Giá trị của tiền lệ

21/12/2008 03:32 GMT+7

Giống như các đồng minh khác của Mỹ tham gia vào cuộc chiến Iraq đã và sẽ làm, Nhật Bản đã chấm dứt hoàn toàn mọi hoạt động quân sự ở đất nước này.

Điều khác duy nhất và cũng là cơ bản nhất giữa sự can dự của Nhật Bản ở Iraq và của các đồng minh khác là trong khi chuyện đó đối với các nước kia là chuyện bình thường thì đối với Nhật Bản lại là một tiền lệ, một tiền lệ rất giá trị.

Giá trị của nó không phải chỉ ở chỗ sự kết thúc của tiền lệ này là sự khởi đầu của một thông lệ mới đối với Nhật Bản: từ chỗ lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến 2 và trong khi bản hiến pháp chưa sửa đổi, quân đội Nhật Bản hiện diện ở khu vực xảy ra chiến sự, chính phủ Nhật Bản đã tạo dư luận và cơ sở pháp lý trong nước cho việc tham gia nhiều hơn và mạnh mẽ hơn vào những hoạt động quân sự quốc tế. Giá trị của tiền lệ này còn ẩn chứa ở chỗ nó tạo điều kiện thuận cần thiết cho việc thực hiện ý định vươn tới vai trò và ảnh hưởng chính trị thế giới to lớn hơn cả về chính trị quân sự và an ninh, chứ không chỉ thuần túy về kinh tế và tài chính như lâu nay.

Đúng là sự can dự của Nhật Bản vào Iraq đã làm nội bộ xã hội ở xứ Phù Tang bị phân hóa sâu sắc, nhưng lại đã hậu thuẫn mạnh mẽ cho việc sửa đổi Hiến pháp theo hướng chính thức cho phép quân đội Nhật Bản tham gia các chiến dịch và hoạt động quân sự ở nước ngoài, chuyển Cục Phòng vệ thành Bộ Quốc phòng chính quy, vừa thể hiện sự gắn bó bền chặt của mối quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ lại vừa gây dựng được vai trò riêng. Số quân Nhật Bản được triển khai ở Iraq không nhiều, lại được rút khỏi đó chỉ sau 2 năm, chỉ để lại có 210 nhân viên không quân đóng tại Kuwait hậu thuẫn cho Mỹ và đồng minh ở Iraq – những điều ấy cho thấy trong phi vụ tạo tiền lệ này, Nhật Bản bỏ vốn đầu tư ít, mạo hiểm cũng ít mà hiệu quả thu về lại rất đáng kể. 

La Phù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.