kế trường học

Kiến trúc sư Trần Thanh Bình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế trường học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Hiện các tiêu chuẩn về vệ sinh trường học đã có hết rồi, nếu làm đúng tiêu chuẩn thì sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh. Ngay cả khi tiêu chuẩn đó đã lạc hậu thì cũng không thể gây ra bệnh tật được. Điều quan trọng là người ta đã không chú ý đến các tiêu chuẩn về thiết kế trường học, đặc biệt là tiêu chuẩn về hướng ánh sáng. Chúng tôi đã từng khuyến cáo rất nhiều về việc thiết kế trường học, đặc biệt là đối với lớp học thì điều kiện tiên quyết là phải tuân thủ đúng hướng ánh sáng. Tuy nhiên, ngay từ khâu xét duyệt do quan tâm tới các vấn đề khác như hình thức, kích thước, mặt tiền... nhiều người đã bỏ qua quy định này.

Tôi cũng cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cong vẹo cột sống là do bàn ghế. Tuy nhiên, lỗi một phần cũng do thầy cô giáo đã không điều chuyển hợp lý chỗ ngồi đối với từng học sinh. Đặc biệt là không có sự uốn nắn kịp thời về tư thế ngồi đối với mỗi học trò. Theo tôi, còn có cả nguyên nhân do phương thức giảng dạy nữa. Hiện, chúng ta cứ bắt học trò ngồi cố định một chỗ trong suốt cả buổi học cũng khiến các em cảm thấy căng thẳng, gò bó. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu và đề xuất cải tiến phương thức học tập cho các em. Có thể các em được tự xếp bàn ghế để ngồi và có một quá trình hoạt động chân tay trong buổi học thì các em sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Nhưng đây là vấn đề phải đổi mới phương pháp giảng dạy thì mới đáp ứng được.

Theo tôi, việc học sinh bị mắc các bệnh học đường còn do các nguyên nhân khác nữa mà vai trò của gia đình cũng rất quan trọng. Tôi được biết hiện tỷ lệ học sinh xem ti vi, đọc truyện tranh rất nhiều lại trong một điều kiện không đảm bảo về ánh sáng, tư thế... Đây là nguyên nhân rất lớn gây tật cận thị và cong vẹo cột sống mà các bậc cha mẹ phải có biện pháp khắc phục.

Học sinh bị thiếu khí thở, ánh sáng và chỗ vận động!

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, người đã nhiều năm nghiên cứu về vấn đề vệ sinh học đường nói: "Theo tôi, vấn đề vệ sinh học đường của chúng ta còn rất yếu kém nên đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe của các em. Học sinh luôn ở trong tình trạng thiếu khí thở, ánh sáng và chỗ vận động. Tôi đã có những cảnh báo từ rất lâu về những vấn đề liên quan đến vệ sinh học đường. Năm 1995-1996 tôi đã phát động phong trào về bảng chống lóa cho học sinh; năm 1997 phát động về đèn chiếu sáng và năm 2000 đã cảnh báo về vấn đề bàn ghế cho học sinh. Kết quả là ở những nơi thực hiện theo chuẩn mực được khuyến cáo thì tình hình bệnh tật của học sinh giảm rõ rệt. Ví dụ: ở trường Tiểu học Thịnh Quang - Hà Nội, năm học 2003-2004 có 92 học sinh phải đeo kính thì đến nay chỉ còn 38 em. Điều đáng lưu ý là các em khỏi bệnh là do khắc phục được các yếu tố về vệ sinh học đường chứ không phải là biện pháp gì khác. Một trong những yếu tố giúp học sinh giảm bệnh cận thị là do các em đã được nhìn rõ bảng. Vì vậy, theo tôi muốn học sinh không bị mắc các bệnh học đường thì khi đến lớp các em phải được nhìn rõ bảng, được viết thoải mái và được vận động trong một không khí trong lành".

Vũ Thơ
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.