Chọn thi ngành xã hội - sư phạm - y dược - kiến trúc

28/03/2012 09:55 GMT+7

Buổi trực tuyến thứ hai của chương trình Tư vấn mùa thi 2012 do Báo Thanh Niên tổ chức đã diễn ra vào lúc 14 giờ ngày 28.3 với chủ đề: Chọn ngành xã hội - sư phạm - y dược - kiến trúc.

>> Tư vấn trực tuyến: Giờ G chọn ngành

Học sinh lớp 12 còn hơn nửa tháng để nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ ngay tại trường THPT. Nhằm giúp học sinh có thêm thông tin để lựa chọn ngành nghề phù hợp, chương trình Tư vấn mùa thi năm 2012 của Báo Thanh Niên tổ chức các buổi tư vấn trực tuyến với chủ đề “Giờ G chọn ngành”. Buổi thứ hai của chương trình sẽ diễn ra vào lúc 14 giờ ngày 28.3 với chủ đề: Chọn ngành xã hội -sư phạm - y dược - kiến trúc.

Tham gia chương trình có đại diện của các trường sau:

- PGS-TS-BS Lý Văn Xuân - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM

- TS Phạm Tấn Hạ - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM

Thạc sĩ Lê Văn Hiển - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM

- Thạc sĩ Tạ Quang Lâm - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM

- Thạc sĩ Trần Minh Tuấn - Chuyên viên Đào tạo Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM

TS Trần Mạnh Thành - Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt.

- Thầy Nguyễn Ngọc Hà - Phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Bạn đọc quan tâm, vui lòng đặt câu hỏi theo hướng dẫn trong bài.

Chương trình do Công ty Vina ACECOOK VN, Công ty CP ô tô Trường Hải, Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam, Công ty CP dịch vụ Phú Nhuận tài trợ.


Toàn cảnh buổi trực tuyến - Ảnh: Đ.N.T

Đúng 14 giờ buổi trực tuyến chính thức bắt đầu. Đại diện Báo Thanh Niên, anh Võ Ba, Trưởng ban Thanh niên và giáo dục đã gửi đến các thầy giáo những bó hoa tươi thắm vì đã gắn bó và đồng hành cùng chương trình Tư vấn mùa thi. 


Đại diện Báo Thanh Niên, anh Võ Ba, Trưởng ban Thanh niên và giáo dục tặng hoa các khách mời - Ảnh: Đ.N.T


Toàn cảnh buổi trực tuyến (P1)


Toàn cảnh buổi trực tuyến (P2)

Theo PGS-TS-BS Lý Văn Xuân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM đối với ngành y, dược số thí sinh thi vào rất đông, do vậy điểm thi rất cao. Thầy Xuân lưu ý, với các ngành: bác sĩ đa khoa, răng hàm mặt, bác sĩ y học cổ truyền thì có điểm chuẩn rất cao, trung bình từ 24-25 mới đầu. Tuy nhiên, có một số ngành đào tạo cử nhân như: vật lý trị liệu, điều dưỡng thì có điểm chuẩn thấp hơn từ 20-23. Do vậy, các em nào muốn vào ngành y để phục vụ bệnh nhân thì ngoài những ngành điểm cao còn có thể lựa chọn những ngành cử nhân để có thể vừa sức mình.

Nhà báo Thùy Ngân đặt vấn đề "thế thì tố chất nào để các em có thể thích hợp để thi vào ngành y?". Thầy Nguyễn Ngọc Hà - Phòng Đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết vào ngành y hay điều dưỡng thì như nhau. Nó vừa là một ngành đòi hỏi kiến thức về khoa học, thẩm mỹ (giao tiếp, biết tâm lý) và y đức (tình thương giữa con người với nhau).


ThS Tạ Quang Lâm, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM (bìa trái) chia sẻ về nghề giáo - Ảnh: Đ.N.T

Nói về nghề giáo, ThS Tạ Quang Lâm, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhấn mạnh rằng với nghề giáo thì người xưa có câu: nghề dạy học là nghề cao quý trong những nghề cao quý. Điều đó càng đúng trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay thì đối với nghề giáo thì phải có: tâm, đức và tình yêu nghề.

Về mặt bằng kiến thức nếu không có thầy cô giỏi thì không thể có trò giỏi. Do vậy, bản thân thầy rất mong những học sinh giỏi thi vào ngành sư phạm.

Đối với trường ĐH Sư phạm TP.HCM thì điểm chuẩn trúng tuyển trong những năm gần đây đều cao hơn điểm sàn từ 3-4 điểm. Do vậy, rất mong các em học sinh giỏi có thể đến với ngành sư phạm.


Toàn cảnh buổi trực tuyến (P3)

* Một bạn đọc ở Q.Gò Vấp (TP.HCM) có câu hỏi gửi đến chương trình thắc mắc về diện đào tạo ngành y ngoài ngân sách nhà nước ở trường ĐH Y dược TP.HCM.

- Đại diện nhà trường, PGS.TS.BS Lý Văn Xuân - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM cho biết: Hiện nhà trường đào tạo theo 2 dạng chỉ tiêu.

