Chốt chặn tham nhũng

24/05/2014 03:00 GMT+7

Hôm nay, QH thảo luận những nội dung còn có ý kiến khác nhau xung quanh luật Đầu tư công - một dự luật được kỳ vọng sẽ là chốt chặn, giảm thiểu tình trạng lãng phí, tham nhũng trong hoạt động đầu tư công hiện nay.

Còn nhớ tại kỳ họp thứ 6 (tháng 11.2013), khi luật này lần đầu được trình ra QH, Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh đã kể một chuyện hậu trường làm luật, nói lên rất nhiều điều. Ông nói: “Có vụ trưởng nói với tôi rằng, thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đang lấy đá ghè chân mình. Minh bạch thế này thì còn ai đến Bộ KH-ĐT nữa. Tôi bảo: Không, đất nước này cần sự minh bạch, đất nước này cần không có tham nhũng".

Không ai nghi ngờ sự cần thiết phải ban hành luật Đầu tư công (ĐTC). Bởi lẽ, trên thực tế, mặc dù việc quản lý đầu tư sử dụng vốn nhà nước (đầu tư công) được quy định trong khá nhiều văn bản pháp luật, như: luật Ngân sách nhà nước, luật Xây dựng, luật Đầu tư, luật Phòng chống tham nhũng, luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… nhưng chưa có bất kỳ một văn bản pháp luật nào chế định đầy đủ toàn bộ quá trình ĐTC từ chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn ĐTC, lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư, triển khai thực hiện kế hoạch, theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch ĐTC. Trong khi nguồn vốn từ ngân sách thường chiếm đến hơn 60% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Hậu quả tất yếu của chuyện này là phê duyệt chủ trương và quyết định đầu tư tràn lan, không tính đến khả năng cân đối vốn, bố trí vốn dàn trải; kế hoạch đầu tư bị cắt khúc, gây nhiều thất thoát, lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp. Tình trạng thi công vượt quá vốn kế hoạch được giao, nợ đọng xây dựng cơ bản quá mức, gây áp lực lớn đến cân đối ngân sách nhà nước các địa phương, đẩy ngân sách trung ương vào thế bị động, do vậy cứ kéo dài từ năm này qua năm khác.

Nội dung quan trọng nhất của luật ĐTC là thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư - điểm khởi đầu quyết định tính đúng đắn, hiệu quả của chương trình, dự án để nhằm ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí và đơn giản trong việc quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, trong khi quy định khá nhiều về trình tự thủ tục đầu tư, điểm còn thiếu của dự thảo là chưa làm rõ chế tài đối với các chủ đầu tư quyết định đầu tư sai, gây thất thoát lãng phí và khó xử lý. Dự thảo phân cấp mạnh mẽ quản lý đầu tư về cho địa phương nhưng lại thiếu cơ chế phối hợp, điều hành tổng thể cũng là một điểm đáng tiếc.

Cộng đồng được tham gia giám sát toàn diện dự án ĐTC là một điểm đặc biệt mới, đề cao sự công khai, minh bạch trong ĐTC. Nhưng để thực hiện được điều này sẽ cần phải có các cơ chế cụ thể để người dân giám sát thực chất, nếu không muốn nó mãi mãi chỉ là quy định “cho vui”.

Tái cơ cấu ĐTC cũng là việc khác cần làm và làm quyết liệt, nhằm thúc đẩy minh bạch, chống tham nhũng. Hy vọng, việc luật hóa hình thức đầu tư đối tác công tư trong dự thảo luật ĐTC sẽ giúp giảm dần tỷ trọng vốn ĐTC và tăng tỷ trọng của các nguồn vốn khác trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Điều này sẽ giúp sử dụng có hiệu quả vốn ĐTC để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế.

An Nguyên

>> Trao giải 5,5 tỉ đồng cho các sáng kiến phòng chống tham nhũng
>> Lãng phí cần xem như tham nhũng
>> Lãng phí - tham nhũng: Thật ra là 'chịu đấm ăn xôi
>> Chống tham nhũng, đừng nửa vời!
>> Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phòng, chống tham nhũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.