Tan hoang rừng bảo tồn Kim Hỷ

13/08/2012 03:20 GMT+7

Tình trạng phá rừng và khai thác vàng trái phép tại Khu bảo tồn (KBT) thiên nhiên Kim Hỷ (thuộc địa phận 2 huyện Na Rì và Bạch Thông của tỉnh Bắc Kạn) trắng trợn và manh động còn hơn ở Vườn quốc gia Ba Bể mà báo chí từng lên tiếng.

Thông tin về đoàn kiểm tra như bị rò rỉ. Bởi mỗi lần đoàn công tác tiếp cận được hiện trường, thì chỉ còn lại sự im ắng, không một bóng người...

Ông Nông Văn Kỳ - Chủ tịch UBND H.Na Rì

Từ trung tâm xã Lạng San vào tới thôn Thẳm Mu thuộc xã n Tình (H.Na Rì) dài chỉ hơn chục cây số nhưng chúng tôi phải mất gần hai tiếng đồng hồ mới đến nơi. Trong vai những sinh viên ngành lâm nghiệp đi thực địa, chúng tôi được ông M., một người dân bản địa, giúp dẫn đường lên đỉnh Cốc Khoang - một trong những điểm lõi của KBT Kim Hỷ rộng trên 14.000 ha này.

“Nghĩa địa nghiến” trong rừng thẳm

Ông M. kể, người dân Thẳm Mu vẫn quen gọi ngọn núi trên đỉnh Cốc Khoang là “nghĩa địa nghiến”. Bởi xác các cây nghiến cổ thụ bị lâm tặc đốn hạ cách đây không lâu vẫn còn nằm ngổn ngang nơi đây.

Con đường dẫn lên núi khúc khuỷu, dốc ngược, có chỗ dựng đứng khiến chúng tôi phải nằm rạp người bám vào các mỏm đá mà bò lên. Sau gần một cây số leo núi, chúng tôi đặt chân vào trung tâm “nghĩa địa nghiến”. Những thân gỗ nghiến cổ thụ có chu vi đến vài người ôm nằm ngổn ngang khắp nơi. Phần lớn chúng đều bị cưa làm nhiều khúc, bỏ mặc mưa nắng. Ông M. cho biết những cây nghiến này bị lâm tặc đốn hạ từ cuối năm 2011, đầu năm 2012. Nhưng đợt đó, do bị kiểm lâm phát hiện, truy bắt gắt gao nên chúng không mang ra ngay được mà phải cắt thành nhiều khúc rồi giấu trong rừng, đợi thời cơ thuê người chuyển ra.

Tan hoang rừng bảo tồn Kim Hỷ

Dọc con đường mòn ngót cây số nằm sâu trong rừng, chúng tôi đếm được có đến hàng trăm xác nghiến, có nhiều cây vẫn nguyên trạng sau khi bị đốn. Theo ông M., đây là những cây bị sâu, bị nứt hoặc có lõi đồng tâm nên bọn lâm tặc không sử dụng. Trước đó, chỉ chừng hơn 1 năm, núi Cốc Khoang vẫn bạt ngàn nghiến cổ thụ mấy người ôm, nhưng giờ chỉ còn loại nghiến to hơn một người ôm tí chút. Con đường mòn mà ông M. dẫn chúng tôi đi cũng chỉ được hình thành mới đây, khi bọn lâm tặc mở đường để vận chuyển gỗ. Thời điểm nóng nhất, mỗi ngày có hàng chục đoàn người đi gỗ qua lại con đường này.

Theo lời ông M., bọn lâm tặc thường dùng cưa máy để hạ cây. Còn những vết dao quắm trên thân cây là do chúng đánh dấu trước, chờ đêm xuống sẽ quay vào đốn hạ. “Lâm tặc giờ ghê lắm, trời mưa càng to chúng càng đi gỗ nhiều. Vì lúc đó, đồng bào không đi nương, kiểm lâm ngại đi rừng”, ông M. nói.

Tan hoang rừng bảo tồn Kim Hỷ
Thân cây nghiến và thớt nghiến bị bỏ lại trên lối mòn trong rừng - Ảnh: Hà An

Xới tung rừng để tìm vàng

Ngoài lâm tặc phá rừng, theo khảo sát của PV Thanh Niên, hiện trong khu vực KBT Kim Hỷ có cả trăm lũng, mỏ khai thác vàng trái phép.