Một là chỉ tiêu được ngân sách nhà nước mà ở đây là Bộ y tế cấp. Hai là chỉ tiêu do các địa phương đặt hàng theo nhu cầu, để sau này sinh viên tốt nghiệp thì cam kết về địa phương làm việc.

Tiền học phí phân thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đại cương thì chi phí đào tạo hằng năm là khoảng 25 triệu đồng/năm. Giai đoạn vào chuyên ngành là 30 triệu đồng/năm. Năm nay có thể mức này chênh lệch một ít.

* Một bạn đọc tên Hùng ở Mỹ Tho, Tiền Giang gọi điện cho chương trình hỏi việc muốn học chương trình sư phạm tiếng Pháp nhưng phải thi tiếng Anh theo khối D1.

- Thạc sĩ Tạ Quang Lâm - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trả lời: Trường có hai khối thi D1 và D2, thí sinh thi vào hai khối này, sau đó nhà trường sẽ căn cứ số lượng trúng tuyển để tách lớp.


Các em học sinh hăng hái đặt câu hỏi - Ảnh: Đ.N.T

* Bạn đọc Vy: Em muốn thi vào ngành Sư phạm Kỹ thuật ô tô song không thấy mã ngành này trong sách hướng dẫn đăng ký. Khối ngành Sư phạm Kỹ thuật ô tô sẽ nhận được mấy văn bằng, có được hành nghề kỹ sư hay không?

- TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM: Theo quy định của bộ, chương trình đào tạo SPKT ô tô, thuộc nhóm Công nghệ Kỹ thuật ô tô, nên khi đăng ký, thí sinh ghi mã số dự thi theo mã ngành Công nghệ Kỹ thuật ô tô là D510205. Sau đó, khi vào trường sẽ được đăng ký ngành SPKT ngay học kỳ đầu tiên. Khi đăng ký sẽ được miễn học phí, khi ra trường sẽ được nhận bằng kỹ sư CNKT ô tô và chứng chỉ sư phạm kỹ thuật bậc 2.

Các ngành khác cũng tương tự. Sau khi tốt nghiệp có thể xin việc như một kỹ sư bình thường hoặc đăng ký dạy học. Khác biệt giữa hai loại hình là thời gian đào tạo: ngành kỹ sư chỉ học 4 năm trong khi ngành SPKT học 4 năm rưỡi.


Chăm chú theo dõi buổi trực tuyến - Ảnh: Đ.N.T

* Bạn Đoan Thục, HS trường Trung học thực hành ĐH Sư phạm TP.HCM đặt câu hỏi, bản thân em muốn thi vào ngành ngữ văn anh của ĐH KHXH&NV. Vậy ngành này đào tạo gì, ra trường sẽ làm ở đâu?

- TS Phạm Tấn Hạ - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM): Ngành này đào tạo 3 chuyên ngành: giảng dạy, biên phiên dịch và văn hóa văn học.

Trong cấu trúc chương trình thì người học ngành này có đủ khả năng làm việc được trong một chuyên ngành và am hiểu về ngôn ngữ tiếng Anh. Đây là ngành có truyền thống và thế mạnh của trường.

Khi ra trường, người học có thể làm nghiên cứu, giảng dạy, biên phiên dịch, hay công tác tại các phòng hợp tác quốc tế.


Toàn cảnh buổi trực tuyến (P4)

* Một học sinh tại hội trường đặt câu hỏi: "Em thích ngành sư phạm toán. Xin thầy cô cho em biết cách thi vào ngành này".

- ThS Tạ Quang Lâm - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: Ngành này của trường ĐH Sư phạm TP.HCM đào tạo giáo viên dạy các trường THPT. Ngoài ra em cũng có thể làm cán bộ giảng dạy cho trường nếu em học giỏi.

Trường cũng rất mong sẽ có nhiều lớp giảng viên trẻ kế cận giỏi chuyên môn.

Muốn vào ngành sư phạm toán thì em sẽ chọn khối A1 hoặc A. Khối A gồm Toán, Lý, Hóa, còn khối A1 là Toán, Lý, tiếng Anh. Năm nay cả hai khối này không nhân hệ số.

* Một bạn đọc ở Q.9 (TP.HCM) gửi câu hỏi qua mạng internet thắc mắc: Năm nay, em dự định thi vào Trường ĐH Y dược lẫn Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Học lực của em thuộc dạng khá. Đại học Y dược có xét tuyển bậc CĐ không. Trường CĐ Bách Việt cũng có ngành dược, sinh viên có được học liên thông lên ĐH không?

- PGS-TS-BS Lý Văn Xuân - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM: Năm nay ĐH Y dược TP.HCM tuyển sinh CĐ ngành dược. Em có thể đăng ký thi ĐH Y dược TP.HCM. Nếu không đủ điểm học hệ ĐH, em có thể xin xét tuyển CĐ (khối B). Sau khi tốt nghiệp CĐ dược, em có thể học lên dược sĩ.


