8 giờ xử lý sự cố đường dây 500 kV

24/05/2013 17:55 GMT+7

Sự cố điện nghiêm trọng đã xảy ra trên đường dây 500 kV Bắc - Nam khiến hệ thống điện miền Nam gần như tê liệt. Những cán bộ ngành điện đã chạy đua với thời gian để sau 8 giờ cấp điện trở lại cho toàn bộ miền Nam.

14 giờ 19 ngày 22.5 đã xảy ra sự cố trên đường dây 500 kV Di Linh - Tân Định do xe cần cẩu trồng cây trong khu vực thành phố mới Bình Dương chạm vào đường dây 500 kV ở khoảng trụ 1072-1073 gần trạm biến áp 500 kV Tân Định. Sự cố xảy ra trong lúc truyền tải công suất cao làm mất liên kết hệ thống điện (HTĐ) 500 kV Bắc - Nam, gây nhảy tất cả các tổ máy phát điện trong HTĐ miền Nam (gồm 15 nhà máy với 43 tổ máy tổng công suất 7.300 MW), làm miền Nam mất điện toàn bộ (khoảng 9.400 MW).

8 giờ xử lý sự cố đường dây 500 kV
Sơ suất của người lái cẩu để cây chạm vào đường dây 500kV khiến hàng vạn gia đình bị ảnh hưởng - Ảnh: Thiên Bình

Sự cố điện đã khiến hệ thống đèn giao thông không hoạt động, làm nhiều tuyến đường ở TP.HCM bị ùn tắc nghiêm trọng. Nhiều nhà máy sản xuất thép, nấu nhựa thiệt hại hàng tỉ đồng do dự cố mất điện đột ngột. Hàng vạn hộ gia đình đã bị ảnh hưởng bới sự cố mất điện trên diện rộng.

Theo thông tin từ tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), sau khi xảy ra sự cố, EVN đã nhanh chóng chỉ đạo Trung tâm Điều độ HTĐ quốc gia, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, các Tổng Công ty Điện lực, các nhà máy điện tập trung lực lượng, khẩn trương khắc phục sự cố để tái lập cung cấp điện cho HTĐ miền Nam.

Đến 15 giờ 54 ngày 22.5, tức 1,35 giờ sau khi xảy ra sự cố, EVN đã đưa vào vận hành trở lại đường dây 500 kV Bắc - Nam và từng bước khôi phục HTĐ miền Nam. Đến 18 giờ cùng ngày, khôi phục được 55% phụ tải miền Nam; 19 giờ 30, cấp điện trở lại cho toàn bộ TP.HCM và cấp được khoảng 70% phụ tải miền Nam.

22 giờ 40 ngày 22.5 (tức hơn 8 giờ sau khi xảy ra sự cố) đã khôi phục lại toàn bộ phụ tải HTĐ miền Nam.

Trong và ngay sau thời gian xảy ra sự cố, EVN đã huy động các tổ máy nhiệt điện và tua bin khí chạy dầu Thủ Đức, Cần Thơ để hỗ trợ khôi phục nhanh phụ tải khu vực miền Nam.

Theo tập đoàn điện lực Việt Nam, đây là sự cố nghiêm trọng do vi phạm về khoảng cách hành lang an toàn của đường dây 500 kV Bắc - Nam. Nghị định 106/2005/NĐ-CP hướng dẫn luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, hành lang an toàn đường dây 500 kV từ 7 m tính từ mép ngoài cùng của đường dây. Nếu vi phạm hành lang an toàn sẽ gây phóng điện, gây sự cố cho đường dây.

Về thiệt hại sau sự cố, Tập đoàn điện lực Việt Nam đang tiếp tục thống kê chi tiết nhưng sơ bộ có thể thấy ngành điện đã bị ảnh hưởng rất lớn. Trong thời gian sự cố, EVN tạm thời phải huy động các nhà máy chạy dầu trong khu vực phía Nam để hỗ trợ việc cung cấp điện trở lại cho phụ tải. Ngoài ra, thiệt hại lớn hơn nhiều là cho xã hội và nền kinh tế bởi hàng ngàn nhà máy, hàng vạn hộ gia đình đã bị ảnh hưởng bởi sự cố điện trên đường dây 500 kV.

Một lãnh đạo EVN khuyến cáo: “Chúng tôi đề nghị chính quyền các địa phương cũng như các doanh nghiệp phải hết sức lưu ý đến quy định để tránh vi phạm khoảng cách hành lang an toàn lưới điện, tránh gây sự cố nghiêm trọng, ảnh hưởng đến kinh tế và đời sống của người dân”.

Thiên Bình

>> Sự cố mất điện toàn miền Nam là "nghiêm trọng
>> Sự cố mất điện toàn miền Nam: Ai sẽ phải bồi thường thiệt hại?
>> Phnom Penh ảnh hưởng sự cố mất điện ở Việt Nam
>> Sự cố mất điện toàn miền Nam
>> Sự cố mất điện toàn miền Nam: Tất cả CSGT tại TP.HCM đều... ra đường
>> Cận cảnh hiện trường sự cố gây mất điện toàn miền Nam
>> Điêu đứng vì mất điện toàn miền Nam
>> Nguyên nhân mất điện toàn miền Nam là do... xe cẩu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.