Người nghèo gánh nợ cho người giàu

23/07/2012 09:59 GMT+7

Giới siêu giàu trên thế giới đã lợi dụng kẽ hở của luật thuế để tuồn tài sản ra giấu tại những “thiên đường tài chính” ở nước ngoài. Bức tranh bất bình đẳng giàu nghèo trên thực tế còn tồi tệ hơn những gì thống kê.

Người nghèo gánh nợ cho người giàu
Một bé gái đội mâm bánh đi bán dạo ở Nigeria, nước “chảy máu” 306
tỉ USD từ tiền gửi ra nước ngoài - Ảnh: Reuters

Chuyện những người siêu giàu chuyển tài sản ra nước ngoài để trốn thuế không lạ, nhưng trước nay chưa có một thống kê chi tiết và đầy đủ nào về chuyện này. Mới đây, chuyên gia về thuế và là cựu kinh tế gia của Công ty tư vấn McKinsey là James Henry đã tập hợp những số liệu được coi là chi tiết nhất từ trước đến nay về quy mô của “nền kinh tế hải ngoại”, hay còn gọi là nền kinh tế tiền gửi ra nước ngoài này. Báo cáo này tập hợp được số liệu từ nhiều nguồn, bao gồm cả Ngân hàng Thanh toán quốc tế và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Theo báo cáo do ông đưa ra, khoảng 21.000 tỉ USD, thậm chí là tới 32.000 tỉ USD, nghĩa là hơn cả GDP của Mỹ và Nhật cộng lại, đã chảy ra khỏi biên giới của rất nhiều quốc gia để đến những nơi an toàn và bí mật hơn như Thụy Sĩ hay quần đảo Cayman, với sự trợ giúp của các ngân hàng tư nhân.

Bất bình đẳng

Vào đầu năm nay, dư luận đã xôn xao về trường hợp diễn viên hài Jimmy Carr chuyển tiền đến quần đảo Cayman để trốn thuế. Thế nhưng, theo báo cáo của James Henry, những kiểu làm như của Jimmy Carr chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm.

Theo ước tính, trên thế giới có khoảng 10 triệu người có tài sản ở nước ngoài. Tuy nhiên, 9.800  tỉ trong số 21.000 tỉ USD được ước tính lại đang nằm trong tay của 92.000 người (hay 0,001% dân số thế giới). Số tiền này chưa bao gồm các tài sản phi tài chính như các tác phẩm nghệ thuật, du thuyền, biệt thự...

Quy mô số tài sản bí mật ở nước ngoài của giới siêu giàu cũng để lộ ra một thực tế: các phương pháp thống kê về bất bình đẳng xã hội xưa nay đều đánh giá sai khoảng cách thực giữa người giàu và người nghèo. Bởi lẽ, phương pháp này thường dựa vào con số thống kê thu nhập của các hộ gia đình hay tài sản của các nước riêng lẻ.

Tuy nhiên, thống kê trưởng của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc Milorad Kovacevic cho biết người siêu giàu và siêu nghèo thường bị tách ra khỏi các thống kê chính thống về bất bình đẳng. Rất hiếm trường hợp 1% những người có thu nhập cao nhất tham gia vào các cuộc thống kê. Còn đối với những người nghèo nhất, họ thậm chí không có địa chỉ để đưa vào mẫu thống kê hoặc khai không đúng về tài sản của mình.

“Những ước tính này cho thấy một sai lầm gây choáng váng: bất bình đẳng tồi tệ hơn rất nhiều lần so với những gì ta thấy qua thống kê” - chuyên gia John Christensen của Mạng lưới công lý về thuế nhận định.

Lãnh đạo các nước G-20 đã nhiều lần cam kết sẽ dẹp bỏ các thiên đường tài chính từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi việc giấu giếm tài sản trong hệ thống ngân hàng bị xem là nguyên nhân làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn.

Tuy nhiên, nhiều nước vẫn từ chối cung cấp thông tin tài chính của các cá nhân cho giới chức ngành thuế. Nhiều nhà đầu tư ở các nước, trong đó có Mỹ và Anh, vẫn có thể che đậy một phần hoặc toàn bộ tài sản của mình với giới chức ngành thuế ở nước mình.

Người nghèo gánh nợ

Nhiều quốc gia đang phải chứng kiến cảnh tiền chảy ra nước ngoài thay vì được đầu tư trong nước. Như Nga chẳng hạn, nếu tính luôn cả tiền lãi trong việc đầu tư các tài sản bí mật thì từ những năm đầu thập niên 1990 đến nay đã có khoảng 781 tỉ USD rời khỏi nước này. Saudi Arabia mất khoảng 307 tỉ USD từ giữa thập niên 1970, Nigeria bị mất khoảng 306 tỉ USD và Bờ Biển Ngà mất khoảng 141 tỉ USD.

Như ở Ai Cập, chính quyền đang phải chật vật tìm cách lấy lại khối tài sản khổng lồ ở nước ngoài của cựu tổng thống Hosni Mubarak và gia đình cùng các quan chức chính quyền cũ trong những năm cầm quyền. Bản báo cáo của James Henry chỉ ra rằng đây là một ví dụ cho thấy những nhà cầm quyền tham nhũng có thể tận dụng thời gian nắm quyền của mình để tích lũy đống tài sản kếch sù cho bản thân, trong khi người dân nước họ cứ chìm trong đói nghèo.

Báo cáo còn chỉ ra rằng đối với nhiều nước đang phát triển, giá trị tích lũy của vốn bị chảy ra nước ngoài từ những năm 1970 đến nay có thể giúp họ dư sức trả nợ nước ngoài. “Vấn đề ở đây là hầu hết tài sản ở những nước này lại nằm trong tay một số rất ít người giàu trong khi những người còn lại phải gánh nợ” - báo cáo viết.

Những nước nghèo nhất thế giới, đặc biệt là ở vùng Hạ Sahara của châu Phi, từ lâu đã chật vật để xin cộng đồng quốc tế xóa nợ. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy nếu những nước này có thể buộc được những công dân giàu nhất đóng thuế công bằng thì nước họ đã không lâm vào cảnh nợ nần.

Tổng thư ký Nghiệp đoàn Lao động Anh (TUC) Brendan Barber cho rằng: “Chấm dứt được tình trạng người siêu giàu trốn thuế sẽ giảm được thâm hụt. Bằng cách này, các chính phủ có thể tập trung vào kích thích kinh tế tăng trưởng thay vì cứ phải thắt lưng buộc bụng với các khoản cắt giảm và tăng thuế đối với 99% những người không giàu”.

Bản báo cáo đã làm thử một phép tính đơn giản: cứ cho là những nhà đầu tư siêu giàu kiếm được một khoản cực kỳ khiêm tốn là 3% một năm trên tổng số 21.000 tỉ USD của họ và ta đánh thuế 30% số tiền kiếm được này. Kết quả là số tiền thuế thu được vào khoảng 189 tỉ USD một năm. Số tiền này cao hơn nhiều so với khoản viện trợ của các nước giàu cho cả thế giới.

Theo Việt Phương / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.