PGS-TS-BS Lý Văn Xuân - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM (trái) trả lời các câu hỏi của bạn đọc - Ảnh: Đ.N.T

Ông Nguyễn Ngọc Hạ - ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch: ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch 3 năm gần đây lấy điểm chuẩn 22 điểm cho 3 môn. Nếu đạt trong quá trình học, em luôn đạt điểm khá (7,5-8 điểm), em có thể thi vào trường. Trường chỉ tuyển những thí sinh có hộ khẩu TP.HCM. Trường không có hệ CĐ.

TS Trần Mạnh Thành - Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt: Trong 14 ngành mà Trường CĐ Bách Việt đào tạo có 2 ngành về sức khỏe. Đối với CĐ Dược, các thí sinh thi tuyển khối A; ngành điều dưỡng khối B. Đối với ngành khối A, trường thi tuyển luôn khối A1.
 
PGS-TS-BS Lý Văn Xuân - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM bổ sung: Trường ĐH Y dược TP.HCM không đào tạo CĐ điều dưỡng. Nếu sinh viên tốt nghiệp CĐ điều dưỡng ở trường nào đó, sinh viên có thể đào tạo liên thông cử nhân điều dưỡng. Em có thể học CĐ Bách Việt, thi tốt nghiệp rồi nộp đơn vào trường Trường ĐH Y dược TP.HCM để học lên liên thông.

* Học sinh Thanh Trúc: Em muốn vô ngành Hàn Quốc học thuộc Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), em muốn biết có những chuyên ngành gì? Có thể làm gì sau khi tốt nghiệp?

- TS Phạm Tấn Hạ - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM): Ngành Hàn Quốc học trường đây thuộc khoa Đông Phương học song sau được chuyển thành bộ môn trực thuộc trường. Mã ngành được ghi trong sách hướng dẫn đăng ký dự thi.

Ngành này sẽ dạy về lịch sử, kinh tế, văn hóa, địa lý, chính trị Hàn Quốc. Các sinh viên sẽ có cơ hội trở thành một chuyên gia am hiểu về Hàn Quốc, được học với các giáo viên bản xứ.

Đây là ngành tổng hợp, không có chuyên ngành. Mục tiêu của chúng tôi là đào tạo các sinh viên có thể sử dụng ngôn ngữ Hàn Quốc một cách tốt nhất, trong vòng bốn năm. Nếu học tốt, sau khi kết thúc hai năm, sinh viên sẽ được gửi đi trao đổi một năm tại Hàn Quốc.


TS Phạm Tấn Hạ - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM giới thiệu về ngành Hàn Quốc học - Ảnh: Đ.N.T

Một chương trình khác là trao đổi hai năm với đại học Chosun của Hàn Quốc. Sau khi kết thúc khóa học, sinh viên sẽ được nhận bằng của cả hai trường.

Các sinh viên có cơ hội thực tập và làm việc tại những công ty Hàn Quốc hoặc những chương trình của đại sứ quán Hàn Quốc. Có những sinh viên mới năm ba đã đi làm tại các công ty Hàn Quốc.

Ngành này được đầu tư tương đối mạnh vì Hàn Quốc muốn mở rộng ngôn ngữ, văn hóa tại Việt Nam.

* Một bạn đọc tên Thảo ở TP.HCM gửi thư nhờ chương trình tư vấn về việc chọn ngành học của mình, theo đó, Thảo đã học hợn 1 năm CĐ ngành quản trị kinh doanh nhưng đã nghỉ vì tự ti về khuyết tật ở mặt. Học lực Thảo trung bình và kém các môn tự nhiên

- Theo thạc sĩ Lê Văn Hiển - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM thì với bạn đọc trên, các ngành khoa học xã hội là phù hợp với em, trong đó ngành luật khá phù hợp vì có sự độc lập cao trong công việc ví dụ như việc tư vấn pháp luật cho mọi ngưòi thông qua trực tuyến, điện thoại. Theo thầy Hiển, ngành luật thi khối C có ở một số trường ĐH ở TP.HCM và các tỉnh khác. Tuy nhiên, học lực trung bình khá thì có nhiều khả năng đậu vào ngành này.

Còn theo TS Nguyễn Tiến Dũng, một trong những yếu tố thi vào sư phạm là có ngọại hình để có thể đứng trên bục giảng, nếu bị khuyết tật thì khó vào các ngành sư phạm. Theo thầy, em Thảo có thể chọn các ngành tương đối độc lập ví dụ như ngành luật. Ngoài ra, em Thảo cũng có thể thi vào các ngành như CĐ CNTT, ngành ít yêu cầu về ngoại hình.


 Thạc sĩ Lê Văn Hiển - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM - Ảnh: Đ.N.T

* Một bạn học sinh Trung học thực hành ĐH Sư phạm TP.HCM đặt câu hỏi liên quan về các trường nào đào tạo ngành xây dựng cầu đường, thi khối nào, ra trường làm ở đâu, điểm chuẩn các năm qua?

- ThS Trần Minh Tuấn - Chuyên viên Đào tạo Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM: Trường không có đào tạo ngành này, nhưng có một số trường đào tạo như Bách khoa, Giao thông vận tải TP.HCM...

