Câu chuyện lãng phí lên sóng VTV

14/03/2012 08:57 GMT+7

Bắt đầu từ 21g30 tối nay 14-3, giờ vàng trên VTV1, bộ phim tài liệu bảy tập Câu chuyện lãng phí sẽ được công chiếu với thời lượng 30 phút một tập, vào các tối thứ tư, sáu và bảy.

Bắt đầu từ 21g30 tối nay 14-3, giờ vàng trên VTV1, bộ phim tài liệu bảy tập Câu chuyện lãng phí sẽ được công chiếu với thời lượng 30 phút một tập, vào các tối thứ tư, sáu và bảy.

 
Khu thương mại cửa khẩu Lao Bảo thưa vắng - Ảnh chụp từ phim tài liệu

Bộ phim đề cập một vấn đề không mới, thậm chí rất cũ, nhưng với hiệu quả của hình ảnh và sức nặng của những vụ việc, hiện tượng được xâu chuỗi, hệ thống, “câu chuyện lãng phí” không còn là câu chuyện của một bộ phim truyền hình, mà đã trở thành một quốc nạn, hay nói như Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự - một nhân vật trong phim: “Lãng phí đã thành một tội ác”.

Hồ chứa nước Đá Mài được thiết kế để tưới nước cho 800ha canh tác của bà con xã Tâm Kim, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, nhưng mương dẫn nước thấp hơn mặt ruộng đến hàng mét, nước không vào ruộng được. Ống kính hất từ lòng mương, qua bờ mương khô khốc, lướt qua cánh đồng xác xơ, lên bầu trời xanh ngắt không một gợn mây, giọng người nông dân nghẹn ngào: “Mương thấp hơn ruộng như ri thì mần răng nước vô”. Khuôn hình chuyển sang người phụ trách công trình thủy lợi của huyện, giọng khẳng định chắc nịch: “Thiết kế mương dẫn như thế là phù hợp với địa hình và điều kiện kỹ thuật”... Những người công nhân làm đường đang bình thản đổ nhựa đường dưới trời mưa rào sùi sụt, khi ai cũng biết nước là kẻ thù số 1 của những con đường đang thi công...

Những câu chuyện “nhỏ” như vậy đã mở đầu cho loạt phim tài liệu về sự lãng phí mà các nhà làm phim của VTV bắt đầu từ đầu năm 2011 và sau gần một năm mới hoàn thành.

Ống kính, suốt bảy tập phim, vẫn kiên nhẫn đi qua chiếc cầu - không - bao - giờ - hoàn - thành đầu thị xã Kon Tum, đường đã xong nhưng cầu vẫn bỏ lửng. Ống kính chĩa thẳng vào khu thương mại cửa khẩu Lao Bảo - nơi tòa ngang dãy dọc vắng lặng, chỉ có một nhân viên bảo vệ ngồi nhìn mưa rơi và một người đàn ông đang tập lái xe - vì không gian rộng và vắng người rất thuận tiện. Ống kính mờ mịt vì cát bay trong Khu kinh tế mở Nhơn Hội - Bình Định: 12.000ha đất ven biển, với 20km đường nội bộ tinh tươm đã làm xong, hạ tầng đã được hoàn thiện trong năm năm từ 2006-2010 bằng hơn 850 tỉ đồng tiền ngân sách, giờ đây hoang vắng lạnh người, chỉ có cát và cát, cát bay, cát chạy, cát lấp đầy hệ thống cống. Một thiên đường dành cho cát, hậu quả của rừng và thảm thực vật đã bị hủy diệt để lấy đất xây dựng khu kinh tế mở!?

Không có bất cứ một người có trách nhiệm của bất cứ địa phương hay bộ ngành nào xuất hiện trong bảy tập phim, dù chỉ để nói một câu đơn giản: “Chúng tôi đã tính toán sai”. Hỏi đạo diễn Hồ Chí Cường (Trung tâm sản xuất phim phóng sự - tài liệu Đài truyền hình VN), anh thở dài: “Chúng tôi biết làm phim thế này là nửa vời, là không đến nơi đến chốn, nêu thực trạng mà không có ai nhận trách nhiệm thì người xem càng bức xúc. Nhưng không chỉ cố gắng nhận diện lãng phí một cách toàn diện, chúng tôi đã cố gắng tiếp cận những cá nhân, tập thể gây lãng phí để có được tiếng nói của người trong cuộc, gửi đi bao nhiêu công văn đề nghị gặp để làm việc, tất cả đều không có hồi âm”.

Tối nay, câu chuyện dài, rất dài về lãng phí sẽ chính thức lên sóng, và nó vẫn chưa có hồi kết.

Bộ phim tài liệu Câu chuyện lãng phí đã lần lượt “điểm danh” hàng trăm vụ việc lãng phí từ lớn đến nhỏ, từ ngân sách đến tài nguyên, từ thời gian đến sức người. Sau tập một có tên Nhận diện lãng phí, các tập sau lần lượt là: Lãng phí cảng biển, Lãng phí quy hoạch đất khu công nghiệp, Lãng phí vì quy hoạch đô thị treo, Lãng phí vì đầu tư sai, Lãng phí vì đầu tư thiếu đồng bộ và Lãng phí vì chậm tiến độ.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.