Truyện tranh Việt: Bao giờ theo kịp manga ?

05/12/2005 22:50 GMT+7

Ngày 3.12.2005, Quỹ Tokyo và Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM phối hợp với Nhà xuất bản Trẻ tổ chức hội thảo Giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản mà nội dung chính đề cập đến manga - thể loại truyện tranh Nhật Bản.

Theo tiến sĩ Quách Thu Nguyệt - Giám đốc NXB Trẻ, truyện tranh Nhật Bản đã nhanh chóng chinh phục bạn đọc trẻ Việt Nam từ đầu thập niên 90 thế kỷ trước mà tiên phong là bộ truyện Đôrêmon. Số lượng độc giả truyện tranh tăng vọt lên từ 200.000 - 300.000 rồi 500.000 hằng tuần vào năm 1993 - 1999.  Ngoài ra, còn rất nhiều người thuê truyện để đọc và con số độc giả thực tế có thể lên đến 6 - 8 triệu. Thời điểm sau tháng 10.2004 (Việt Nam tham gia Công ước Berne), số lượng đầu sách, số bản in phát hành hằng tuần có giảm đi. Song, nhìn vào những con số trên có thể thấy thị trường truyện tranh Nhật Bản đã có thời kỳ bùng nổ. Sau hơn 10 năm thâm nhập thị trường, truyện tranh Nhật Bản đã tạo dựng được nhu cầu đọc trong lòng độc giả Việt Nam. Họa sĩ truyện tranh Lê Linh thì mang nỗi băn khoăn về sự ảnh hưởng của truyện tranh Nhật Bản đối với giới trẻ Việt Nam. Theo ông thì mặt tích cực của nó đã truyền tải một triết lý "gắn bó con người với nhau", xét trên cả hai mặt lợi ích cảm tính và lý tính. Tuy nhiên, manga có những mặt tiêu cực từng bị chỉ trích về tính bạo lực, hình ảnh khêu gợi hơn là giáo dục giới tính. Cám dỗ cái xấu luôn lớn hơn sự thuyết phục của cái đẹp. Vì thế, làm sao để cân bằng hai mặt của vấn đề? Đó là câu hỏi dành cho các nhà xuất bản.

Một câu hỏi được đặt ra: lý do nào khiến truyện tranh Nhật Bản tạo nên  sự bùng nổ ở Việt Nam? Yếu tố cơ bản là sức hấp dẫn của cốt truyện. Có truyện được nhà văn tích lũy khoảng 60 năm. Hiện tại, truyện tranh Nhật Bản không còn ngắn và đơn giản dành cho trẻ em mà còn dành cho người lớn - đó là những truyện tranh đả kích, đưa những nội dung kịch tính vào truyện tranh. Cho đến hôm nay, truyện tranh Nhật Bản đã thật sự trưởng thành và nó không chỉ thành công trong việc chinh phục độc giả Việt Nam mà còn chuyển hướng sang Trung Quốc... Truyện tranh Nhật Bản đã phát triển như vậy, bao giờ truyện tranh Việt Nam đủ sức cạnh tranh với manga trong tình hình truyện tranh vẫn là loại sách chiếm ưu thế trong việc hấp dẫn độc giả hiện nay? Câu hỏi này có lẽ luôn là nỗi trăn trở của các nhà xuất bản, nhưng vẫn chưa có câu trả lời từ cuộc hội thảo này.

Tại hội thảo, họa sĩ Lê Linh đã đưa ra những đềì xuất cho các họa sĩ trẻ trong việc sáng tác truyện tranh Việt Nam: "Thứ nhất, bằng bàn tay và khối óc, trái tim nhiệt thành đã có, chúng ta phải khẳng định quyết tâm bằng hiệu quả công việc. Được đào tạo và tự đào tạo bài bản, chuyên nghiệp để nâng cấp tư duy sáng tác, trình độ mỹ thuật, hiểu biết tâm lý độc giả. Thứ hai, tự thân vận động hay tận dụng những cơ hội có thể để tiếp cận công nghệ truyện tranh tiên tiến của Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... để có bước chuẩn bị hội nhập tốt nhất. Cuối cùng, phát huy bản chất giống nòi Việt Nam "hòa nhập, không hòa  tan" để đưa bản sắc văn hóa Việt Nam vào truyện tranh, giúp dân ta và thế giới biết được tâm tư, hoài bão, tình cảm của chúng ta trên mọi lĩnh vực".

Minh Hoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.