Vững vàng hơn trong thiên tai

02/01/2014 09:29 GMT+7

Người miền Trung sống chung với thiên tai như một thói quen, chống chọi theo bản năng sinh tồn. Và khi Quỹ Hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung (HTPTTTMT) ra đời, người dân 14 tỉnh, thành miền Trung (Thanh Hóa đến Bình Thuận) đã có được trợ giúp bền vững, có thể chủ động phòng tránh, ứng phó và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Vững vàng hơn trong thiên tai

Công trình cộng đồng Trạm y tế xã Bình Dương (Thăng Bình, Quảng Nam) trong ngày khánh thành và đưa vào sử dụng - Ảnh: Quỹ Hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung cung cấp

Tạo chỗ trú tránh an toàn

Bằng việc xây dựng hệ thống các công trình phòng tránh thiên tai như trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng ở các địa phương vùng bão lũ, Quỹ HTPTTTMT đã phần nào giúp người dân có thêm định hướng rõ ràng, có cơ sở để ứng phó với sự khốc liệt của thiên nhiên. Và suốt 5 năm, Quỹ đã vận động xây dựng gần 70 công trình cộng đồng (3-4 tỉ đồng/công trình). Ngoài công năng là nơi học tập, khám chữa bệnh và sinh hoạt văn hóa, công trình còn là nơi tránh trú an toàn để người dân tìm đến mỗi khi bão lũ về.

Trường Tiểu học số 1 Triệu Độ nằm ngay trong vùng thấp trũng của huyện Triệu Phong (T. Quảng Trị). Những năm trước, khi gió mưa vào mùa, cả thầy, trò phải gồng mình chống lại cái lạnh lẽo, ẩm ướt dưới mái trường dột nát và xuống cấp nghiêm trọng. Giờ đã khác, Với sự hỗ trợ của Quỹ HTPTTTMT, trường tiểu học số 1 Triệu Độ đã được xây kiên cố với đầy đủ phòng chức năng phục vụ cho dạy và học, đồng thời, là nơi trú ẩn cho hơn 300 người dân khi có bão lũ. “Phải nói rằng nếu như không có sự hỗ trợ của Quỹ thì chúng tôi cũng không thể mơ có được ngôi trường như thế này.”, ông  Nguyễn Hữu Sĩ, Hiệu trưởng trường xúc động chia sẻ . 

Làm việc trực tiếp tại Trạm Y tế xã Bình Dương (H. Thăng Bình, Quảng Nam), một công trình được Quỹ hỗ trợ xây mới và kiên cố, y sĩ Dương Anh Trực cho biết: “Trạm giờ đây đã đầy đủ phòng ốc để phục vụ khám chữa bệnh cho người dân. Những mùa bão lũ trước, nơi này bị  ngập lụt nghiêm trọng nhưng nay được nâng cấp, người dân an tâm hơn khi đến lưu trú và điều trị.”.

Chủ động ứng phó, giảm thiệt hại

Triển khai từ đầu năm 2011, đến nay Quỹ đã hỗ trợ thành lập 60 đội xung kích được đào tạo kỹ năng một cách bài bản ở các địa phương vùng lũ. Hàng ngàn phao cứu sinh, loa phóng thanh và hàng trăm thuyền cứu hộ cũng được Quỹ tài trợ cấp phát về cơ sở. Đây là lực lượng nòng cốt trong công tác cứu nạn thiên tai ngay tại các địa phương. Ông Nguyễn Thảnh, Đội Xung kích cứu hộ cứu nạn thôn Mỹ Xá (X.Quảng An, H. Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) cho biết: “Khi nhận được sự quan tâm hỗ trợ, trang bị phương tiện ứng cứu, chúng tôi cũng tự tin hơn. Có nhiều kỹ năng chúng tôi được tập huấn thực sự có ích, từ đó giảm thiểu được rủi ro và thương vong”. 

Bên cạnh đó, Quỹ còn triển khai chương trình trồng rừng phòng hộ ven biển, với gần 86 héc ta bần chua được trồng đã lên xanh tốt ở vùng ngập mặn ven biển Hậu Lộc (Thanh Hóa). Đây là hợp phần quan trọng trong dự án 200 héc ta rừng phòng hộ mà Quỹ dự kiến triên khai. “Chúng tôi vừa tạo điều kiện để địa phương phát triển rừng trồng, vừa kết hợp nghiên cứu các công nghệ trồng rừng mới cũng như quản lý khu rừng như thế nào cho bền vững, đem lại lợi ích cho người dân vùng hưởng lợi” ông Phan Diễn, Chủ tịch Hội đồng quản lý QHTPTTTMT chia sẻ.

Cũng theo ông Phan Diễn, hiện tại, điều ông và các cộng sự trăn trở nhất là làm thế nào để mở rộng được hoạt động tài trợ để có thể vận động được nhiều nhà hảo tâm quan tâm hơn nữa đến hoạt động phòng tránh thiên tai, hỗ trợ và đồng hành cùng với Quỹ. Bởi những tổn thất mà người dân miền Trung phải gánh chịu hàng năm, không có gì có thể bù đắp nổi, dù với hành trình 5 năm đồng hành với khúc ruột miền Trung, số tiền vận động tài trợ của Quỹ đã lên trên con số 160 tỷ đồng.

Minh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.