Chọn ngành học theo tính cách

08/03/2014 03:48 GMT+7

Sáng 7.3, hơn 1.000 học sinh H.Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) đã có mặt tại Trung tâm văn hóa huyện để nghe các chuyên gia tư vấn giải đáp nhiều thắc mắc về điểm sàn, điểm chuẩn, cách lựa chọn ngành học phù hợp.

Chọn ngành học theo tính cách
Học sinh H.Điện Bàn (Quảng Nam) tham gia chương trình Tư vấn mùa thi diễn ra tại tỉnh này - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thuyết phục cha mẹ

Chọn ngành học, trường học theo sở thích cá nhân nhưng gặp phải ngăn cản từ cha mẹ, không ít học sinh cảm thấy bối rối. Nguyễn Phương Thảo, lớp 12T8 Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, lo lắng: “Mẹ em muốn em học trường gần nhà nhưng em muốn vào TP.HCM học, em không biết làm sao để thuyết phục được bố mẹ, xin thầy cô tư vấn”. Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, chia sẻ: “Việc cha mẹ lo lắng khi con đi học xa nhà là điều có thể thông cảm. Hiện nay tỷ lệ sinh viên bỏ học khi học xa nhà khá cao vì gặp môi trường mới, lại sống một mình, các em sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên điều kiện cho sinh viên xa nhà hiện nay khá tốt. Các trường ĐH-CĐ đều có ký túc xá và cũng tạo điều kiện cho các em đi làm thêm để có thể sống tự lập”. Tiến sĩ Nghĩa nhấn mạnh, mỗi thí sinh đều có quyết định cuộc đời, tương lai của mình, trong đó việc chọn ngành vô cùng quan trọng. “Nếu các em có ý chí vững vàng, theo đuổi việc học đến nơi đến chốn và có tinh thần tự lập cao thì chắc chắn sẽ thuyết phục được bố mẹ”.

Báo Thanh Niên cảm ơn Công ty Vietravel hỗ trợ phương tiện vận chuyển cho đoàn tư vấn, Tỉnh đoàn Quảng Nam, Sở GD-ĐT Quảng Nam, UBND H.Điện Bàn, Đài phát thanh - truyền hình Quảng Nam, Công ty TNHH vận tải xe khách Trần Hòa - Đại Lộc, Trung tâm viễn thông H.Điện Bàn đã phối hợp tổ chức thành công chương trình.

Nguyễn Chí Thắng, học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền băn khoăn: “Em rất thích học khối ngành kinh tế nhưng mẹ em nói em thiếu nhanh nhẹn, giao tiếp kém thì sẽ rất khó đậu. Vậy em có nên thi không, trong quá trình học em có thể bổ sung các kỹ năng cần thiết hay không?”. Tiến sĩ Phạm Sỹ Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - kế toán, cho biết: “Khối ngành kinh tế có nhiều ngành nghề khác nhau, mỗi ngành nghề lại đòi hỏi tố chất nghề nghiệp khác nhau. Chẳng hạn có nghề cần mạo hiểm, nhanh nhạy, có nghề đòi hỏi tính thận trọng, có nghề phải thường xuyên đi xa, có nghề chỉ cần phải ngồi một chỗ... Nếu giao tiếp không quá xuất sắc, em vẫn có thể học nghề kế toán, thu ngân”.

Tiến sĩ Lê Tuấn Lộc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế luật TP.HCM, bổ sung: “Nếu em có đam mê, em sẽ làm được những điều mình muốn và nỗ lực khắc phục nhược điểm để chứng minh cho ba mẹ thấy mình sẽ theo đuổi được ngành mình thích. Trong quá trình học, bên cạnh kiến thức chuyên môn, các trường ĐH sẽ có nhiều tiết học và hoạt động để giúp em rèn luyện các kỹ năng như giao tiếp, ứng xử, thuyết trình... Ngoài ra để khắc phục tính nhút nhát, em có thể tham gia các CLB học thuật, hội nhóm để tự tin hơn”.

Cơ hội việc làm ngành sư phạm mầm non

Phan Thị Hương, học sinh Trường THPT Sào Nam, lo lắng khi một số trường ĐH, trong đó có Trường ĐH Quảng Nam không còn nhiều chỉ tiêu cho khối ngành sư phạm thì cơ hội việc làm sẽ ra sao. Ông Nguyễn Luận, Phó phòng Giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Quảng Nam, thông tin: “Ngành học sư phạm mầm non trong tỉnh đang được mở rộng do hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo phát triển mạnh mẽ, nhu cầu tuyển rất cao. Trước đây giáo viên mầm non đều không có biên chế, nhưng 2 năm gần đây tỉnh đã chuyển giáo viên mầm non thành giáo viên có biên chế như các bậc học khác. Các thầy cô thế hệ trước đã về hưu nên càng cần nhân lực ngành này”.

Quan tâm tới ngành báo chí, Lê Thị Thu, học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền, băn khoăn: “Em không biết nên thi ngành báo chí của Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng hay Trường ĐH Khoa học Huế? Khối thi và điểm chuẩn ra sao? Cơ hội việc làm trường nào tốt hơn?”. PGS-TS Lê Văn Anh, Phó giám đốc ĐH Huế cho biết: “Ngành báo chí tại Trường ĐH Khoa học Huế thi 2 khối C và D1. Năm 2013 điểm chuẩn là 15 và trường tuyển 140 chỉ tiêu trong năm nay”. Tiến sĩ Trần Đình Khôi Quốc bổ sung: “Tại Trường ĐH Sư phạm ĐH Đà Nẵng, điểm chuẩn năm 2013 khối C là 17,5 điểm, khối D1 là 17 điểm. Theo tôi, cơ hội việc làm ngành này của 2 trường là như nhau vì chương trình đào tạo có nhiều tương đồng và cùng là các trường ĐH vùng. Quan trọng là trong quá trình học em cần phải bổ sung nhiều kiến thức như ngoại ngữ, tin học, kỹ năng để tăng cơ hội việc làm cho mình”.

Chương trình Tư vấn mùa thi sẽ tiếp tục diễn ra tại Quảng Ngãi trong ngày 8 và 9.3.

Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.