Đối với ngành này thì người học sẽ học kiến thức chung về xây dựng kỹ thuật công trình, trong đó cầu đường là một chuyên ngành hẹp. Học ngành này ra trường sẽ làm kỹ sư xây dựng liên quan đến cầu, đường.

Trả lời thêm về ngành này, TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho biết trường có 2 chuyên ngành: xây dựng dân dụng và công nghiệp, sư phạm kỹ thuật về xây dựng dân dụng và công nghiệp. Tại trường em sẽ học khối kiến thức chung sau đó đi về các chuyên ngành như xây dựng công nghiệp: có cả xây dựng nhà cửa và cầu đường.

Có hai khối thi A và A1 vào ngành này, điểm chuẩn năm 2011 là 17 điểm. Hoặc em khi thi đậu vào ngành này có thể đăng ký học bên khối sư phạm sẽ được miễn học phí và chứng chỉ sư phạm để giảng dạy.


TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM giao lưu cùng bạn đọc - Ảnh: Đ.N.T

* Nhà báo Thùy Ngân dẫn lời của nhiều bạn đọc cho rằng ngành kiến trúc, xây dựng là ngành khá tốn kém và dành cho học sinh nhà giàu. Vậy trên thực tế liệu những thí sinh có điều kiện kinh tế bình thường theo ngành này được không?

- Nói về vấn đề này, ThS Trần Minh Tuấn - Chuyên viên Đào tạo Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, đưa ra lời khuyên dành cho các thí sinh có nguyện vọng thi vào ngành kỹ thuật, kiến trúc: "Kiến trúc là ngành đặc thù, ngành nào nói chung học thì cũng tốn kém cả, trong đó có kiến trúc. Về khối thi tuyển thì có 2 khối V và H".

Thầy Tuấn cho rằng muốn thi vào trường Kiến trúc, các em HS nên chú ý luyện môn năng khiếu. Cụ thể ở khối V là vẽ đầu tượng, H là vẽ trang trí màu và chân dung người.

"Còn chuyện học kiến trúc có cần bạn phải giàu hay không thì xin thưa ngay là không. Các sinh viên kiến trúc chỉ tốn kém phần giấy vẽ ban đầu một chút, sau khi có kinh nghiệm thì sẽ không còn tốn kém khoản này nữa", thầy Tuấn nói.


ThS Trần Minh Tuấn - Chuyên viên Đào tạo Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM - Ảnh: Đ.N.T

* Một phụ huynh ở đường Lạc Long Quân, Q.Tân Bình (TP.HCM) đặt câu hỏi: Con trai tôi học năng khiếu Toán, sống khép kín, nội tâm. Cháu muốn thi sư phạm Toán. Nếu không đậu, con tôi có thể học trường nào?

- ThS Tạ Quang Lâm - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: Theo chúng tôi, khi chọn ngành, học sinh phải dựa trên sở thích của mình và phù hợp sở trường sở đoản của mình. Em thích làm thầy giáo sư phạm và dạy Toán ở các trường phổ thông. Em đang học năng khiếu Toán và nguyện vọng như thế của em là tốt.

Phụ huynh cũng nên khuyên em, nếu thích làm thầy giáo dạy Toán, với năng lực như vậy, tôi tin em có khả năng đậu. Sự phạm Toán năm rồi lấy 19 điểm rưỡi.

Nếu em thích làm thầy giáo mà học ĐH Khoa học Tự nhiên, em có thể thi vào ngành Toán-Tin. Sau đó, khi ra trường có thể học thêm nghiệp vụ sư phạm là có thể đi dạy.

* Cũng phụ huynh này tiếp tục đặt câu hỏi: Bác sĩ đa khoa do ĐH Y dược TP.HCM và ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch khác nhau thế nào?

- PGS-TS-BS Lý Văn Xuân - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM: Sinh viên sau khi tốt nghiệp ở hai trường đều nhận bằng bác sĩ đa khoa. Riêng tôi được biết, ở trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thiên về y tế cộng đồng; ĐH Y dược TP.HCM thiên về hướng đào tạo lâm sàng (chuyên về chữa trị, phục vụ ở các bệnh viện).

Chương trình đào tạo theo quy định khung của Bộ GD-ĐT, chương trình giống nhau đến 80%. Còn 20% còn lại phụ thuộc vào thế mạnh của từng trường.

Thí sinh lưu ý: ĐH Y dược TP.HCM tuyển sinh khắp cả nước; ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch chỉ tuyển các thí sinh có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM.

- Ông Nguyễn Ngọc Hạ - Đại diện ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch: Chương trình đào tạo khung ở hai trường được dạy theo quy định của Bộ Y tế. Riêng đối với ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, có chỉnh lý theo hướng thực hành nhiều hơn. ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cung cấp các bác sĩ đa khoa cho các bệnh viện quận, huyện...

ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch có lợi thế trực thuộc UBND TP.HCM nên gắn chặt với Sở Y tế và sinh viên tốt nghiệp hằng năm phần lớn đều được phân công nhiệm sở.

* Bạn đọc Nguyễn Toàn: Gần đây thị trường nhà đất đóng băng, tình trạng này có ảnh hưởng đến cơ hội tìm việc của sinh viên kiến trúc khi ra trường không?