Có mặt tại mỏ khai thác vàng sa khoáng Tốc Lù (bản Kim Vân, xã Kim Hỷ, H.Na Rì) trong nhiều ngày, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên hơn cả là dù trời nắng hay mưa, ban ngày hay ban đêm, nơi đây chẳng khi nào yên tiếng máy xúc đào đất, tiếng máy bơm hút nước, tiếng giàn tuyển vàng… vang lên dồn dập. Hiện tại, Tốc Lù có tới 12 chủ bưởng (mỗi chủ bưởng quản lý hơn 20 nhân công) tự phân chia nhau ranh giới để khai thác trái phép vàng sa khoáng. Hàng trăm nhân công, cùng máy xúc ầm ầm hoạt động. Đất đá lật xới tới đâu sẽ đưa ngay vào giàn tuyển, trước khi được sàng lọc bởi những máy bơm công suất lớn. Cứ thế, từng nhóm nhân công vài ba người miệt mài đào đãi tìm vàng sa khoáng không ngừng nghỉ. Thoáng nhìn, chẳng ai lại không nghĩ đây là một đại công trường.

Tan hoang rừng bảo tồn Kim Hỷ
Một gốc nghiến vừa bị cưa

Ngoài xã Kim Hỷ, KBT thiên nhiên này trải rộng qua các xã Lương Thượng, n Tình, Lạng San, Côn Minh (cùng thuộc H.Na Rì) đều xảy ra hiện tượng khai thác vàng sa khoáng trái phép. Các chủ bưởng không chỉ dừng lại ở việc xới tung từng khối đất tìm vàng, mà còn ngang nhiên đốn hạ những thân gỗ nghiến, đinh, trai… hàng trăm năm tuổi.

Tan hoang rừng bảo tồn Kim Hỷ
Những gốc nghiến này vừa mới bị đốn hạ

Ông Nông Văn Kỳ, Chủ tịch UBND H.Na Rì, cho hay các cơ quan chức năng của huyện thường xuyên thành lập các tổ công tác để truy quét, xử lý các bãi, các mỏ khai thác vàng sa khoáng. “Tuy nhiên, thông tin về đoàn kiểm tra như bị rò rỉ. Bởi mỗi lần đoàn công tác tiếp cận được hiện trường, thì chỉ còn lại sự im ắng, không một bóng người nơi khai thác vàng”, ông Kỳ nói và cho biết sắp tới các tổ công tác chỉ được báo trước một thời gian rất ngắn trước mỗi đợt lên đường truy quét. Chưa hết, các thành viên tham gia tổ công tác sẽ bị thu lại điện thoại để tránh tình trạng lọt thông tin...

Kiểm lâm không biết hay làm ngơ ?

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Ban Quản lý KBT Kim Hỷ, thừa nhận tình trạng chặt phá gỗ nghiến tại khu vực rừng nằm trên địa bàn xã n Tình là có thật, và khẳng định những lâm tặc đang hoạt động ở đây phần lớn đều là người địa phương; danh sách 43 lâm tặc cũng đã được chuyển đến cơ quan công an. “Hiện chúng tôi chưa phát hiện ra trường hợp cây nghiến nào bị chặt trong thời gian gần đây, nhưng tình trạng người dân lén lút vào rừng cưa trộm những cây nghiến cũ bị lâm tặc đốn hạ trước kia vẫn thường xuyên xảy ra”, ông Dũng nói.

Làm việc với PV Thanh Niên, ông Dũng luôn khẳng định “không có chuyện lâm tặc chặt phá cây tươi”, nhưng khi chúng tôi trưng ra những hình ảnh ghi nhận trong chuyến thực địa tại khu vực núi Cốc Khoang thì ông Dũng lập tức lái câu chuyện sang hướng khác: “Trước đây, có một số ý kiến cho rằng cán bộ kiểm lâm KBT tiếp tay cho lâm tặc phá rừng. Nhưng từ trước đến nay, chưa hề có một trường hợp nào cho thấy kiểm lâm đồng ý cho lâm tặc đưa gỗ ra khỏi rừng. Thậm chí nhiều anh em đi làm nhiệm vụ còn bị lâm tặc đuổi đánh, đe dọa trả thù nữa…”.

Hà An - Quý Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.