- ThS Trần Minh Tuấn - Chuyên viên Đào tạo Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM: Thị trường nhà đất hiện nay tuy đóng băng song khi các sinh viên ra trường chưa chắc có đóng băng hay không, bởi mỗi sinh viên để tốt nghiệp đại học cần phải học từ 4 năm rưỡi đến 5 năm.

Việc làm khi ra trường là một vấn đề mà ngành nghề nào cũng vấp phải. Tuy nhiên, tôi tin rằng dù thị trường có đóng băng, các kỹ sư, kiến trúc sư của Trường đại học ĐH Kiến trúc TP.HCM vẫn có đủ khả năng tìm kiếm một công việc phù hợp với năng lực.


TS Trần Mạnh Thành - Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt - Ảnh: Đ.N.T

* Bạn đọc tên Thái: Em thích học thiết kế nội thất bậc trung cấp? Em có thể theo học ở đâu?

- ThS Trần Minh Tuấn - Chuyên viên Đào tạo Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM: Về ngành thiết kế nội thất hệ trung cấp, Trường ĐH Kiến trúc hiện không đào tạo bậc cao đẳng và trung cấp.

- TS Trần Mạnh Thành - Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt: Trường CĐ Bách Việt hiện có đào tạo ngành thiết kế nội thất. Ngành này trang bị cho người học kiến thức hội họa, thiết kế, nhấn mạnh yếu tố tâm lý, màu sắc để sinh viên có ý tưởng thiết kế phù hợp với nhu cầu của xã hội hiện nay.

Trong quá trình học, sinh viên sẽ có những hoạt động rộng hơn những ngành khác như đi thực tế để lấy ý tưởng...

Ngành này đòi hỏi có đầu óc tưởng tượng, tâm hồn phù hợp với yêu cầu của xã hội.

Ngành thiết kế nội thất của trường tuyển sinh với khối C và xét tuyển khối H và khối V.

* Bạn Thanh Uyên, trường Trung học thực hành ĐH Sư phạm TP.HCM tiếp tục thắc về ngành Kiến trúc công trình: thi khối nào, môn học ra sao, học phí thế nào, thời gian thực tập ra sao?

- Trả lời câu hỏi này, ThS Trần Minh Tuấn - Chuyên viên Đào tạo Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM cho biết ngành này thi khối V: toán, lý và vẽ. Để đậu vào trường thì mức điểm môn năng khiếu phải từ 5 trở lên.

Về mức học phí thì trường Kiến trúc đào tạo theo hệ tín chỉ, 1 tín chỉ tương đương 130 ngàn đồng, mỗi học kỳ thì sinh viên phải đăng ký tối thiểu là 14 tín chỉ.

Ngoài ra, trong ngành này có hai chuyên ngành đào tạo có liên kết đào tạo với trường ĐH ở Bỉ. Chương trình liên kết sẽ đào tạo liên kết chuyên ngành: kiến trúc đô thị và quy hoạch đô thị. Thí sinh cũng dự thi khối V và phải đạt yêu cầu ngoại ngữ IELTS 4.5, điểm chuẩn từ điểm sàn trở lên.

Học chương trình liên kết có hai dạng: toàn phần học tại ĐH Kiến trúc 4 năm (bằng do trường cấp bằng); 3+1: 3 năm ở ĐH Kiến trúc và 1 năm ở Bỉ.

* Đặt câu hỏi tại hội trường, một HS trường Trung học thực hành ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết mình đạt giải 3 môn Anh văn quốc gia, HS này muốn hỏi về tuyển thẳng và xét tuyển, và có thể nộp đơn nhiều trường một lúc được không cũng như ưu tiên xét tuyển vào trường Bách khoa, Tự nhiên hay không?

- Trả lời câu hỏi này, TS Phạm Tấn Hạ cho biết, với giải 3 như trên, thì bạn có thể được tuyển thẳng vào ngành ngôn ngữ Anh của trường ĐH KHXH-NV và ngành sư phạm Anh của trường ĐH Sư phạm. Theo quy định của Bộ GD-ĐT thì việc tuyển thẳng được xét theo ngành đúng và ngành gần. Như vậy thì HS này không thể được tuyển thẳng vào các ngành ở Trường ĐH Bách khoa hay trường ĐH Tự nhiên.

- Theo thạc sĩ Tạ Quang Lâm, quy định của Bộ là HS giỏi quốc gia đạt từ giải 3 trở lên thì được tuyển thẳng vào ngành đúng với môn đạt giải, ngoài ra còn có ngành gần. Trường ĐH Sư phạm sẽ tuyển thẳng HS đạt giải quốc gia vào ngành đúng, ngoài ra là ngành gần ví dụ như HS đạt giải 3 môn tiếng Anh nếu không muốn học tiếng Anh thì có thể vào các ngành gần như tiếng Pháp, quốc tế học...


Thầy Nguyễn Ngọc Hà - Phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - Ảnh: Đ.N.T

- TS Nguyễn Tiến Dũng bổ sung, ngành gần là do các trường công bố, HS nên vào website của các trường để xem chi tiết các ngành. Thạc sĩ Lê Văn Hiển cũng cho biết, nếu HS không muốn sử dụng quyền được tuyển thẳng của mình thì khi đi thi, phải thi môn có tiếng Anh, lúc đó HS này mới được ưu tiên xét tuyển, chỉ cần đạt điểm sàn của Bộ và không có điểm 0 thì HS đã được trúng tuyển.

- Theo thầy Nguyễn Ngọc Hà, trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch không có ngành học nào tuyển thẳng đối với các HS đạt giải quốc gia, và chỉ ưu tiên nếu HS đạt giải quốc gia với môn học thuộc khối B.

- BS Lý Văn Xuân cho biết năm nay Bộ có ra thông tư hướng dẫn về tuyển thẳng đối với các HS đạt giải quốc gia, các HS cần đọc kỹ hướng dẫn này để nắm được các ngành đúng và ngành gần để xem mình nằm ở ngành tuyển nào. Còn tại Trường ĐH Y dược TP.HCM, ngành y thi 3 môn, năm nay theo quy định của Bộ thì không tuyển thẳng. Tuy nhiên, trường có đào tạo ngành dược, ngành này gần với môn hóa nên các HS đạt giải môn hóa có thể vào ngành dược.
 
- TS Trần Mạnh Thành: Trường CĐ Bách Việt hiện có đào tạo ngành thiết kế nội thất. Ngành này trang bị cho người học kiến thức hội họa, thiết kế, nhấn mạnh yếu tố tâm lý, màu sắc để sinh viên có ý tưởng thiết kế phù hợp với nhu cầu của xã hội hiện nay.
 
Trong quá trình học, sinh viên sẽ có những hoạt động rộng hơn những ngành khác như đi thực tế để lấy ý tưởng...
 
Ngành này đòi hỏi có đầu óc tưởng tượng, tâm hồn phù hợp với yêu cầu của xã hội.
 
Ngành thiết kế nội thất của trường tuyển sinh với khối C và xét tuyển khối H và khối V.

- Thạc sĩ Trần Minh Tuấn: Bộ GD-ĐT quy định rõ về tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển. Năm nay, ĐH Kiến trúc TP.HCM không có ngành nào tuyển thẳng.

* Nhà báo Thùy Ngân: Liệu điều này có thiệt thòi cho thí sinh không?

- Thạc sĩ Trần Minh Tuấn: Đây là điều mà chúng tôi rất tiếc, tuy nhiên Bộ GD-ĐT quy định như thế, trường không thể làm khác.

- Cũng về vấn đề này, PGS-TS-BS Lý Văn Xuân nói ông rất tiếc cho các thí sinh. Những năm trước, ĐH Y dược TP.HCM tuyển thẳng những học sinh đạt một trong các giải Lý, Hóa, Sinh. Tuy nhiên, năm nay Bộ GD-ĐT đã quy định, Trường ĐH Y dược TP.HCM không thể “xé rào”.
 
PGS-TS-BS Lý Văn Xuân nói thêm: “Nhiều năm theo dõi các em được tuyển thẳng vào Trường ĐH Y dược TP.HCM, tôi thấy học lực các em chỉ ở mức trung bình, kết quả học tập không cao. Đối với Trường ĐH Y dược TP.HCM, việc được phép tuyển thẳng hay không tuyển thẳng không ảnh hưởng đến chỉ tiêu tuyển sinh”.
 
Liên quan đến việc này, thạc sĩ Lê Văn Hiển cho rằng, năm nay, Bộ GD-ĐT đưa ra quy định về tuyển thẳng về ngành đúng với ngành gần đúng đối với học sinh đoạt giải quốc gia thuận lợi cho thí sinh.

* Nhà báo Thùy Ngân dẫn nhiều thắc mắc của thí sinh và phụ huynh đặt câu hỏi: "Liệu năm nay ĐH Kiến trúc có thi khối H1 hay không?".

- Trả lời câu hỏi này, ThS Trần Minh Tuấn - Chuyên viên Đào tạo Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, khẳng định: "ĐH Kiến trúc trong kỳ thi tuyển sinh năm 2012 không thi khối H1".

Nhưng theo Ths Tuấn, những kỳ thi năm sau thì có thể có khối H1.

Chia sẻ về những lo ngại của phụ huynh và thí sinh rằng sinh viên các ngành khối C sau khi tốt nghiệp khó tìm việc làm, TS Phạm Tấn Hạ - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng hoàn toàn không phải như vậy.

Theo TS Hạ, cơ hội làm việc trong các ngành học khối C không phải là ít. Chẳng hạn như ngành luật. Khối C cũng có nhiều lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Điều này phụ thuộc vào các bạn thí sinh là chính, miễn các bạn có cách nhìn đúng, chọn lựa đúng.

"Do vậy không hẳn là theo khối C sẽ dễ bị thất nghiệp như nhiều người nghĩ", TS Hạ nói.

Liên quan đến nhóm ngành mỹ thuật ứng dụng TS Trần Mạnh Thành - Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, chia sẻ: "Năm 2012, đối với ngành thiết kế nội thất, trường CĐ Bách Việt đề nghị thi tuyển khối A, nhưng Bộ GD-ĐT quyết định thi tuyển khối C".

Tại trường CĐ Bách Việt, nhóm ngành mỹ thuật ứng dụng này có ngành thiết kế thời trang và thiết kế nội thất.

Theo TS Thành, khối C cũng có nhiều nhu cầu việc làm. Ví dụ như ngành thư ký văn phòng. Muốn làm công việc này tốt các thí sinh cần trang bị thêm nhiều kỹ năng nữa. Nếu làm cho công ty nước ngoài thì lương sẽ khá cao.

* Một bạn đọc TP.HCM thắc mắc: Tôi học tạm được khối D, vậy tôi có thể thi ngành nào thì phù hợp?

- TS Phạm Tấn Hạ - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM): Theo tôi, nếu bạn học tạm được, thì trừ một số ngành tại trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn như Báo chí truyền thông, Quan hệ quốc tế, Ngôn ngữ Anh, Nhật Bản học, Hàn Quốc học, Đông Phương học, thì bạn có thể đăng ký những ngành khối D1 còn lại trong trường vốn có điểm trúng tuyển dao động từ 14 đến 16 điểm trong những năm qua.

- ThS Tạ Quang Lâm - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: Tôi cũng suy nghĩ tương tự thầy Hạ, nếu các em học mức độ tạm được thì nên trừ những ngành Sư phạm tiếng Anh, ngôn ngữ Anh ở trường ĐH Sư phạm vốn có tiêu chuẩn khá cao. Còn lại những ngành khác đều có khả năng trúng tuyển. Vấn đề nữa là công tác chuẩn bị của các em như thế nào và sở thích học ngành gì để cống hiến sau này.

- ThS Lê Văn Hiển - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM: Hiện nay, đa số các trường đều tuyển sinh khối D1. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là việc chọn ngành. Các em có thể chọn ngành học theo sở thích, sau đó cân nhắc mức điểm chuẩn của từng trường, từng ngành trong ba năm trở lại đây. Với học lực tạm được, có thể chọn những ngành khoảng 15, 16 điểm.

Đối với trường ĐH Luật TP.HCM, điểm tuyển sinh khối D1 trong ba năm qua khoảng từ 15,5 đến 16,5.

* Bạn đọc Quốc Thắng, nhà ở Tân Phú (TP.HCM) đặt câu hỏi: Năm nay có thể thi khối A và D của cùng một trường hay không và hai khối A và A1 có cùng chỉ tiêu tuyển sinh và điểm trúng tuyển hay không?

- Về câu hỏi này, TS Nguyễn Tiến Dũng và ThS Tạ Quang Lâm cho biết, hai khối A và D có hai đợt thi khác nhau, vì vậy nếu một trường có tuyển ở cả hai khối thi này thì thí sinh hoàn toàn có thể thi cả hai khối tại trường đó. Còn năm nay Bộ GD-ĐT có tuyển thêm khối thi A1, môn Anh thay cho môn hóa ở khối A1, chắc chắn ở hai khối này sẽ có 2 điểm sàn khác nhau và điểm trúng tuyển sẽ xét theo tổng điểm cả ba môn chứ không theo từng môn riêng lẻ. Còn phân lượng từng khối A và A1 bao nhiêu chỉ tiêu vào trường thì tùy vào từng trường theo nhu cầu phù hợp.

* Một học sinh lớp 12 trường Trung học thực hành ĐH Sư phạm TP.HCM có mặt tại hội trường buổi giao lưu đặt câu hỏi: Em muốn thi vào ĐH Y dược TP.HCM, ngành dược. Trong tờ đăng ký dự thi có chữ “chuyên ngành”, em có cần điền vô không? Có thể nói thêm một số thông tin về các chuyên ngành của ĐH Y dược TP.HCM?

- PGS-TS-BS Lý Văn Xuân - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM: Ngành dược có mã ngành kế bên. Em cố gắng ghi tên ngành cho đúng. Mã ngành nhiều khi có thể ghi nhầm nên em ghi tên ngành là quan trọng.

Vê thông tin ngành dược, ngành này chỉ có dược sĩ. Tốt nghiệp dược sĩ, em có thể đi nhiều chuyên ngành sau ĐH.

Em nên đăng ký học một chuyên ngành nào đó của dược (ví dụ như bào chế). Trường ĐH Y dược TP.HCM không đào tạo theo chuyên ngành chỉ đào tạo chung.

- TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM bổ sung: Em có thể ghi hoặc không. Với các trường có công bố, có các chương trình kèm theo, việc ghi này chỉ là thông tin chuyên ngành tham khảo, không mang tính quyết định; không nằm trong cơ sở dữ liệu xét tuyển. Dữ liệu xét tuyển của Bộ GD-ĐT chỉ quy định điền đến mã ngành.

Việc đăng ký những những chuyên ngành nhỏ do trường tổ chức sau khí thí sinh trúng tyển và mỗi trường có cách làm khác nhau.


Nhiều thắc mắc của học sinh được các thầy giải đáp cặn kẽ - Ảnh: Đ.N.T

- Trả lời câu hỏi của bạn đọc gửi tới chương trình về cơ hội việc làm như thế nào sau khi tốt nghiệp ngành luật, thạc sĩ Lê Văn Hiển - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết, ngành luật được đào tạo trong 4 năm, sau khi ra trường được cấp bằng cử nhân luật.

Đây là ngành đa dạng về nghề nghiệp từ các công việc trong cơ quan hành chính nhà nước như tòa án, viện kiểm sát, công an, hải quan, công chứng... đến các lĩnh vực kinh doanh... Vì vậy, người học luật không chỉ ra trường để làm luật sư mà còn có thể tham gia vào nhiều khu vực ngành nghề khác.

* Phụ huynh một học sinh ở Huế thắc mắc: Con tôi định dự thi ngành tài chính - kinh tế song hiện nay ngành này rất đông, nên tôi muốn hướng cho cháu thi kiến trúc. Không biết liệu lúc này học vẽ, như vẽ đầu tượng, liệu có kịp không? Con tôi có phải vào TP.HCM để học vẽ không vì tôi nghe nói mỗi khu vực có “gu” riêng về môn vẽ, nên sợ học ở Huế sẽ không hợp “gu”?

- ThS Trần Minh Tuấn - Chuyên viên Đào tạo Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM: Em từ ngành tài chính - kinh tế chuyển sang, tức là khối A hoặc D1, sẽ có trùng môn toán, lý với khối V. Nếu em có thể tự tin đạt điểm hình họa mỹ thuật, vẽ đầu tượng bằng hoặc lớn hơn 5 thì có thể thi vào. Vì điểm ngành kiến trúc công trình khá cao, như năm 2011 là 21,5. Nếu các em đạt điểm cao môn toán, lý, cụ thể như 8, 9 điểm mà không đạt được điểm môn vẽ lớn hơn hoặc bằng 5 thì cũng khó có khả năng.

Về vấn đề “gu” thì không hẳn như vậy bởi vì phương án chấm dựa vào những yếu tố của một vài cách vẽ cơ bản như dựng hình, khối, đánh bóng, bố cục... Đó là những quy định chung, chứ không phải là “gu” người này khác “gu” người kia. Hơn nữa, việc chấm thi là chấm hội đồng, gồm bốn người chứ không phải một người.

Đương nhiên việc luyện thi ở TP.HCM có thì vẫn tốt hơn, có thể bắt nhịp, gần gũi hơn ở Huế. Nếu có điều kiện và dự định thi nên vào TP.HCM, đến các trung tâm để đầu tư nhiều hơn cho môn vẽ sau khi thi tốt nghiệp.

* Một học sinh lớp 12 trường Trung học thực hành ĐH Sư phạm TP.HCM có mặt tại hội trường đặt câu hỏi: Em muốn thi vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, khối V. Em muốn biết môn vẽ được tiến hành thế nào? Đối với ngành kiến trúc công trình, những năm học sau đó có phân thành các ngành khác không?

- ThS Trần Minh Tuấn - Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM: Những năm trước, khối V thi đợt 1. Các môn toán, lý (thi theo đề thi khối A) và môn vẽ đầu tượng.

Môn này cũng được tổ chức thi như các môn khác. Nếu phòng thi có trên 30 thí sinh, sẽ có hai đầu tượng được đặt ở đầu và cuối phòng. Thí sinh thi trên khổ giấy theo quy định của nhà trường, không phải khổ A3 hoặc A4.

Ngành kiến trúc công trình chỉ mỗi học ngành này, không có chuyên ngành hẹp. Khi làm đồ án tốt nghiệp sẽ chọn các chuyên ngành hẹp như công nghiệp, dân dụng và nhà ở.

* Một học sinh trong hội trường đặt câu hỏi: "Ngành Đông Phương Học của trường ĐH Khoa học xã hội Nhân văn TP.HCM có nhiều chuyên ngành như Ấn Độ, Thái Lan, Nam Á Thái Bình Dương. Các ngành này đều học tiếng chuyên ngành và thêm một ngoại ngữ phụ. Vậy ngành Nam Á Thái Bình Dương có môn ngoại ngữ phụ là gì?".

- TS Phạm Tấn Hạ - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM): Ngành Đông Phương Học của nhà trường có nhiều chuyên ngành như Ấn Độ, Thái Lan, Úc, Indonesia... Các chuyên ngành này thì học song song cả tiếng chuyên ngành lẫn tiếng Anh. Năm nay trường ĐH Khoa học xã hội Nhân văn TP.HCM mở chuyên ngành mới toanh là chuyên ngành tiếng Ả Rập.

Theo TS Hạ, trường mở chuyên ngành tiếng Ả Rập xuất phát từ nhu cầu ngày càng tăng gần đây, và hiện chưa có trường nào đào tạo chuyên ngành này.

"Chúng tôi có đội ngũ thầy cô học từ khu vực này trở về, còn chương trình giảng dạy cũng rất đầy đủ. Các bạn thí sinh cứ yên tâm", TS Hạ khẳng định.

THANH NIÊN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.